Cơ sở vật lí của những loại vũ khí ít gây chết người

Hiệp Khách Quậy Trên tay của các cảnh sát viên trên toàn thế giới, những thứ vũ khí ít gây thiệt mạng đang được sử dụng ngày một nhiều để lấp đầy khoảng trống giữa tiếng hô “Đứng lại!” lúc nghi ngờ và bắn hạ mục tiêu tình nghi. Nhưng chúng có hoạt động không? Và chúng có an toàn không? David Wilkinson mô tả các nhà... Xin mời đọc tiếp.

Trên tay của các cảnh sát viên trên toàn thế giới, những thứ vũ khí ít gây thiệt mạng đang được sử dụng ngày một nhiều để lấp đầy khoảng trống giữa tiếng hô “Đứng lại!” lúc nghi ngờ và bắn hạ mục tiêu tình nghi. Nhưng chúng có hoạt động không? Và chúng có an toàn không? David Wilkinson mô tả các nhà vật lí ở Anh đã giúp trả lời những câu hỏi này như thế nào với những dụng cụ đa dạng từ TASER cho đến súng bắn bọt.

 TASER M26

Một khẩu TASER M26, một trong những mẫu được lực lượng cảnh sát sử dụng. (Ảnh: TASER International Inc.)

Trong phần lớn lịch sử của mình, lực lượng cảnh sát có ba lựa chọn sử dụng bạo lực khi đối diện trước tội phạm hung hãn: dùi cui, chó hoặc súng.

Lựa chọn thứ nhất có thể mang lại một trận đối đầu dữ dội bất ngờ mà nhiều viên cảnh sát thích thú, nhưng nó vẫn là một thiết bị gây chấn thương thô lỗ, tác dụng nhờ độ cứng và kĩ năng của người cầm nó.

Chó thì có tác dụng tâm lí rất tốt, có thể ngăn chặn bạo lực xảy ra tại chỗ và đặc biệt có ích trong việc truy đuổi tội phạm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng những vết cắn của chúng đòi hỏi xử lí y khoa tốn kém và có thể bị nhiễm trùng.

Còn súng, trong khi cần thiết trong một số trường hợp, nhưng mang nguy cơ cao gây chết chóc hoặc bị thương nghiêm trọng. Trên lí tưởng, lực lượng cảnh sát nên tiếp cận những công nghệ khác có thể ngăn chặn người khác với mức rủi ro thấp nhất đối với cả kẻ tình nghi và người cảnh sát.

Trong những năm gần đây, lực lượng cảnh sát đã tìm cách bắt nhịp cầu nối giữa khoảng trống này bằng cách trang bị cho các viên chức của họ những loại vũ khí ít gây chết người hơn như súng phun hơi CS và TASER. Tên gọi “ít gây chết người” được sử dụng có cân nhắc, vì sự khác biệt giữa vũ khí ít gây chết người và vũ khí không gây chết chóc chỉ là vấn đề ngữ nghĩa. Bất chấp hàng thập kỉ nghiên cứu, hiện tượng Star Trek “bắn phaser làm bất tỉnh” – trong đó một mục tiêu lập tức ngã xuống sàn bất tỉnh và khi tỉnh lại thì không bị ảnh hưởng gì – vẫn chỉ là chất liệu khoa học viễn tưởng. Đã có người bị thương trầm trọng và thậm chí bị giết vốn liên quan đến một số loại vũ khí ít gây chết người, và vì không có công nghệ thực tế nào vừa hoàn toàn vô hại vừa hoàn toàn hiệu quả trong việc ngăn chặn người nào đó (hình 1), nên việc sử dụng bạo lực trong xử lí những tình huống quá khích luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Tuy nhiên, rốt cuộc thì toàn bộ những lập luận ủng hộ hoặc phản bác việc sử dụng vũ khí ít gây chết người đều xoay quanh hai câu hỏi giống nhau: những vũ khí đó có an toàn không và chúng có hiệu quả không? Những câu hỏi này chỉ có thể được xử lí thật sự bằng khoa học, và các nhà nghiên cứu trên thế giới đã và đang đi tìm câu trả lời. Ở nước Anh, nỗ lực này do hai tổ chức chỉ đạo: Trung tâm Khoa học Ứng dụng và Công nghệ thuộc Nghị viện (trước đây gọi là Ban Phát triển Khoa học, hay HOSDB) và Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL).

Các nhà vật lí ở hai trung tâm trên là những thành viên chủ chốt của các đội đã thẩm tra tỉ mỉ qua hàng trăm hệ thống vũ khí có mặt trên thị trường để tìm cái an toàn nhất và hiệu quả nhất. Họ đã thiết kế và triển khai những thí nghiệm đa dạng từ việc trang bị cho lực lượng đặc nhiệm những viên đạn bắn vào cơ thể cho đến việc đo công suất điện của các loại vũ khí dùng điện. Một đội còn tạo ra một người nộm kĩ thuật số của cơ thể người có những tính chất điện như mô người, để mô phỏng đường đi của dòng điện tạo ra bởi các vũ khí sử dụng điện. Làm việc với các kĩ sư, nhà khoa học vật liệu, nhà hóa học và nhà khoa học y sinh, họ cung cấp cho các nhà phân tích y khoa và các chuyên gia về hiện trường bằng chứng họ cần để quyết định nên trang bị cho lực lượng cảnh sát ở Anh loại vũ khí nào – nếu được phép.

Nhu cầu lựa chọn

Mặc dù có nhiều loại vũ khí ít gây chết người khác nhau (xem phần chữ nhỏ ở cuối bài), nhưng chúng chỉ thật sự hoạt động theo một trong hai kiểu. Một là “đau phục tùng”, về cơ bản nghĩa là vũ khí làm cho mục tiêu đủ đau để họ không còn muốn làm cái họ đang làm nữa. Một số loại vũ khí ít gây chết người sử dụng sự đau phục tùng là đạn tròn tác dụng – đạn bắn từ súng ra được thiết kế để không đâm xuyên qua da – và súng phun PAVA, một dạng hơi cay tổng hợp gây đau và bay vào mắt và mũi.

Phương pháp kia là “vô hiệu hóa”, trong đó một vũ khí thật sự ngăn chặn mục tiêu tiếp tục hành động của họ. Hơi CS và vũ khí điện thường được phân loại thuộc nhóm này. Trên thực tế, thường có sự chồng lấn giữa hai phương pháp: hơi CS gây đau, còn đạn tròn có thể vô hiệu hóa. Một số vũ khí còn có tác dụng cản trở gắn trong rất mạnh. Một thí dụ hay là TASER, một vũ khí điện đưa thêm một chùm laser vào làm dụng cụ ngắm. Kẻ tình nghi nhìn thấy vết sáng màu đỏ của nó trên ngực họ thường sẽ thừa nhận rằng cuộc chơi đã kết thúc mà không cần cảnh sát bắn vũ khí.

 Đường cong

Hình 1. Một cách hình dung sự thỏa hiệp giữa tính an toàn và hiệu quả của các loại vũ khí ít gây chết người là “đường cong gây chết người”. Những đường cong như thế được vẽ với liều lượng hay “công suất” của vũ khí là trục x, với tỉ lệ phần trăm trên trục y biểu diễn khả năng vũ khí ngăn chặn người nào đó làm công việc họ đang làm (đường màu xanh) và khả năng người đó bị giết bởi vũ khí (đường màu đỏ). (a) Đối với súng lục thông thường, hai đường cong rất gần nhau – đường “gây chết người” màu đỏ theo sát đường “hiệu quả” màu xanh. (b) Đối với một vũ khí ít gây chết người, đường màu đỏ bị đẩy xa sang phải, mặc dù không có hệ thống thực tế nào hiệu quả 100% ngăn chặn toàn bộ đám đông trong mọi trường hợp trước khi một phần nhỏ của đám đông có thể bị thương hoặc thiệt mạng. (c) Một vũ khí “phaser bắn làm bất tỉnh” hoàn hảo sẽ đạt tới hiệu quả 100% đồng thời hoàn toàn an toàn.

