250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 10)

Hiệp Khách Quậy Trải qua hàng thế kỉ, nỏ chữ thập là một thứ vũ khí sử dụng các định luật vật lí để gieo rắc sự tàn phá và xuyên thủng áo giáp. Nỏ chữ thập đã làm thay đổi cục diện chiến tranh thời Trung Cổ. Một trong những ghi chép đáng tin cậy nhất về việc sử dụng nỏ chữ thập trong chiến tranh là trong trận Ma-Ling... Xin mời đọc tiếp.

Nỏ chữ thập

341 tCN


Trải qua hàng thế kỉ, nỏ chữ thập là một thứ vũ khí sử dụng các định luật vật lí để gieo rắc sự tàn phá và xuyên thủng áo giáp. Nỏ chữ thập đã làm thay đổi cục diện chiến tranh thời Trung Cổ. Một trong những ghi chép đáng tin cậy nhất về việc sử dụng nỏ chữ thập trong chiến tranh là trong trận Ma-Ling (341 tCN) ở Trung Hoa, song các nỏ chữ thập xưa cũ hơn còn được tìm thấy trong các lăng mộ Trung Hoa.

Nỏ chữ thập ban đầu thường là những cái cung gắn với cán gỗ. Đạn bắn ngắn, nặng, hình mũi tên được gọi là tên chạy theo một cái rãnh dọc theo cán. Khi nỏ chữ thập được cải tiến dần, các cơ chế khác nhau được sử dụng để kéo ngược dây cung và giữ dây tại chỗ cho đến khi nó sẵn sàng bay vọt ra. Nỏ chữ thập xưa có bàn đạp để giữ chân của người bắn khi anh ta kéo ngược dây cung bằng cả hai tay hoặc với một cái móc.

Vật lí học đã cải tiến cỗ máy giết người này ở nhiều mặt. Cung tên truyền thống đòi hỏi người cung thủ phải rất khỏe để kéo dây cung và giữ nó trong khi ngắm. Tuy nhiên, với nỏ chữ thập, một người yếu ớt cũng có thể dùng cơ chân anh ta kháng lại lực kéo sợi dây. Về sau, các cần gạt, bánh răng, ròng rọc, và tay quay được sử dụng để tăng cường sức mạnh của người dùng khi kéo ngược dây cung. Vào thế kỉ mười bốn, nỏ chữ thập ở châu Âu được làm bằng thép và sử dụng khấc nỏ - một bánh xe răng cưa gắn với tay quay. Người cung thủ sẽ quay tay quay để kéo dây cung.

Sức mạnh xuyên thấu của nỏ chữ thập và nỏ bình thường đến từ năng lượng dự trữ khi uốn cong cái cung. Giống như cái lò xo bị kéo ra và giữ lại, năng lượng dự trữ ở dạng thế năng đàn hồi của cái cung. Khi buông ra, thế năng biến đổi thành động năng của chuyển động. Sức công phá của cung tên phụ thuộc vào sức nặng kéo cung (lượng lực cần thiết để kéo cung) và độ dài lên dây (khoảng cách giữa vị trí nằm yên của dây cung và vị trí bị kéo căng của nó).

Nỏ chữ thập

Khoảng năm 1486, Leonardo da Vinci đã phác thảo một vài thiết kế cho nỏ chữ thập khổng lồ. Vũ khí này dùng bánh răng để lên tay quay. Một trong những cơ chế bắn của nó sử dụng một cái kẹp giữ, kẹp nhả ra khi bị đập bằng một cái vồ.

XEM THÊM. Atlatl (30.000 tCN), Boomerang (20.000 tCN), Máy bắn đá (1200), Bảo toàn năng lượng (1843).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm