Hiệp Khách Quậy Một miệng hố va chạm thiên thạch còn nguyên sơ vừa được tìm thấy trong một khu vực xa xôi hẻo lánh thuộc sa mạc Sahara ở tây nam Ai Cập. Miệng hố trên ban đầu được chú ý tới trên các ảnh chụp Google Earth, và người ta tin rằng nó chỉ mới vài nghìn năm tuổi. Xin mời đọc tiếp.
Một miệng hố va chạm thiên thạch còn nguyên sơ vừa được tìm thấy trong một khu vực xa xôi hẻo lánh thuộc sa mạc Sahara ở tây nam Ai Cập. Miệng hố trên ban đầu được chú ý tới trên các ảnh chụp Google Earth, và người ta tin rằng nó chỉ mới vài nghìn năm tuổi.
Miệng hố Kamil. Ảnh: Luigi Folco.
Miệng hố rộng 45 m, sâu 16 m, tên gọi là Kamil, có lẽ hình thành bởi sự va chạm của một thiên thạch sắt, và lần đầu tiên được chú ý tới trên các ảnh chụp Google Earth hồi năm 2008 bởi Vincenzo de Michele, một cựu nhân viên bảo tàng Civico Museo di Storia Naturale, ở Milan, Italy.
Các nhà nghiên cứu đứng đầu là Luigi Folco, người phụ trách thiên thạch tại bảo tàng Museo Nazionale dell'Antartide thuộc trường Đại học Siena, cũng đã báo cáo việc tìm thấy miệng hố trên qua ảnh chụp vệ tinh vào năm 1972, và đã đến thăm địa điểm trên. Bản báo cáo có công bố trên phiên bản trực tuyến của tạp chí Science, số mới nhất.
Bờ vành của miệng hố cao 3 m và bị bao quanh bởi các nan hay các viền vật chất màu nhạt do cú va chạm thổi tung ra khỏi miệng hố. Folco cho biết “miệng hố hình nan” là cực kì hiếm trên Trái đất nhưng phổ biến trên sao Hỏa hoặc mặt trăng, nơi bầu khí quyển mỏng mảnh ít mang lại các quá trình bào mòn đối với chúng. Trên Trái đất, các nan như vậy thường bị ăn mòn hay san phẳng đi nhanh chóng.
Các nhà khoa học đã đặt chân đến địa điểm trên hồi năm ngoái để xác nhận phát hiện mới, và quay trở về hồi tháng 2 năm nay. Trong hành trình thám hiểm của mình, họ đã tìm được hơn 5000 mảnh thiên thạch sắt, tổng khối lượng là 1,7 tấn, và họ ước tính khối thiên thạch ban đầu rộng khoảng 1,3 m, cân nặng 5-10 tấn, và chạm vào Trái đất ở tốc độ chừng 3,5 km/s, làm cho đa phần vật chất của nó bay hơi.
Mô hình độ cao kĩ thuật số của miệng hố Kamil cùng với bản đồ dị thường từ chồng lên trên sau khi đã tìm kiếm và thu gom có hệ thống các thiên thạch > 10 g. Ảnh: Luigi Folco, Science Express, doi:10.1126/science.1190990.
Folco cho biết vì miệng hố trên được bảo quản tốt nên nó sẽ cung cấp nhiều thông tinh về các vụ va chạm thiên thạch cỡ nhỏ. Chỉ có 176 miệng hố va chạm thiên thạch được xác nhận trên mặt đất, nhưng đa số bị san phẳng đi nhanh chóng, và chỉ có 15 trong số chúng có đường kính nhỏ hơn 300 m. Những vụ va chạm như vậy xảy ra khoảng 10-100 năm một lần, và đa số các thiên thạch nhỏ bị bốc cháy khi chúng đi vào bầu khí quyển và không thể chạm tới mặt đất.
Đội nghiên cứu cũng đã phân tích các mẫu đất và thủy tinh hình thành bởi sự kết tụ của cát ở khu vực trên. Họ hi vọng những phân tích này sẽ giúp họ xác định được tuổi của miệng hố, và những kết quả sơ bộ cho thấy thiên thạch trên có khả năng đã lao vào chúng ta không sớm hơn 5000 năm trước, một khoảng thời gian địa chất rất gần gũi.
Tọa độ của miệng hố Kamil là 22º 01' 06" Bắc 26º 05' 15" Đông.
Nguồn: PhysOrg.com