Trong khi tất cả các vũ khí ít gây chết người đều mang rủi ro, người ta có thể quên nghĩ rằng những loại vũ khí như thế có mặt trên thị trường phải có hiệu quả hợp lí, an toàn và được chế tạo tốt. Thật ra thì phần lớn không đạt yêu cầu, nên chúng ta phải kiểm tra chúng thận trọng để tìm ra loại tốt nhất. Ở nước Mĩ, nơi những hệ thống vũ khí này thường được thiết kế và sử dụng rộng rãi, đúng là có hàng nghìn lực lượng cảnh sát, đa dạng từ những đội an ninh nông thôn với một sếp và vài ba người lính cho đến lực lượng cảnh sát đô thị sử dụng hàng chục nghìn viên chức. Mỗi lực lượng có thể tậu về bất kì hệ thống vũ khí nào mà họ muốn – tất cả chúng đều ít gây chết chóc hơn so với khẩu súng mà đa số cảnh sát mang bên người – và có hàng tá nhà sản xuất sẵn sàng buôn bán với họ. Thật không hay, chỉ có vài ba lực lượng có đủ sự tinh thông hoặc tài nguyên cần thiết để đánh giá độ an toàn và tính hiệu quả của nhiều hệ thống đó, cho nên sự thành công của một vũ khí ít gây chết người thường được đo theo chi phí tố tụng vốn chẳng là bao nhiêu so với tổng chi quá mức của lực lượng cảnh sát.

Ở quốc đảo Anh, trái lại, đa số viên chức cảnh sát không có vũ khí trong tay, nên dân chúng không cảm nhận được những vũ khí mới đang tăng lên trong lực lượng cảnh sát. Mặc dù súng phun CS đã được sử dụng từ năm 1996, nhưng phần lớn nỗ lực xin phê chuẩn các loại vũ khí ít gây chết người phát sinh từ một bản báo cáo của Ủy ban Độc lập về Cảnh sát cho vùng Bắc Ireland công bố vào năm 1999 là kết quả của hiệp ước hòa bình Good Friday. Bản báo cáo nêu ra hai khuyến nghị đi tìm những loại thay thế cho dùi cui nhựa, một vũ khí ít gây chết người nhưng gây tranh cãi mà cảnh sát ở Bắc Ireland khi đó sử dụng. Những yếu tố khác đưa đến sự phê chuẩn của vũ khí ít gây chết người bao gồm hai pháp chế quyền con người mới và áp lực công chúng sau những sự việc trong đó những người cầm dao và kiếm đã bị cảnh sát bắn hạ.

Nhờ những tác động khác nhau này, một yêu cầu hành động vì những loại vũ khí ít gây chết người khác đã được nêu ra vào năm 2000, và cập nhật vào năm 2001, theo chỉ thị của Tổ chức liên hiệp Cảnh sát trưởng và Cảnh sát bắc Ireland. Được viết bởi một nhóm rường cột gồm các chuyên gia từ phòng cảnh sát, Nghị viện, Bộ quốc phòng, và Cảnh sát Bắc Ireland, bản yêu cầu hành động nêu ra 22 điều kiện độc lập (xem phần chữ nhỏ ở cuối bài) trong việc phân tích hiệu quả của tất cả những loại vũ khí như thế. Một số điều kiện, như sự thương tổn và sự chết người thấp nhất, được nhấn mạnh quan trọng hơn những điều kiện khác, và bản yêu cầu đồng ý rằng không có hệ thống vũ khí nào thực hiện tốt tất cả những điều kiện đó. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là mỗi hệ thống như thế thực hiện toàn diện như thế nào, so với những hệ thống khác.

TASER: một trường hợp nghiên cứu

Một trong những loại vũ khí được phê chuẩn sử dụng ở nước Anh là TASER. Dụng cụ điện hình khẩu súng này do nhà vật lí John Cover phát minh ra, ông đặt tên cho nó “Súng điện của Thomas A Swift” theo bộ sách phiêu liêu mạo hiểm mà ông đọc lúc còn nhỏ. TASER đã được dùng ở Mĩ từ giữa thập niên 1970. Chúng hoạt động bằng cách bắn ra hai phi tiêu gắn với một đơn vị đế qua những sợi dây dài 6,4m. Hai lỗ ngạnh định hướng nghiêng 8o so với nhau, để cho phi tiêu tầm bay xa tối ưu là 4m. Khi chúng cắm vào mục tiêu, một loạt xung điện truyền qua giữa chúng. Những xung này làm tê liệt những xung thần kinh gửi thông tin đến các cơ, làm cho cơ co lại và đối phương ngã xuống.

Cách TASER được kiểm tra theo bản yêu cầu hành động khiến nó là một trường hợp nghiên cứu hữu ích. Một vài điều kiện – đáng chú ý là chi phí, những vấn đề pháp chế, sự thừa nhận và quyền thực thi cần thiết để sử dụng – được cho là vượt ngoài phạm vi của phân tích khoa học. Những điều kiện khác, như sử dụng không ràng buộc, cơ động và linh hoạt, có thể lặp lại, nhu cầu chuyên gia và viên chức qua đào tạo, đã được khảo sát qua một loạt thử nghiệm trình diễn. Tổng cộng 97 cảnh sát từ 28 đơn vị, cộng với năm cảnh sát trại giam, đã được đào tạo sử dụng vũ khí trên và sau đó được đưa vào nhiều tình huống diễn tập, thí dụ như bắn vào một tấm chắn người hỗn loạn hoặc một mục tiêu đang di chuyển về phía họ. Những điều kiện còn lại được đánh giá hoặc bằng cách nhận xét số liệu hiện có hoặc thực hiện những thí nghiệm mới.

Một nguồn tài nguyên rất quan trọng cho các nhà nghiên cứu là khối lượng lớn những bản báo cáo đã được viết và cảnh quay video từ hàng trăm nghìn lần TASER được triển khai ở Mĩ. Một cảnh quay như vậy cho thấy nhiều viên chức cảnh sát tình nguyện để đồng nghiệp bắn TASER vào người, lần lượt từ người nọ đến người kia để chứng minh lòng dũng cảm của họ trước camera. Kết luận chung là đa số những người bị bắn TASER đều ngã xuống ngay tức thì. Cũng bằng chứng vừa nêu cho biết các mục tiêu thường hồi phục ngay khi dòng điện đã ngắt.

Tuy nhiên, thứ văn hóa cảnh sát không vũ khí ở nước Anh có nghĩa là dân chúng Anh hi vọng những tình huống xung đột được giải quyết với yêu cầu lực lượng tối thiểu. Nơi nào vũ khí được sử dụng, thì chúng ta hi vọng sự an toàn tương đối của chúng được định lượng bởi một cơ quan thông thạo – và, ngoài ra, chúng ta hi vọng cơ quan đó độc lập với các nhà sản xuất vũ khí. Phần lớn những kiểm nghiệm trước đây được thực hiện với sự tài trợ tài chính của những công ti này, họ cũng lưu giữ bộ cơ sở dữ liệu lớn nhất của những vụ việc sử dụng TASER. Mặc dù dữ liệu đó không nhất thiết là thành kiến, nhưng rõ ràng độ tin cậy của chúng vẫn là điều đáng ngờ.

Độ chính xác của TASER đã được kiểm tra trên tầm bắn do HOSDB điều hành. Những kiểm tra này cho thấy hai ngạnh phi tiêu có xu hướng rơi dưới điểm ngắm về phía đầu dài của tầm xa 6,4m của nó – một giới hạn tự xem là hạn chế - nhưng nó được đánh giá là đủ chính xác cho cảnh sát dùng trong thực tế. Việc kiểm tra tốc độ của hai ngạnh phi tiêu tỏ ra khó khăn hơn. Điện trường do TASER sinh ra có thể làm nhiễu những máy dò điện nhạy, trong khi dây nhợ kéo đằng sau làm cho thiết bị cổng sáng chuẩn – trong đó viên đạn di qua hai chùm ánh sáng cách nhau một khoảng đã biết – không sử dụng được. Giải pháp là tính tốc độ theo kiểu cũ: một camera tốc độ cao ghi lại thời gian cần thiết cho ngạnh phi tiêu bay đi một khoảng cách đã đánh dấu trên tường, và các nhà nghiên cứu chỉ việc chia khoảng cách đó cho thời gian.

Một số kiểm tra quan trọng và chi tiết nhất đã nghiên cứu các tác động của TASER lên cơ thể người. Các nhà vật lí tại HOSDB và DSTL đã tiến hành phân tích mở rộng tín hiệu điện do TASER tạo ra khi đặt vào ngưỡng điện trở có mặt trong cơ thể người (47 – 4700 Ω). Khi kết hợp với sự sắp đặt trung bình của ngạnh phi tiêu trong kiểm nghiệm chính xác, những phép đo này trở thành nền tảng cho sự phân tích tác động của TASER lên cơ thể người. Để hỗ trợ phân tích, nhóm DSTL còn phát triển một mô hình điện toán phức tạp cao biến toàn bộ cấu trúc bên trong của một cơ thể nam 3D thành một ma trận rời rạc gồm những khối lập phương được gán những tính chất điện thích hợp. Mô hình này đã được sử dụng để theo dõi đường đi của xung điện của TASER qua cơ thể, cho phép các nhà nghiên cứu tính xem có dòng điện bao nhiêu sẽ đi qua tim.

Một nguyên do tiến hành sự mô phỏng và thử nghiệm y khoa mở rộng như thế là để định lượng những tác động có thể có của TASER lên đám đông có thể bị xâm hại, thí dụ như những người đeo máy điều hòa nhịp tim hoặc sử dụng thuốc bất hợp pháp. Xung điện của một TASER có thể làm thay đổi nhất thời nhịp tim; đặc biệt hơn, nó có thể làm tăng sự sai khác thời gian giữa hai điểm (gọi là điểm Q và T) trong dạng sóng điện của tim. Nếu khoảng thời gian Q-T này quá lớn, thì phần cuối của tín hiệu điện của một nhịp tim có thể gây nhiễu tín hiệu điều khiển nhịp tim tiếp theo, gây ra chứng loạn nhịp tim có thể gây chết người gọi là torsades de pointes. Mặc dù hiện tượng này không có khả năng xảy ra với đối tượng khỏe mạnh, nhưng một số trạng thái y khoa và thuốc kê toa (như statin và kháng sinh erythromycin) được biết cũng làm tăng khoảng thời gian Q-T, cho nên lo ngại tăng thêm về những tác động tích lũy có thể có. Đặc biệt, tác dụng của thuốc bất hợp pháp đối với khoảng thời gian Q-T là không được hiểu rõ, và trong khi các nhà nghiên cứu lí giải rằng những người đeo máy điều hòa nhịp tim không có khả năng tham gia những trận đụng độ với cảnh sát, nhưng sự phản đối là đúng đối với những người sử dụng thuốc.

Sau công trình sơ bộ mở rộng sử dụng các mô hình toán học, phạm vi tác động của thuốc trái luật đã được đưa vào các mẫu mô tim. Khi hai loại thuốc trong số đó, PCP và ecstasy, được tìm thấy là làm tăng khoảng thời gian Q-T, chúng đã những con chuột bị giết theo kiểu nhân đạo, tim của chúng được đưa vào một dung dịch Langendorff, cho phép tim của chúng tiếp tục đập bằng cách cung cấp chất dinh dưỡng, oxygen và sự kích thích điện thích hợp. Những quả tim này sau đó có thể cho hứng lấy những dạng sóng điện kiểu TASER (đã được tính là một phần của mô hình kĩ thuật số) đồng thời cho chúng chịu sự tác động của những loại thuốc đang nghiên cứu.

Những kiểm tra này cho thấy đối với mô hình TASER mạnh nhất, có ít nhất một biên an toàn 60 bậc đối với việc gây ra sự loạn nhịp tim gọi là nhịp tâm thất lệch vị, cái có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn như sự kết thớ tâm thất. Nói cách khác, TASER sẽ phải mạnh hơn 60 lần hoặc trái tim người phải yếu ớt hơn 60 lần so với trung bình mới tạo ra hiệu ứng nguy hiểm này. Hiện tượng này rất hiếm và chỉ là kết quả của nhiều yếu tố tích lũy. Thí nghiệm trên còn không thể gây ra sự kết thớ tâm thất trực tiếp. Một nhận xét mang tính chất văn chương về những người đeo máy điều hòa nhịp tim là mặc dù chức năng của chúng hơi bị ảnh hưởng khi TASER được sử dụng, nhưng chúng lập tức trở về hoạt động bình thường sau khi dòng điện của vũ khí tắt đi.

Thu hẹp lĩnh vực

Không phải tất cả những dụng cụ trên thị trường đã được kiểm tra rộng rãi như TASER. Thật vậy, một số dụng cụ lạ lùng hơn đã được các nhà sản xuất hoặc nhóm nghiên cứu độc lập nêu ra. Một trong những công nghệ nguy hiểm nhất đã bị đình chỉ ngay từ giai đoạn đánh giá là súng bắn bọt tìm cách làm bất động kẻ tình nghi bằng cách phủ lên họ một chất bám dính, nóng. Không những khó khử độc, mà nếu bọt đi vào mũi hoặc miệng của kẻ tình nghi, thì cái chết do nghẹt thở dường như khó tránh khỏi. Những vũ khí bị loại sớm khác bao gồm vô số dụng cụ vướng víu và đan mạng kiểu người nhện trên thị trường. Những dụng cụ này có phạm vi hạn chế và tác động của chúng có khả năng làm kẻ tình nghi bị thương. Chúng cũng không dùng được trong đám đông lộn xộn và trong nhà.

Một số dụng cụ bị loại bỏ sau khi thử nghiệm cho thấy hoặc là chúng không đáp ứng quá nhiều điều kiện của bản yêu cầu hành đồng, hoặc là không đáp ứng một số yêu cầu quan trọng hơn – đặc biệt là độ an toàn, tính hiệu quả hoặc tính khả thi. Mặc dù đại bác nước gắn trên xe đã vượt qua những thử nghiệm khoa học, điều khiển và y khoa, và đã được sử dụng ở Bắc Ireland, nhưng một phiên bản cầm tay đã không ra đời được sau khi các nhà khoa học phát hiện thấy trọng lượng của ba lô đeo đi cùng của nó, cùng với sự giật lùi của bản thân vũ khí, làm cho người sử dụng chúng mất cân bằng.

 Đạn năng lượng tắt dần

Hình 2. Đạn năng lượng tắt dần, một lựa chọn an toàn hơn cho dùi cui plastic. (Ảnh: David Wilkinson/Viện Vật lí)

Với những vũ khí kiểu tác động, sự chính xác là thiết yếu, vì bạn chỉ có thể đánh giá thực tế tác động của một viên đạn nếu bạn biết nó chạm trúng chỗ nào trên cơ thể. Nhiều dụng cụ như thế đã thất bại ngay từ riêng tiêu chuẩn này. Thí dụ, có một khẩu súng trên thị trường có khả năng bắn ra những quả bóng tennis ở tốc độ chừng 380 km/h, nhưng các quả bóng hiếm khi chạm trúng mục tiêu. Đa số các viên đạn “túi đậu” cũng gặp trở ngại độ chính xác, nhưng một nhược điểm quan trọng hơn là chúng có khả năng làm gãy xương hoặc đi vào cơ thể của mục tiêu. Những viên đạn tròn này do một khẩu súng săn bắn ra trong một cấu hình cuộn tròn, nhưng mặc dù chúng được cho là phẳng ra trong khi bay và đi tới mục tiêu với một bề mặt phẳng, nhưng trên đường bay, ít có cơ sở khí động lực học nào thật sự cho chúng làm như vậy. Kết quả là phần rìa khâu lại của túi đậu là nguyên do tác động chính, nghĩa là lực được phân phối trên một diện tích nhỏ hơn nhiều. Trong một số trường hợp, các thử nghiệm cho thấy các túi đậu bắt đầu quay trong khi bay, mang lại thêm tác dụng xén cho lực tác động, do đó làm tăng thêm nguy cơ đâm xuyên qua da.

Một biến thể của đạn tròn túi đậu gọi là túi đậu cân bằng-kéo theo hay “đạn vớ” cũng không thành công. Mặc dù đạn vớ không có phần rìa khâu lại và có đuôi làm cân bằng chuyển động bay của chúng, nhưng một số loại đã thử nghiệm có những vấn đề điều khiển chất lượng nghiêm trọng. Thật vậy, người ta phát hiện một chi nhánh đã sản xuất chúng với những túi khí bên trong.

Cuối cùng, vũ khí kiểu tác động duy nhất hiện đang được cảnh sát Anh kiểm tra là Đạn năng lượng tắt dần (AEP). Loại đạn tròn này gồm một đầu có thể biến dạng trên một đế plastic rắn và nó cực kì chính xác, làm giảm khả năng tình cờ chạm trúng đầu của đối tượng và gây ra những thương tổn có khả năng đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, trong trường hợp đạn AEP chạm trúng vùng nhiều xương của cơ thể như đầu chẳng hạn, nó đã được xử lí kĩ thuật để biến dạng và do đó tắt dần năng lượng của nó vào mục tiêu trong khoảng thời gian lâu hơn. Khoảng thời gian giảm tốc lâu hơn này làm giảm lực tác dụng giống như các loại bộ đệm tránh va chạm trên xe hơi.

Những lựa chọn hóa chất được xem xét là một phần của bản đánh giá bao gồm chloroacetophenone (tên thương mại là Mace), các hơi cay tự nhiên và tổng hợp, và dibenz[B,F]-1,4-oxazepine (gọi là CR). Chất thứ nhất bị bác bỏ vì nó là chất gây ung thư đã biết, cùng với ngưỡng an toàn hẹp giữa liều lượng gây chết người và liều lượng vô hại. CR cũng bị bác bỏ - mặc dù nó có hiệu nghiệm hơn chất cay CS đã dùng ở Anh, nhưng có những vấn đề khác, đáng kể nhất là nó không tan trong nước, nên khó khử nhiễm. Hơi cay tự nhiên đã được dùng ở Mĩ từ thập niên 1990, nhưng vì nó chiết xuất từ một sản phẩm thiên nhiên, nên hiệu nghiệm của nó không phù hợp và nó còn chứa hàng trăm thành phần phải được kiểm tra riêng. Lựa chọn hóa chất mới duy nhất được bật đèn xanh là hơi cay tổng hợp hay PAVA chỉ chứa hai thành phần hoạt tính và đã trải qua những thử nghiệm độc dược học mở rộng.

Hải quân Mĩ đang diễn tập sử dụng hơi cay vô hiệu hóa

Hải quân Mĩ đang diễn tập sử dụng hơi cay vô hiệu hóa. (Ảnh: Wikimedia Commons/Clarck Desire/ Hải quân Mĩ)

Những công nghệ tương lai

Việc sử dụng bạo lực trong xử lí những tình huống quá khích luôn gây tranh cãi, và các chính phủ, các nhóm đấu tranh quyền con người và xã hội có sự quan tâm sâu sắc đối với những công cụ chúng ta cho phép cảnh sát mang theo trong khi thi hành nhiệm vụ. Phần lớn công việc nay đã thực hiện xong để đánh giá cái có mặt trên thị trường và cảnh sát Anh hiện nay thật sự có một số chọn lựa khác nhau khi đối mặt trước những tội phạm hung hãn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất sẽ tiếp tục trau chuốt sản phẩm của họ, và thỉnh thoảng họ đi tới những ý tưởng mới; thật vậy, một số dụng cụ khác vẫn đang trong giai đoạn phát triển hoặc vẫn đang được thử nghiệm ở nước Anh. Trước khi bất kì dụng cụ nào trong số chúng có mặt trên đường phố, các nhà chính trị, cảnh sát và công chúng cần thảo luận về giá trị và những hạn chế của chúng. Điều quan trọng là những thảo luận này được hiểu qua sự nghiên cứu vật lí nghiêm túc và rồi có lẽ, một ngày nào đó, các viên chức cảnh sát sẽ được trang bị phaser để vô hiệu kẻ tình nghi ngay tức thời.

Những loại vũ khi ít gây chết người

  • Dụng cụ động năng là “vũ khí tác động” tung ra một đòn vật lí thông qua một viên đạn như túi đậu hoặc dùi cui.
  • Dụng cụ điện như TASER vô hiệu hóa mục tiêu bằng cách gửi một xung điện qua cơ thể.
  • Dụng cụ lái năng lượng tạo ra những tia điện từ có tác dụng từ chiếu thẳng vào mục tiêu đến gây đau do làm nóng da.
  • Đại bác nước bắn ra những xung nước 5 – 15 lít hoặc một dòng liên tục 900 lít trên phút để hạ gục đối phương.
  • Dụng cụ phân phát hóa chất bao gồm hơi cay và đạn chứa bột CS (thường gọi là “khí nước mắt”) hoặc những hóa chất mới hơn như PAVA (“hơi cay” tổng hợp).
  • Dụng cụ kêu gọi từ xa là hệ thống lái âm thanh phát ra mệnh lệnh hoặc âm to ồn ào khó chịu trên một khu vực nhỏ.
  • Dụng cụ pháo hoa như lựu đạn túi flash tạo ra một tiếng nổ rất lớn và ánh sáng chói lòa để gây xáo trộn và mất phương hướng.

Các tiêu chuẩn đánh giá vũ khí ít gây chết người

  • Chính xác trên 1 – 25 m (lí tưởng lên tới 50 m)
  • Vấn đề đào tạo
  • Khả năng lặp lại/ tốc độ sử dụng
  • Dễ điều khiển
  • Chuyên gia hay viên chức dùng
  • Hiệu quả tức thời
  • Làm việc trên đám đông mục tiêu tối đa
  • Chi phí
  • Quyền sử dụng
  • Liên quan đến luật pháp
  • Tổn thương/ gây chết người tối thiểu
  • Hậu quả tác dụng
  • Khả năng chấp thuận – cảnh sát công chúng
  • Cơ động và linh hoạt
  • Hiệu lực – trung hòa mối đe dọa
  • Tính bền
  • Tác dụng thị giác (không giống súng lục)
  • An toàn và bảo mật
  • Có hiệu lực trong mọi môi trường
  • Chế tài tối thiểu
  • Không ngăn chặn những vũ khí khác
  • Đã qua kiểm định

David Wilkinson, Khoa Khoa học và Công nghệ,
Đại học Nottingham Trent, Anh quốc

Physics World, tháng 9/2011

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm