Cho đến nay, Trái đất được xem là hành tinh duy nhất có hoạt động kiến tạo mảng. Nhưng một “vết nứt” khổng lồ trên bề mặt Hỏa tinh – vết nứt lớn Valles Marinaris – cho thấy bằng chứng của sự chuyển động của những mảng vỏ khổng lồ bên dưới bề mặt hành tinh đỏ, nghĩa là Hỏa tinh có thể đang trong giai đoạn đầu của sự kiến tạo mảng. Khám phá này có lẽ sẽ có thể giúp làm sáng tỏ quá trình kiến tạo mảng đã bắt đầu như thế nào trên Trái đất chúng ta.
Valles Marinaris là một vết nứt không bình thường trên bề mặt Hỏa tinh. Nó là hệ thống hẻm núi dài nhất và sâu nhất trong hệ mặt trời. Trải dài gần 2.500 dặm, nó dài gấp chín lần Hẻm Núi Lớn (Grand Canyon) ở Mĩ.
Vết nứt Valles Marinaris trên Hỏa tinh. Ảnh: NASA
Giáo sư An Yin tại trường Đại học California, Los Angeled (UCLA) đã phân tích những ảnh chụp vệ tinh thu từ THEMIS (Hệ thống Chụp ảnh Phát xạ Nhiệt), gắn trên phi thuyền vũ trụ Mars Odyssey, và từ camera HIRISE (Thí nghiệm Khoa học Chụp ảnh Phân giải Cao) trên Tàu quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa của NASA.
“Khi tôi nghiên cứu các bức ảnh chụp vệ tinh từ sao Hỏa, có nhiều chi tiết trông rất giống với những hệ thống vết nứt tôi từng thấy ở Himalaya và Tây Tạng, và ở California cũng có, bao gồm cả địa mạo học,” ông nói.
Hai mảng nền mà Yin gọi là Valles Marinaris Bắc và Valles Marinaris Nam đang di chuyển xấp xỉ 93 dặm ngang so với nhau. Để so sánh, Vết nứt San Andreas ở California, nó cũng nằm trên chỗ giao nhau của hai mảng nền giống như vậy, đã di chuyển xa chừng gấp đôi, vì Trái đất có kích cỡ gấp đôi Hỏa tinh.
Yin tin rằng Hỏa tinh có không nhiều hơn hai mảng nền trong khi Trái đất có bảy mảng nền lớn và hàng tá mảng nền nhỏ hơn. Như Yin so sánh, “Trái đất có ‘lớp vỏ trứng’ bị vỡ nhiều nên bề mặt của nó có nhiều mảng nền; Hỏa tinh thì hơi vỡ và có lẽ đang trong tiến trình bị vỡ thêm, trừ ở chỗ tốc độ vỡ của nó rất chậm do kích cỡ nhỏ của nó và do năng lượng nhiệt thấp hơn chi phối nó. Đây có thể là nguyên nhân Hỏa tinh có ít mảng nền hơn so với Trái đất.”
Hỏa tinh còn những vài dãy núi lửa thẳng, dài, gồm ba dãy tạo nên Tharsis Montes, ba lá chắn núi lửa lớn trong đó có Olympus Mons, ngọn núi cao nhất trong hệ mặt trời cao 22 km. Những dãy núi lửa này có lẽ đã hình thành từ sự chuyển động của một mảng nền nằm trên một “đốm nóng” trong lớp bao của Hỏa tinh, giống như cách quần đảo Hawaii hình thành trên Trái đất. Yin còn nhận ra một vách đá dốc đứng tương tự như các vách đá ở Thung lũng Chết ở California, chúng do một vết nứt gãy tạo ra, đồng thời có một phía rất trơn và phẳng của một vách hẻm núi mà theo Yin còn là bằng chứng có sức mạnh của hoạt động kiến tạo.
Yin cũng đề xuất rằng vết nứt đó thỉnh thoảng đang dịch chuyển, và có thể còn tạo ra những trận “động Hỏa”. “Tôi nghĩ vết nứt đó có khả năng vẫn đang hoạt động, nhưng không phải mỗi ngày. Lâu lâu nó thức dậy trong chốc lát, rồi ngủ yên trong một khoảng thời gian dài – có lẽ mỗi triệu năm hoặc lâu hơn,” ông nói.
Người ta không rõ các mảng nền đó dày bao nhiêu bên dưới bề mặt Hỏa tinh. Yin thừa nhận “Tôi không hiểu cho lắm tại sao các mảng nền đang chuyển động với một cỡ lớn như vậy hoặc tốc độ dịch chuyển là bao nhiêu; có lẽ Hỏa tinh có một dạng kiến tạo mảng khác,” Yin nói. “Tốc độ đó chậm hơn nhiều so với trên Trái đất.”
“Hỏa tinh đang ở trong giai đoạn sơ khai của sự kiến tạo mảng,” Yin nói. “Nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về Trái đất sơ khai có thể trông như thế nào và có thể giúp chúng ta tìm hiểu sự kiến tạo mảng đã bắt đầu như thế nào trên Trái đất.”
123physics (thuvienvatly.com)
Nguồn: Universe Today