Hiệp Khách Quậy Một thế kỉ trước, Albert Einstein đã cách mạng hóa nhận thức của chúng ta về không gian, thời gian, năng lượng và vật chất. Chúng ta vẫn đang tìm kiếm những xác nhận đáng sợ cho các dự đoán của ông, ví dụ như các sóng hấp dẫn đã được quan sát thấy vào năm 2016 bởi thí nghiệm LIGO. Khi tôi nghĩ tới sự... Xin mời đọc tiếp.
CHƯƠNG 10
LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA ĐỊNH HÌNH TƯƠNG LAI?
Một thế kỉ trước, Albert Einstein đã cách mạng hóa nhận thức của chúng ta về không gian, thời gian, năng lượng và vật chất. Chúng ta vẫn đang tìm kiếm những xác nhận đáng sợ cho các dự đoán của ông, ví dụ như các sóng hấp dẫn đã được quan sát thấy vào năm 2016 bởi thí nghiệm LIGO. Khi tôi nghĩ tới sự tài trí, Einstein hiện ra trong đầu ngay. Những ý tưởng tài tình của ông từ đâu mà có? Có lẽ là một sự pha trộn của các phẩm chất: trực giác, độc đáo, sáng chói. Einstein có khả năng nhìn xuyên thấu lớp bề mặt để thấy rõ cấu trúc nền tảng. Ông không bị khuất phục bởi lẽ thường tình cho rằng vạn vật phải có bản chất như biểu hiện của chúng. Ông can đảm theo đuổi những ý tưởng có vẻ lố bịch đối với những người khác. Và điều này đem lại cho ông sự tự do sáng tạo, đem lại một thiên tài của thời đại của ông và của mọi thời đại.
Yếu tố then chốt với Einstein là trí tưởng tượng. Nhiều khám phá của ông bắt rễ từ khả năng của ông hình dung lại vũ trụ thông qua các thí nghiệm giả tưởng. Ở tuổi mười sáu, khi ông hình dung cưỡi trên một chùm ánh sáng, ông nhận thấy từ vị trí ưu thế này thì ánh sáng sẽ hiện ra một con sóng đóng băng. Hình ảnh đó cuối cùng đã đưa đến thuyết tương đối hẹp.
Một trăm năm sau, các nhà vật lí biết về vũ trụ rõ hơn Einstein rất nhiều. Ngày nay chúng ta có các trang thiết bị tốt hơn để khám phá, ví dụ các máy gia tốc hạt, các siêu máy tính, các kính thiên văn vũ trụ và các thí nghiệm như LIGO nghiên cứu về sóng hấp dẫn. Thế nhưng trí tưởng tượng vẫn là thuộc tính mạnh nhất của chúng ta. Với nó, chúng ta có thể rong chơi bất kì đâu trong không gian và thời gian. Chúng ta có thể chứng kiến những hiện tượng kì lạ nhất của tự nhiên trong khi đang lái xe, đang ngủ ngáy trên giường, hoặc giả vờ lắng nghe ai đó đang phát biểu chán òm tại một bữa tiệc.
Lúc còn bé, tôi vô cùng hứng thú với cách mọi thứ hoạt động. Hồi đó, việc tháo gỡ các bộ phận ra và xem cơ chế vận hành bên trong dễ hơn bây giờ nhiều. Không phải lúc nào tôi cũng thành công trong việc ráp trở lại những món đồ chơi mà tôi đã tháo ra, song tôi nghĩ tôi học được nhiều hơn so với bọn trẻ bây giờ nếu bọn nhóc chơi trò lắp ráp giống như vậy trên điện thoại thông minh.
Công việc của tôi bây giờ vẫn là tìm hiểu xem vạn vật hoạt động ra làm sao, chỉ có điều cấp độ đã thay đổi. Tôi không phá hỏng chiếc xe lửa đồ chơi nào nữa. Thay vậy, tôi cố gắng tìm hiểu xem vũ trụ vận hành như thế nào, bằng cách sử dụng các định luật vật lí. Nếu bạn biết được thứ gì đó hoạt động như thế nào thì bạn có thể điều khiển nó. Nghe đơn giản thật khi tôi nói thế! Chính sự nỗ lực hấp thu và sự phức tạp đã mê hoặc và cảm hóa tôi trong suốt quãng đời trưởng thành của mình. Tôi từng làm việc với một số nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới. Tôi may mắn được sống qua cái gọi là một thời kì rực rỡ trong lĩnh vực mà tôi chọn, vũ trụ học, nghiên cứu về các nguồn gốc của vũ trụ.
Trí tuệ con người là một thứ kì diệu. Nó có thể nhận thức được nét nguy nga của bầu trời và các rắc rối của những thành phần cơ bản của vật chất. Song để mỗi trí tuệ đạt tới tiềm năng trọn vẹn của nó, nó cần một tia lóe. Tia lóe về sự thẩm vấn và tự vấn.
Thường thì tia lóe đó đến từ một người thầy. Cho phép tôi được giải thích. Tôi không phải là người dễ dạy, tôi học đọc chậm lắm và chữ viết của tôi xấu kinh khủng. Nhưng khi tôi lên mười bốn, thầy dạy của tôi tại trường ở St Albans, Dikran Tahta, đã chỉ cho tôi cách khai thác nguồn lực của mình và khích lệ tôi suy nghĩ sáng tạo về toán học. Ông đã khai nhãn cho tôi trước toán học là bản thiết kế của chính vũ trụ. Nếu bạn nhìn về phía sau mỗi con người xuất chúng thì sẽ luôn có một người thầy xuất chúng. Khi mỗi người chúng ta nghĩ về cái chúng ta có thể làm trong cuộc đời, có khả năng chúng ta làm thế là bởi vì một người thầy.
Tuy nhiên, giáo dục cùng với nghiên cứu khoa học và công nghệ lúc này bị đe dọa hơn bao giờ hết. Do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây và các số đo khắt khe, nguồn tài trợ đang bị cắt giảm đáng kể đối với mọi lĩnh vực khoa học, song đặc biệt các khoa học cơ bản bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng ta cũng có nguy cơ trở nên thiển cận và bị cô lập về văn hóa, và ngày càng tụt hậu. Ở cấp nghiên cứu, việc trao đổi con người xuyên biên giới quốc gia cho phép các kĩ năng được lan tỏa nhanh hơn và mang đến những con người mới với những ý tưởng khác nhau, bắt nguồn từ những bối cảnh khác nhau của họ. Điều này có thể dễ dàng đem lại sự tiến bộ nơi mà lúc này tiến bộ sẽ khó khăn hơn. Thật không may, chúng ta không thể đi ngược dòng thời gian. Với Brexit và Trump hiện đang áp những thế lực mới về di cư và phát triển giáo dục, chúng ta đang chứng kiến một cuộc nổi dậy toàn cầu chống lại các chuyên gia, bao gồm cả các nhà khoa học. Vậy chúng ta có thể làm gì để đảm bảo tương lai của giáo dục khoa học và công nghệ?
Tôi trở lại với thầy dạy của mình, Mr Tahta. Nền tảng cho tương lai của giáo dục phải nằm ở nhà trường và những người thầy nhiệt huyết. Thế nhưng trường học có thể chỉ đem lại một khuôn khổ căn bản trong đó thỉnh thoảng phương pháp học vẹt, các phương trình và các kì thi khiến bọn trẻ chán ngán khoa học. Đa số mọi người hưởng ứng sự hiểu biết định tính, thay vì định lượng, mà không cần đến các phương trình phức tạp. Sách vở và báo chí khoa học đại chúng cũng có thể chuyển tải những ý tưởng về cách chúng ta sinh sống. Tuy nhiên, chỉ một tỉ lệ nhỏ dân cư đọc đến những quyển sách dù là thành công nhất. Phim tư liệu khoa học và phim ảnh tiếp cận được một lượng lớn khán giả, song nó chỉ là giao tiếp một chiều.
Khi tôi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu, vũ trụ học hãy còn là một nhánh nghiên cứu khoa học mờ nhạt và nhếch nhác. Ngày nay, thông qua nghiên cứu lí thuyết và những thành tựu thực nghiệm như Máy Va chạm Hadron Lớn và khám phá boson Higgs, vũ trụ học mở ra toàn bộ vũ trụ trước mắt chúng ta. Có những câu hỏi lớn vẫn phải trả lời và nhiều công việc nằm ở phía trước. Song ngày nay chúng ta biết nhiều hơn và thu được nhiều hơn trong khung thời gian tương đối ngắn so với bất kì ai từng hình dung.
Thế cái gì nằm ở phía trước đối với những bạn trẻ vào lúc này? Tôi có thể nói chắc ăn rằng tương lai của họ sẽ phụ thuộc vào khoa học và công nghệ nhiều hơn bất kì thế hệ nào trước đây đã từng. Họ cần phải biết về khoa học nhiều hơn bất kì thế hệ nào trước đây, bởi vì nó chính là một bộ phận cuộc sống hằng ngày của họ theo một kiểu không có tiền lệ.
Không cần suy đoán quá nhiều, có những xu hướng chúng ta có thể thấy và những vấn đề đang phát sinh mà chúng ta biết là phải đương đầu, ngay bây giờ và tiến vào tương lai. Trong số các vấn đề ấy tôi kể đến sự ấm lên toàn cầu, tìm kiếm không gian và tài nguyên cho sự gia tăng hàng loạt của dân số loài người trên Trái Đất, sự tuyệt chủng nhanh của các giống loài khác, nhu cầu phát triển các nguồn năng lượng thay thế, sự suy thoái biển, nạn phá rừng và các dịch bệnh – đấy chỉ mới là một vài vấn đề thôi.
Cũng có những phát minh lớn về tương lai, chúng sẽ cách mạng hóa cách chúng ta sinh sống, làm việc, ăn uống, giao tiếp và đi lại. Có quy mô lớn như thế để đổi mới trong mỗi lĩnh vực đời sống. Điều này thật hào hứng. Chúng ta có thể khai khoáng các kim loại hiếm trên Mặt Trăng, xây dựng một tiền trạm con người trên sao Hỏa, tìm kiếm các phương thuốc và liệu pháp cho những loại bệnh hiện nay không có hi vọng. Những câu hỏi to lớn về sự tồn tại vẫn chưa được trả lời – sự sống đã ra đời như thế nào trên Trái Đất? Ý thức là gì? Có ai đó ở ngoài kia không hay là chúng ta đơn độc trong vũ trụ? Đây là những câu hỏi dành cho thế hệ tiếp theo nghiên cứu.
Một số người nghĩ rằng nhân loại ngày nay nằm ở đỉnh tháp tiến hóa, và rằng thế là tốt rồi. Tôi không đồng ý thế. Phải có cái gì đó rất đặc biệt về các điều kiện biên của vũ trụ của chúng ta, và cái còn có thể đặc biệt hơn nữa đó là chẳng có biên giới nào. Và sẽ chẳng có biên giới nào cho sự gắng sức của loài người. Tôi thấy chúng ta có hai lựa chọn cho tương lai của nhân loại: thứ nhất, thám hiểm không gian tìm kiếm các hành tinh khác để sinh sống, và thứ hai, khai thác tích cực trí tuệ nhân tạo để cải tạo thế giới của chúng ta.
Trái Đất đang trở nên quá nhỏ bé đối với chúng ta. Các tài nguyên vật chất của chúng ta đang bị hút cạn ở một tốc độ đáng báo động. Loài người đã hiến tặng cho hành tinh chúng ta những món quà thảm khốc về biến đổi khí hậu, nạn ô nhiễm, nhiệt độ tăng, suy giảm các chỏm băng vùng cực, nạn phá rừng và tàn sát muôn loài. Dân số của chúng ta cũng đang tăng lên ở một tốc độ đáng báo động. Đối mặt trước những con số này, rõ ràng sự tăng trưởng dân số gần như theo hàm mũ này không thể cứ tiếp tục mãi được trong thiên niên kỉ tới.
Một lí do nữa để xem xét việc chiếm cứ một hành tinh khác là khả năng chiến tranh hạt nhân. Có một lí thuyết nói rằng sở dĩ chúng ta chưa từng tiếp xúc với người ngoài địa cầu là bởi khi một nền văn minh đạt tới giai đoạn phát triển của chúng ta thì nó sẽ không ổn định và tự hủy diệt. Ngày nay chúng ta có sức mạnh công nghệ để hủy diệt hầu như mọi sinh vật sống trên Trái Đất. Như chúng ta đã thấy trong những sự kiện mới đây ở Bắc Triều Tiên, đây là một suy nghĩ tỉnh táo và đáng lo.
Song tôi tin chúng ta có thể tránh được kiếp nạn Armageddon này, và một trong những cách tốt nhất để chúng ta tránh được là tiến ra ngoài không gian và thám hiểm khả năng con người sinh sống trên những hành tinh khác.
Phát triển thứ hai sẽ tác động đến tương lai của nhân loại là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo.
Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hiện đang tiến bộ nhanh chóng. Những thành tựu mới đây, ví dụ như xe tự lái, một máy tính đánh thắng trò Cờ vây và sự xuất hiện của các trợ lí cá nhân kĩ thuật số Siri, Google Now và Cortana chỉ mới là những triệu chứng của một cuộc chạy đua trang bị IT, được tiếp sức bởi những khoản đầu tư chưa có tiền lệ và xây dựng trên một nền tảng lí thuyết ngày càng chín muồi. Những thành tựu như thế có thể sẽ làm lu mờ đi những cái mà những thập niên tới sẽ mang đến.
Thế nhưng sự xuất hiện của AI siêu thông minh sẽ hoặc là thứ tốt nhất hoặc là điều tệ nhất từng xảy ra với nhân loại. Chúng ta không biết rằng liệu chúng ta có được hỗ trợ mãi mãi bởi AI hay không, hay là sẽ bị nó phớt lờ và cho ra rìa, hay là bị nó hủy diệt có chủ đích. Là một người lạc quan, tôi tin rằng chúng ta có thể sáng tạo AI cho thế giới tốt đẹp, rằng nó có thể hoạt động hài hòa với chúng ta. Chúng ta chỉ cần nhận thức được các hiểm họa, nhận dạng chúng, triển khai thực thi và quản lí tốt nhất có thể và chuẩn bị sẵn sàng cho những hệ quả của nó từ trước.
Công nghệ đã có một tác động rất lớn trong cuộc đời tôi. Tôi nói chuyện thông qua một máy vi tính. Tôi hưởng lợi từ công nghệ hỗ trợ đem lại cho tôi giọng nói mà bệnh tình của tôi đã cướp đi. Tôi thật may mắn là đánh mất giọng nói ngay lúc bắt đầu kỉ nguyên điện toán cá nhân. Hãng Intel đã và đang hỗ trợ tôi trong hơn hai mươi lăm năm qua, cho phép tôi làm công việc mà tôi yêu thích mỗi ngày. Trong những năm tháng này, thế giới, cùng với tác động của công nghệ lên nó, đã thay đổi rất nhiều. Công nghệ đã làm thay đổi cách mỗi người chúng ta sống cuộc đời của mình, từ sự giao tiếp đến nghiên cứu di truyền, đến truy cập thông tin, và nhiều, nhiều nữa. Khi công nghệ trở nên thông minh hơn, nó mở ra những cánh cửa khả năng mà tôi đã không dự đoán nỗi. Công nghệ phát triển để hỗ trợ người tàn tật hiện đang dẫn tới cách phá vỡ các hàng rào giao tiếp từng án đường cản lối. Nó thường là một nền tảng thử nghiệm cho công nghệ của tương lai. Chuyển giọng nói thành chữ viết, chữ viết thành giọng nói, tự động hóa nhà cửa, lái bằng dây, kể cả xe cá nhân Segway, đều được phát triển cho người tàn tật, nhiều năm trước khi chúng đi vào công dụng hằng ngày. Những thành tựu công nghệ này là do tia lửa lóe lên bên trong chúng ta, động lực sáng tạo. Sự sáng tạo này có thể hiện thân ở nhiều hình thức, từ thành tựu vật chất cho đến vật lí lí thuyết.
Nhưng sẽ xảy ra nhiều hơn thế nữa. Các giao diện bộ não có thể làm cho phương tiện giao tiếp này – được càng nhiều người sử dụng hơn – nhanh hơn và ấn tượng hơn. Ngày nay tôi xài Facebook – nó cho phép tôi nói trực tiếp với bạn bè và người hâm mộ của tôi trên khắp thế giới để họ có thể theo dõi những lí thuyết mới nhất của tôi và xem ảnh từ những chuyến du lịch của tôi. Nó cũng có nghĩa là tôi có thể chứng kiến con cái của tôi thật sự trưởng thành như thế nào, thay vì nghe chúng kể rằng chúng đang làm gì.
Stephen Hawking
Theo cách giống như Internet, điện thoại di động của chúng ta, phương pháp chụp ảnh y khoa, đạo hàng qua vệ tinh và các mạng xã hội là những thứ không thể hiểu nỗi đối với xã hội chỉ vài thế hệ trước đây, thế giới tương lai của chúng ta sẽ làm biến chuyển nhanh không kém những cách mà chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận ra. Thông tin tự nó sẽ không đưa chúng ta đến đó, mà chính việc sử dụng thông tin một cách thông minh và sáng tạo sẽ đưa chúng ta đến đó.
Có quá nhiều thứ sắp xảy đến và tôi hi vọng viễn cảnh này mang lại nguồn cảm hứng lớn cho lớp trẻ ngày nay. Thế nhưng chúng ta phải có một vai trò nào đó trong việc đảm bảo rằng thế hệ trẻ này không những có cơ hội mà còn ước muốn dấn thân trọn vẹn cho nghiên cứu khoa học ở cấp độ sớm để chúng có thể tiếp tục hoàn thiện tiềm năng của chúng và tạo ra một thế giới tốt hơn cho toàn thể nhân loại. Và tôi tin rằng tương lai của học hành và giáo dục chính là Internet. Người ta có thể trả lời lại và tương tác. Theo một kiểu nào đó, Internet kết nối tất cả chúng ta với nhau giống như các neuron trong một bộ não khổng lồ. Và với một IQ như thế, liệu chuyện gì chúng ta không thể làm được chứ?
Lúc tôi lớn lên, sẽ hợp lí thôi nếu nói rằng – không chỉ riêng tôi đâu, mà toàn xã hội nói chung – người ta chẳng còn yêu thích khoa học và chẳng muốn dính líu với nó làm gì. Điều này không còn đúng nữa. Hãy để tôi làm rõ. Tôi không cổ xúy ý tưởng cho rằng mọi người trẻ nên lớn lên làm nhà khoa học hết. Tôi không xem như thế là tình huống lí tưởng, vì thế giới cần con người với những kĩ năng đa dạng. Song tôi tán thành rằng mọi người trẻ nên quen thuộc và tin cậy vào các đề tài khoa học, cho dù họ chọn làm công việc gì. Họ phải có kiến thức khoa học, và được khơi cảm hứng dấn thân với các phát triển khoa học và công nghệ để hiểu rõ thêm.
Một thế giới trong đó chỉ một lượng nhỏ thành phần siêu ưu tú mới có khả năng nhận thức khoa học và công nghệ tiên tiến cùng những ứng dụng của nó, theo tôi đó là một thế giới nguy hiểm và hạn chế. Tôi nghiêm túc nghi ngờ liệu những dự án có lợi ích dài hạn như làm sạch đại dương hay chữa bệnh ở thế giới đang phát triển có được ưu tiên như đã nói hay không. Tệ hơn nữa, chúng ta có thể thấy công nghệ được sử dụng để chống lại chúng ta và chúng ta chẳng có sức mạnh gì để chặn đứng nó.
Tôi không tin vào các đường biên giới, dù với cái chúng ta có thể làm trong cuộc sống cá nhân của mình, hay với cái sự sống và trí thông minh có thể thực hiện trong vũ trụ của chúng ta. Chúng ta đang đứng bên ngưỡng của những khám phá quan trọng trong mọi lĩnh vực khoa học. Không nghi ngờ gì nữa, thế giới của chúng ta sẽ thay đổi khôn cùng trong năm mươi năm tới. Chúng ta sẽ tìm thấy cái xảy ra lúc Big Bang. Chúng ta sẽ đi đến hiểu được sự sống đã ra đời như thế nào trên Trái Đất. Chúng ta có thể còn khám phá được sự sống liệu có tồn tại ở đâu đó khác trong vũ trụ hay không. Trong khi cơ hội giao tiếp với một giống loài thông minh ngoài địa cầu có thể là nhỏ, song tầm quan trọng của một khám phá như thế có nghĩa là chúng ta không nên ngừng nỗ lực. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá môi trường vũ trụ của mình, gửi các robot và con người vào không gian. Chúng ta không thể cứ nhìn vào chính chúng ta mãi trên một hành tinh nhỏ bé, không ngừng bị ô nhiễm và quá chừng đông đúc. Thông qua nỗ lực khoa học và cách tân công nghệ, chúng ta phải ra bên ngoài hướng đến vũ trụ rộng hơn, đồng thời phấn đấu sửa chữa các trục trặc trên Trái Đất. Và tôi là người lạc quan nên cuối cùng chúng ta sẽ tạo ra được những môi trường sống thích hợp cho chủng loài người trên những hành tinh khác. Chúng ta sẽ vượt quá Trái Đất và học cách tồn tại trong không gian.
Đây không phải kết thúc của câu chuyện, mà chỉ mới là phần mở đầu của cái tôi hi vọng sẽ là hàng tỉ năm sự sống sinh sôi nảy nở trong vũ trụ.
Và tóm lại, chúng ta thật sự không bao giờ biết được khám phá khoa học vĩ đại tiếp theo sẽ đến từ đâu, hay ai sẽ thực hiện nó. Việc lan tỏa niềm hân hoan và diệu kì của sự khám phá khoa học, sáng tạo những phương thức cách tân và dễ tiếp cận để vươn tới những khán thính giả trẻ đông đúc nhất có thể, làm tăng rất nhiều cơ hội tìm kiếm và khơi cảm hứng cho một Einstein mới. Cho dù người đó có thể đang ở đâu.
Vậy nên hãy nhớ ngước nhìn các vì sao chứ đừng nhìn xuống chân bạn. Cố gắng tìm kiếm ý nghĩa của cái bạn nhìn thấy và tự hỏi điều gì làm cho vũ trụ tồn tại. Hãy hiếu kì. Và cho dù cuộc sống trông có vẻ khó khăn, luôn luôn có thứ gì đó bạn có thể làm và thành công. Vấn đề là bạn đừng bỏ cuộc. Hãy thả trí tưởng tượng của bạn bay bổng. Hãy định hình tương lai.
--
Ý tưởng làm thay đổi thế giới nào, dù lớn hay nhỏ, mà bạn muốn chứng kiến loài người thực thi?
Câu hỏi này dễ. Tôi muốn thấy sự phát triển của năng lượng nhiệt hạch đem lại một nguồn cung năng lượng sạch không giới hạn, và sự chuyển đổi sang xe hơi điện. Nhiệt hạch sẽ trở thành nguồn năng lượng thực tế và sẽ đem lại cho chúng ta một nguồn cung năng lượng không bao giờ cạn kiệt, không gây ô nhiễm hoặc ấm lên toàn cầu.
Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking