Hiệp Khách Quậy Laura Bassi là cái tên ít người biết tới, nhưng bà là một trong những ngôi sao tỏa sáng của nền vật lí Italy thế kỉ 18 – và có thể được xem là người phụ nữ đầu tiên theo đuổi một sự nghiệp khoa học chuyên nghiệp. Xin mời đọc tiếp.
Laura Bassi là cái tên ít người biết tới, nhưng bà là một trong những ngôi sao tỏa sáng của nền vật lí Italy thế kỉ 18 – và có thể được xem là người phụ nữ đầu tiên theo đuổi một sự nghiệp khoa học chuyên nghiệp.
Laura Bassi và thành phố học thuật. Ảnh: Shutterstock/Kushch Dmitry
Hai trăm năm trước khi Marie Curie nhận Giải Nobel Hóa học, một trong những tiền bối lỗi lạc của bà, nhà vật lí Laura Bassi (1711–78), đã chào đời tại thành phố Bologna. Là một người đương thời của nhà vật lí toán người Pháp Émilie du Châtelet, Bassi được biết tới là một giáo viên và một nhà thực nghiệm. Sự nghiệp lâu năm, có nhiều thành tựu của bà còn trùng với giai đoạn vật lí thực nghiệm phát triển thành một ngành học riêng. Giống như Châtelet, Bassi được biết tới trên toàn cõi châu Âu, và xa xôi đến tận nước Mĩ, là người phụ nữ am hiểu Newton. Tuy nhiên, danh vọng chính thống mà bà nhận được đã khiến bà thành nhà khoa học nữ tiêu biểu của thời đại của bà. Là người tốt nghiệp đại học, là giáo sư được trả lương và là viện sĩ hàn lâm, Bassi có lẽ là người phụ nữ đầu tiên từng ghi danh vào lịch sử với một sự nghiệp khoa học đầy bản lĩnh.
Ví dụ, vào năm 1803, nhà thiên văn học người Pháp Jérôme Lalande đã viết những dòng thán phục về Bassi, ông nhắc lại cái lần ông gặp bà gần 40 năm trước đó. Than vãn về tình trạng không trọng dụng phụ nữ làm khoa học ở nước mình, Lalande cho rằng trường hợp Bassi là cái nước Pháp nên học hỏi. Lalande đã đến Bologna, thành phố thứ hai thuộc hạt Papal, đến thăm những mái vòm, tranh khắc và nhà thờ của nó và hòa mình vào không khí ẩm thực xứ Bologna. Nhưng cái đáng nhớ trong chuyến đi của ông là cơ hội gặp gỡ vị nữ giáo sư danh tiếng nhất Italy.
Bassi bắt đầu đứng lớp tại trường đại học xưa nhất châu Âu vào tháng 12 năm 1732 và gặp gỡ bà là một điểm dừng chân bắt buộc đối với bất kì nhà khoa học nào có điều kiện đi xuyên cựu lục địa. Chẳng hạn, vào năm 1764, bác sĩ John Morgan – bạn của Benjamin Franklin và là người sáng lập trường Cao đẳng Y khoa Philadelphia – đã chứng kiến Bassi chứng minh các thí nghiệm lăng kính Newton trong phòng thí nghiệm gia đình của bà ở Bologna. Ông nhận thức rõ rằng Bassi cùng chồng của bà, Giuseppe Veratti, là những nhà thực nghiệm nhiệt liệt ủng hộ lí thuyết lực hút và đẩy điện của Franklin. Morgan hứa kể cho ông bạn nổi tiếng người Mĩ của ông rằng ông đã gặp họ ở Bologna.
Bologna là xứ sở trù phú và hiếu học, nhưng nó cũng được gọi đùa là “thiên đường cho phụ nữ” vì truyền thống có nhiều phụ nữ thành đạt. Bologna thời Trung cổ được cho là đã sản sinh ra nhiều phụ nữ tiếng tăm; vào thời Phục hưng, Bologna là nơi có nhiều nữ danh họa. Thật vậy, Bassi chỉ là người phụ nữ xếp thứ hai, từ bằng chứng tư liệu mà chúng tôi có, từng nhận bằng đại học, vào ngày 17 tháng 4 năm 1732 – 5 năm sau khi Isaac Newton qua đời. (Người đầu tiên là Elena Cornaro Piscopia, bà lấy bằng triết học từ trường Đại học Padua vào năm 1678.)
Hầu như từ lúc bắt đầu, Bassi đã nổi lên là một nhà vật lí thuộc trường phái Newton. Thơ ca được sáng tác để tán dương cách Bassi giải thích thí nghiệm lăng kính nổi tiếng của Newton, mô tả cách bà lí giải sự khúc xạ khi chiếu “ánh sáng bảy bậc” từ cái bóng của Đại Anh quốc trên đất Italy. Tin tức thành công của bà lan tỏa ngày càng xa rộng. Ở nước Anh và nước Pháp, người đọc các bản tin về danh tiếng và sự công nhận trong giới học thuật của Bassi tự hỏi không biết vì sao Italy lại trọng vọng phụ nữ có học thức như thế, trong khi ở nước họ phụ nữ gần như bị gạt ra rìa. Ở nước Đức, các bài viết cổ vũ nhà khoa học nữ đã truyền cảm hứng cho ít nhất là một ông bố nghĩ đến khả năng con gái của ông sau này lớn lên sẽ làm một Bassi thứ hai. (Thật vậy, Dorothea Erxleben đã trở thành người phụ nữ Đức đầu tiên lấy bằng đại học, từ trường Halle vào năm 1754.)
Trong quãng đời sự nghiệp dài hạn và sôi nổi của mình, Bassi có trong tay vô số danh hiệu giáo sư và viện sĩ hàn lâm, bắt đầu với chức danh được bổ nhiệm là giáo sư “triết học phổ thông” tại trường Đại học Bologna vào tháng 12 năm 1732. Sau đó, bà giảng dạy vật lí thực nghiệm cho trường Collegio Montalto (1766–78) – một trường nội trú dành cho sinh viên nhận học bổng từ Marches đến học làm giáo sĩ ở Bologna – và rồi bà được ngồi vào chiếc ghế danh giá trong khoa vật lí thực nghiệm thuộc Viện Bologna vào năm 1776, biến bà thành một trong những người dạy vật lí giỏi nhất thuộc thế hệ của bà. Chàng trai trẻ Alessandro Volta – người sau này là nhà phát minh của pin hóa học – đã hăm hở gửi cho Bassi những ấn phẩm đầu tay của ông, hi vọng giành được sự đồng thuận của bà dành cho công trình của anh.
Bức chân dung chính thức của Laura Bassi với vai trò giáo sư đại học, được khắc vào năm 1745 – vào năm Giáo hoàng Benedict XIV phong bà làm “tu sĩ Benedict” thuộc Viện hàn lâm Khoa học Bologna. (Ảnh: Sheila Terry/Science Photo Library)
Khởi đầu khiêm tốn
Danh tiếng lẫy lừng của Bassi lúc trưởng thành khiến người ta quên mất xuất phát điểm tương đối khiêm tốn của bà. Cha của bà là một luật sư, còn mẹ của bà, bà Rosa Maria Cesari, thì thường xuyên ốm đau. Bassi lớn lên cùng với mớ sách vở của bố, và trong những lần định kì đến nhà Bassi thăm bệnh cho mẹ của bà, vị bác sĩ riêng của gia đình, Gaetano Tacconi, để ý đến đứa trẻ duy nhất của họ có vẻ sáng dạ và giỏi tiếng Latin. Tacconi đã đề nghị ông bố Giuseppe để ông làm gia sư dạy triết học cho cô bé – lúc ấy triết học là một môn học mà mọi bác sĩ đều phải biết như một chuyên môn của họ. Nhờ đó, Bassi nhận được sự dạy dỗ của ông tại nhà, bao gồm cả học vật lí Aristotle, Galileo và Cartes.
Lúc Bassi đã là một thiếu nữ, Tacconi cảm thấy đã đến lúc để người khác biết tới người học trò xuất sắc của ông, giống như Henry Higgins đã giới thiệu Eliza Doolittle trong vở kịch Pygmalion. Thật vậy, Bassi đã thành công vượt ngoài sự trông đợi của ông – cái đã trở thành một nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai thầy trò khi người học trò còn giỏi hơn cả thầy. Vào đầu năm 1732, hầu như mọi người ở Bologna đều biết tới bà. Người ta tụ tập trong nhà của bà để nghe tranh luận của cô gái 20 tuổi về mọi phương diện của lịch sử triết học và vật lí học với các vị giáo sư và học giả hàng đầu của thành phố. Thật vậy, đức giám mục Prospero Lambertini thành Bologna – người vốn xem trọng những tài năng trẻ - đã đích thân cất công đến kiểm chứng rằng Bassi thật sự giỏi đúng như những người hâm mộ của bà truyền tụng. Sự ủng hộ của ông đã khai thông cho sự nghiệp khoa học của Bassi và vào tháng 3 năm 1732 bà đã trở thành nữ viện sĩ đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học Bologna, cơ quan tương đương với những hội học thuật khác ví dụ như Hội Hoàng gia Anh. Đó là bước đầu tiên tiến tới đài danh vọng với tư cách là nhà khoa học nữ trong Thời đại Khai sáng.
Viện hàn lâm Bologna, cơ quan vẫn tồn tại ngày nay, lúc đầu miễn cưỡng lấy Bassi làm một tiền lệ để công nhận những phụ nữ khác. Họ xem việc bổ nhiệm bà làm viện sĩ là một chuyện danh dự thuần túy và không trông đợi chuyện bà tham gia vào công việc thường ngày của viện. Đây cũng là tình huống xảy ra với chỗ đứng của Bassi ở trường đại học. Danh hiệu giáo sư của bà được phong riêng cho bà, nằm ngoài số lượng nhân sự bình thường. Không có lần bổ nhiệm nào mà không gây tranh cãi vì có quá nhiều nữ trí thức trẻ đang chờ những cơ hội như thế. Việc tạo điều kiện cho họ, giống như bây giờ, luôn luôn eo hẹp và một số đồng nghiệp nam lớn tuổi của bà – và thậm chí ít nhất là một nữ trí thức khác – xem việc một người phụ nữ trẻ “luôn ở giữa cuộc họp của những người đàn ông”, tranh luận những bí mật của tự nhiên với họ, là chuyện không đúng đắn. Tuy nhiên, quan điểm của đức giám mục Lambertini là những người phụ nữ có tài đáng được ưu tiên công nhận trước, mặc dù huấn thị ghi rõ rằng Bassi chỉ thỉnh thoảng giảng một bài khi cấp quản lí của bà yêu cầu “vì lí do giới tính”. Nghĩa là khi có khách mời đặc biệt đến viếng, hoặc khi có những tranh luận nổi tiếng trong công chúng Bologna về giải phẫu trong dịp lễ hội, hoặc khi trao bằng cấp.