Các bí mật của nụ cười

Hiệp Khách Quậy Mọi người chúng ta ai cũng thích cười. Nhưng thử hỏi có mấy người trong chúng ta biết rõ nguyên do vì sao? Xin mời đọc tiếp.

Kate Douglas & David Robson

Mọi người chúng ta ai cũng thích cười. Nhưng thử hỏi có mấy người trong chúng ta biết rõ nguyên do vì sao? Sự hài hước, sung sướng, đau đớn, hay kích động thần kinh đều có thể làm bật ra một tràng hô hô hô hay ha ha ha. Cái gì cho chúng ta biết về nụ cười? Có phải cười là một trạng thái chỉ có ở con người không, và tại sao, nếu chúng ta nghe thấy ai đó đang cười chúng ta cũng muốn cười theo?

(Ảnh: Britt Erlanson / Getty)

Không có chuyện cười vô cớ

“Anh đang cười gì đó?” Bỏ qua mọi ý nghĩ khiêu khích, câu trả lời là hiển nhiên: Tôi cười vì cái anh nói khiến tôi thấy thích thú.

Phải vậy không? Sai rồi. Theo một nghiên cứu kinh điển về nụ cười của Robert Provine thuộc trường Đại học Maryland, Baltimore County, cùng các đồng nghiệp của ông, thì cười là một hoạt động hết sức nghiêm túc. Quan sát con người theo thói quen tự nhiên của mình, họ ghi nhận 1200 trường hợp cười, và nhận thấy chỉ 10 đến 20% trong số họ là phản ứng với một cái gì đó có liên hệ xa xôi với sự khôi hài. Đa số nụ cười thật ra được bật ra bởi một câu bình luận sáo rỗng hoặc dùng để “chấm câu” trong ngôn ngữ hội thoại hàng ngày. Ngoài ra, trong quyển sách của ông Nụ cười: một nghiên cứu khoa học, Provine cho biết hơn 50% chúng ta có khả năng cười khi nói hơn là khi nghe, và rúc ra rúc rích trong cuộc sống xã hội nhiều hơn 30 lần khi ở một mình mà không có vật thay thế xã hội nào như máy truyền hình chẳng hạn.

 

(Ảnh: David Trood / Getty)

Kết luận của Provine là thành phần cơ bản cho một nụ cười không phải là một trò khôi hài mà là một người khác. Cười không đơn giản là một phản ứng trước sự khôi hài: nó là một chất keo xã hội mà chúng ta sử dụng ở mọi dạng thức để kết nối mọi người lại với nhau.

Như vậy, nụ cười có nhiều lốt vỏ. Những nụ cười đầu tiên của chúng ta xuất hiện lúc khoảng giữa 2 đến 6 tháng tuổi – kể cả ở những đứa trẻ bị điếc. Chúng bật ra trước sự bất ngờ trong một tình huống an toàn (chơi ú òa chẳng hạn), và không chỉ làm cho bố mẹ thêm yêu con trẻ. Vì nụ cười đi cùng với sự hoạt động trong vòng nhận thức thưởng phạt của não, nên nó khuyến khích trẻ nhỏ khám phá thế giới bởi sự làm cho chúng cảm thấy hạnh phúc và an toàn. Khi trẻ nhỏ bắt đầu biết phá phách, thì nụ cười là dấu hiệu của sự khuyến khích, cho phép trẻ kiểm tra các ranh giới vật chất và xã hội mà không gặp nguy hiểm.

Nụ cười đàm thoại mà Provine quan sát thấy về cơ bản tác dụng như một chất bôi trơn xã hội. Nó thu hút người nghe và giải tỏa căng thẳng, chinh phạt và xâm lấn bằng cách đưa mọi người vào trạng thái thanh thản. Nụ cười thần kinh có thể tạo ra chút ánh sáng cho tình huống căng thẳng hoặc khó khăn về mặt tâm lí. Và, qua bản chất truyền nhiễm của nó, nụ cười có thể hòa giải tâm trạng và hành vi của một nhóm người, xúc tiến hoạt động hợp tác mang lại kết quả tốt hơn.

Nụ cười còn có một mặt tối. “Bạn có thể làm ảnh hưởng đến hành vi của những người khác thông qua nụ cười”, Michael Owren, một nhà tâm lí học tại trường Đại học bang Georgia ở Atlanta, nói. Ông tin rằng khi chúng ta làm chủ được các ngụ ý tinh vi của nụ cười, thì chúng ta có thể bắt đầu sử dụng nó để sai khiến những người xung quanh mình. Nụ cười có thể bộc lộ ở đây ai là chủ, ai là tớ, và một nụ cười hiểm là một thứ vũ khí đe dọa cực kì hiệu nghiệm.

Còn tiếp...

Nguồn: New Scientist

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm