Hiệp Khách Quậy Vào tháng Giêng 2018, Bulletin of Atomic Scientists, một tạp chí được sáng lập bởi một số nhà vật lí từng làm việc với Dự án Manhattan chế tạo những vũ khí nguyên tử đầu tiên, đã điều chỉnh Đồng hồ Tận thế, phép đo của họ về mức sắp xảy ra thảm họa – quân sự hoặc môi trường – mà hành tinh của chúng ta... Xin mời đọc tiếp.
Chương 7
CHÚNG TA SẼ SỐNG SÓT TRÊN TRÁI ĐẤT KHÔNG?
Vào tháng Giêng 2018, Bulletin of Atomic Scientists, một tạp chí được sáng lập bởi một số nhà vật lí từng làm việc với Dự án Manhattan chế tạo những vũ khí nguyên tử đầu tiên, đã điều chỉnh Đồng hồ Tận thế, phép đo của họ về mức sắp xảy ra thảm họa – quân sự hoặc môi trường – mà hành tinh của chúng ta đối mặt, tiến lên vạch hai phút trước nửa đêm.
Chiếc đồng hồ ấy có một lịch sử thú vị. Chuyện bắt đầu vào năm 1947, khi thời đại nguyên tử vừa mới chớm nở. Robert Oppenheimer, nhà khoa học chính cho dự án Manhattan, thổ lộ muộn màng về vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên hai năm trước đó, vào tháng Bảy 1945, “Chúng tôi biết thế giới sẽ không còn như cũ nữa. Một vài người cười to, một vài kẻ khóc lóc, còn đa số mọi người im lặng. Tôi nhớ một dòng trích từ kinh sách Hindu, Bhagavad-Gita, ‘Lúc này đây, ta trở thành Thần Chết, kẻ hủy diệt thế giới’.”
Năm 1947, chiếc đồng hồ ấy được ấn định ban đầu là bảy phút trước nửa đêm. Lúc này nó ở gần Tận thế hơn bất kì thời khắc nào kể từ đó, kể cả đầu thập niên 1950 lúc khởi đầu Chiến tranh Lạnh. Tất nhiên chiếc đồng hồ và chuyển động của nó là hoàn toàn mang tính biểu trưng, song tôi cảm thấy xui khiến phải nó cho biết rõ rằng một sự cảnh báo như vậy từ các nhà khoa học khác, chí ít bị thôi thúc phần nào bởi sự thắng cử của Donald Trump, phải được xem xét nghiêm túc. Chiếc đồng hồ ấy, và ý tưởng rằng thời gian đang tích tắc trôi qua hay thậm chí đang cạn kiệt dần đối với nhân loại, là thực tế hay chỉ là thứ gây hoang mang sợ hãi mà thôi? Sự cảnh báo của nó là đúng lúc hay chỉ lãng phí thời gian?
Tôi có một niềm đam mê đậm nét cá nhân với thời gian. Trước hết, quyển sách bán chạy của tôi, và lí do chính khiến tôi nổi tiếng vượt khỏi biên giới của cộng đồng khoa học, có tựa đề là Lược sử Thời gian. Vì lẽ đó một số người có thể hình dung tôi là một chuyên gia về thời gian, mặc dù tất nhiên ngày nay một chuyên gia đâu nhất thiết là gì hay ho đâu. Thứ hai, là một kẻ hai mươi mốt tuổi nghe bác sĩ của mình nói rằng anh chỉ còn năm năm để mà sống, và anh ta sống dai đến bảy mươi sáu tuổi vào năm 2018, tôi đúng là một chuyên gia về thời gian nếu hiểu theo một nghĩa nào đó, một ý nghĩa rất mang tính cá nhân. Tôi nhận thức sâu sắc, không hề dễ chịu, về sự trôi qua của thời gian, và đã sống phần lớn cuộc đời của tôi với ý nghĩa rằng thời gian mà tôi được hưởng, theo lời họ nói, là được vay mượn.
Chẳng ai nghi ngờ gì chuyện thế giới của chúng ta bất ổn chính trị hơn bao giờ hết, theo kí ức của tôi. Số lượng lớn con người ta cảm thấy bị tụt hậu về kinh tế và xã hội. Vì thế, người ta đang chuyển hướng sang các chính khách dân túy – hay ít nhất là có tên tuổi, những người có kinh nghiệm hạn chế về chính quyền và có khả năng đưa ra những quyết sách bình tĩnh trong cơn khủng hoảng, những quyết sách chưa hề được kiểm tra trước. Thế có nghĩa là Đồng hồ Tận thế phải nhích gần hơn đến điểm trọng yếu, khi mà viễn cảnh về những thế lực tàn ác và bất lương thúc đẩy Armageddon lớn mạnh.
Trái Đất đang chịu đe dọa từ nhiều mặt như thế nên thật khó cho tôi lạc quan cho được. Các mối đe dọa ấy quá to lớn và quá đông đảo.
Thứ nhất, Trái Đất đang trở nên quá nhỏ bé đối với chúng ta. Các nguồn tài nguyên vật chất của chúng ta đã và đang bị hút cạn ở tốc độ đáng cảnh báo. Chúng ta đã đem lại cho hành tinh của mình một món quà thảm khốc đó là sự biến đổi khí hậu. Nhiệt độ đang tăng lên, sự suy giảm các chỏm băng ở hai cực, sự phá rừng, sự bùng nổ dân số, dịch bệnh, chiến tranh, hạn hán, thiếu nước ngọt và sự tàn sát muôn loài; tất cả những vấn đề này đều có thể giải quyết được song cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Sự ấm lên toàn cầu là do tất cả chúng ta mà ra. Chúng ta muốn có xe hơi, muốn đi lại và có một tiêu chuẩn sống tốt hơn. Vấn đề là, khi người ta nhận thấy chuyện gì đang xảy ra, thì có lẽ đã quá muộn rồi. Vì chúng ta đứng bên bờ vực của một Thời đại Hạt nhân Thứ hai và một thời kì biến đổi khí hậu chưa có tiền lệ, nên các nhà khoa học có một trách nhiệm đặc biệt, một lần nữa, đó là thông báo cho công chúng và khuyên can các nhà lãnh đạo về những hiểm họa mà loài người đối mặt. Là nhà khoa học, chúng ta thấu hiểu các hiểm họa của vũ khí hạt nhân, cùng các hiệu lực hủy diệt của chúng, và chúng ta đang tìm hiểu xem các hoạt động và công nghệ của con người đang làm ảnh hưởng như thế nào đến các hệ thống khí hậu theo những kiểu có thể làm thay đổi mãi mãi sự sống trên Trái Đất. Là những công dân của thế giới, chúng ta có bổn phận chia sẻ kiến thức đó, và cảnh báo công chúng về những hiểm họa không nhất thiết mà chúng ta sống chung trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thấy trước mối hiểm họa khôn lường nếu các chính phủ và xã hội không hành động ngay từ bây giờ, nhằm giải trừ các vũ khí hạt nhân đã hết hạn và ngăn cản sự biến đổi khí hậu tiếp tục xấu thêm.
Một vụ va chạm tiểu hành tinh hồi 66 triệu năm trước đã làm tuyệt chủng loài khủng long trên Trái Đất
Đồng thời, nhiều chính trị gia đang phủ nhận thực tế sự biến đổi khí hậu do con người gây ra, hoặc chí ít khả năng con người làm nó đảo ngược lại, khi mà thế giới của chúng ta đang đối mặt trước những thảm họa môi trường nghiêm trọng. Cái nguy hiểm là sự ấm lên toàn cầu có khả năng tự duy trì, nếu như nó đã không tự duy trì từ trước đến nay. Sự tan băng ở Bắc Cực và Nam Cực làm giảm tỉ lệ năng lượng Mặt Trời phản xạ trở lại vào không gian, và do đó làm tăng nhiệt độ thêm nữa. Sự biến đổi khí hậu có thể quét sạch Amazon cùng những cánh rừng nhiệt đới khác và do đó thủ tiêu một trong những phương thức chính trong đó carbon dioxide bị loại ra khỏi khí quyển. Sự tăng nhiệt độ biển có thể châm ngòi giải phóng những lượng lớn carbon dioxide. Cả hai hiện tượng này đều làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, và vì thế làm trầm trọng thêm sự ấm lên toàn cầu. Cả hai hiệu ứng có thể biến khí hậu của chúng ta thành như của Kim tinh: nóng sôi sục và tuôn mưa acid sulphuric, với nhiệt độ 250 độ bách phân (482 độ Fahrenheit). Sự sống của con người sẽ không thể duy trì. Chúng ta cần đi xa hơn Hiệp định Kyoto, thỏa ước quốc tế được phê chuẩn vào năm 1997, và cắt giảm phát thải carbon ngay từ bây giờ. Chúng ta có công nghệ rồi. Chúng ta chỉ cần ý chí chính trị mà thôi.
Có thể chúng ta thiếu hiểu biết, không suy nghĩ nhiều. Khi chúng ta gặp phải những khủng hoảng tương tự trong lịch sử, thường thì luôn có nơi nào đó khác để khai phá. Columbus đã làm thế vào năm 1492 khi ông tìm thấy Tân Thế giới. Nhưng ngày nay chẳng còn tân thế giới nào hết. Chẳng có Utopia nào ở phía trước cả. Chúng ta đang cạn kiệt không gian và nơi duy nhất để đi là những thế giới khác.
Vũ trụ là một nơi khốc liệt. Các sao nhấm chìm các hành tinh, các siêu tân tinh tỏa ra các tia chết chóc đi khắp không gian, các lỗ đen va vào nhau và các tiểu hành tinh chao liệng hàng trăm dặm mỗi giây. Cứ cho là vậy, các hiện tượng này khiến không gian nghe chẳng mời gọi lắm, song đây là những lí do rất hợp lí vì sao chúng ta nên thám hiểm không gian thay vì cứ đứng nhìn. Một va chạm tiểu hành tinh sẽ là cái chúng ta không chống đỡ được. Cú va chạm lớn như thế gần đây nhất xảy ra chừng sáu mươi sáu triệu năm trước và được cho là đã tiêu diệt loài khủng long, và nó sẽ còn xảy ra lần nữa. Đây không phải hư cấu khoa học; nó được đảm bảo bởi các định luật vật lí và xác suất.
Chiến tranh hạt nhân có lẽ vẫn là mối họa lớn nhất đối với nhân loại vào lúc này. Nó là một hiểm họa mà chúng ta hay lãng quên. Nga và Mĩ không còn kình địch nhau nữa, nhưng hãy giả sử có một tai nạn, hay những kẻ khủng bố có được các vũ khí mà những nước này cất giữ. Và càng nhiều nước có vũ khí hạt nhân thì hiểm họa càng tăng lên. Ngay cả sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, vẫn có đủ vũ khí hạt nhân trong kho dự trữ để giết sạch tất cả chúng ta, giết sạch đến vài ba lần, và các quốc gia hạt nhân mới sẽ góp thêm tình trạng bất ổn. Theo thời gian, mối họa hạt nhân có thể giảm, nhưng những hiểm họa khác sẽ phát triển, vì thế chúng ta vẫn nên cảnh giác.
Dù bằng cách này hay cách khác, tôi xem nó là chuyện không thể tránh khỏi, hoặc là một cuộc đương đầu hạt nhân hoặc là một thảm họa môi trường sẽ phá hỏng Trái Đất vào lúc nào đó trong 1.000 năm tới, tính theo thời gian địa chất thì đó chỉ là một cái chớp mắt. Lúc ấy, tôi hi vọng và tin rằng chủng loài mưu trí của chúng ta đã tìm được cách đi ra khỏi Trái Đất và do đó sẽ vượt qua được thảm họa. Tất nhiên, điều tương tự không hẳn có thể xảy ra với hàng triệu giống loài khác cư trú trên Trái Đất, và điều đó còn tùy thuộc vào lương tâm của giống loài chúng ta.
Tôi nghĩ chúng ta đang hành động mà không nghĩ tới tương lai của chúng ta trên hành tinh Trái Đất. Hiện nay, chúng ta chẳng có nơi nào khác để đi, nhưng trong dài hạn loài người không nên bỏ hết toàn bộ số trứng của mình trong một cái rỗ, hoặc trên một hành tinh. Tôi chỉ hi vọng chúng ta có thể tránh làm rơi cái rỗ trước khi chúng ta học được cách thoát khỏi Trái Đất. Nhưng, từ trong bản chất, chúng ta là những nhà thám hiểm. Được thôi thúc bởi lòng hiếu kì. Đây là một phẩm chất chỉ có ở con người. Chính sự hiếu kì thôi thúc này đã đưa đến các nhà thám hiểm chứng minh rằng Trái Đất không bằng phẳng, và chính bản năng giống như vậy đưa chúng ta đến các vì sao ở tốc độ tưởng tượng, thôi thúc chúng ta dấn thân trên thực tế. Và hễ khi nào chúng ta có được một bước nhảy lớn mới, ví dụ như hạ cánh lên Mặt Trăng, chúng ta nâng cao tầm nhân loại lên, mang người dân và các quốc gia xích lại với nhau, đưa đến những khám phá mới và những công nghệ mới. Rời khỏi Trái Đất đòi hỏi một cách tiếp cận phối hợp toàn cầu – mỗi người dân đều phải tham gia. Chúng ta cần thắp lại ngọn lửa hào hứng của những ngày đầu du hành vũ trụ hồi thập niên 1960. Vươn ra xa có lẽ là cách duy nhất để cứu chúng ta thoát khỏi chính mình. Tôi bị thuyết phục rằng con người nên rời khỏi Trái Đất. Nếu chúng ta ở lại, thì chúng ta có nguy cơ bị hủy diệt.
Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking