Hiệp Khách Quậy Ngoài cuộc sống xã hội năng động, cây xanh còn có nhiều hành vi giống với con người. Một số loài cây có thể biết chọn bạn tình, một số cây khác thì khóc lóc xin giúp đỡ, và một số cây khác thậm chí biết giả bệnh nữa! Xin mời đọc tiếp.
Ngoài cuộc sống xã hội năng động, cây xanh còn có nhiều hành vi giống với con người. Một số loài cây có thể biết chọn bạn tình, một số cây khác thì khóc lóc xin giúp đỡ, và một số cây khác thậm chí biết giả bệnh nữa!
Chọn bạn tình
Nhiều loài cây tránh lây nhiễm phấn hoa từ những loài khác bằng cách hình thành những mối quan hệ đặc biệt với những con vật thụ phấn, thí dụ như chim, kiến và côn trùng. Nhưng cây thuốc lá (thuộc họ Solanaceae) thậm chí còn kén chọn hơn nữa.
Hệ thống tự xung khắc của chúng cho phép chúng loại bỏ phấn hoa của những cây họ hàng gần, vì nếu như thế sẽ tạo ra những cây lai yếu ớt. Chính xác cơ chế này hoạt động như thế nào thì vẫn chưa rõ.
Ảnh: Brian Sterling (CC BY-SA 2.0)
‘Giả gái’
Để tăng cơ hội thụ phấn, cây lan ruồi (Ophrys insectifera) quyến rũ những con ruồi đực kết bạn với nó. Trông tựa như một con côn trùng, cây lan ruồi tỏa ra một mùi hương giống hệt mùi sinh dục của ruồi cái. Khi đó, lúc con ruồi đực kém may giao phối với bông hoa, nó thụ phấn cho cây lan.
Ảnh: Viviane Lamerlere (CC BY-SA 2.0)
Dương đông kích tây
Cây Passiflora sử dụng mánh khóe để cản những con bướm Heliconius đẻ trứng của chúng trên lá của nó. Trứng bướm nở thành sâu có thể gây hại nghiêm trọng hoặc thậm chí giết chết cây xanh.
Cơ chế phòng vệ phức tạp của nó sinh ra cái gọi là những lá kèm bắt chước y hệt trứng bướm đã chín. Mánh khóe này có tác dụng bởi vì để cho con cái của chúng có cơ hội phát triển tốt nhất, những con bướm có xu hướng không đẻ trứng của chúng trên một chiếc lá đã có trứng chúng trên đó.
Ảnh: Altrendo Nature/Getty
Giả bệnh
Cây tai voi Caladium steudneriifolium chịu sự phá hoại của ấu trùng nhậy: một khi trứng nở, sâu bướm ăn xuyên rọc lá của nó. Để tránh tai họa này, cây xanh có thể giả bệnh, biểu hiện những vân viền trắng trên lá của chúng giống hệt như sự thiệt hại do ấu trùng gây ra. Vì muốn khai thác một cái cây khỏe mạnh, cho nên bướm nhậy đẻ trứng của chúng ở chỗ khác.
Chiếc lá ở bên trái là bị sâu gặm thật sự, còn chiếc lá ở bên phải là cây xanh tự tạo ra như vậy.
Ảnh: Sigrid Liede-Schumann/Khoa Phân loại thực vật, Đại học Bayreuth, Đức
Mắc cỡ
Tên gọi thật hợp lí, cây mắc cỡ (Mimosa pudica) e thẹn trước bất kì tương tác vật lí nào. Một sự đụng chạm nhẹ làm cho những chiếc lá hẹp kiểu dương xỉ của cây tức thì cụp lại với nhau, làm cho toàn bộ lá rũ xuống.
Cử động cảm ứng tiếp xúc đó được cho là một cơ chế phòng vệ: cây mắc cỡ dần trở lại bình thường sau khoảng nửa giờ, khi “trời yên biển lặng”.
Ảnh: Fayez (CC BY-SA 2.0)
Kêu cứu
Cây đậu Lima (Phaseolus lunatus) phản ứng trước sự tấn công bằng cách kêu gọi những vệ sĩ của chúng.
Khi bị những con nhện nhỏ dòng Tetranychidae tấn công, cây đậu này phản ứng bằng cách sinh ra một hỗn hợp hóa chất thu hút những sát thủ tự nhiên đến tiêu diệt những con nhện không mời mà tới này.
Ảnh: Hans Smid/bugsinthepicture.com
Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau
Khi lá của cây Artemisia tridentata bị côn trùng xén cụt và phá hoại, chúng giải phóng một hóa chất SOS cảnh báo nguy hiểm đối với láng giềng của chúng. Những cây thuốc lá gần đó nhận được sự cảnh báo và phản ứng bằng cách tự giải phóng những hóa chất riêng của chúng để ngăn côn trùng tấn công.
Ảnh: Matt Lavin (CC BY-SA 2.0)
Nguồn: New Scientist