Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn – Stephen Hawking (Phần 5)

Hiệp Khách Quậy Như bạn có thể hình dung, đây là một quãng thời gian rất khó khăn, nhưng nhờ các bác sĩ tại Addenbrooke đã vất vả mang tôi trở lại giống như thời điểm trước chuyến đi đến Thụy Sĩ. Tuy nhiên, vì thanh quản của tôi vẫn để lọt thức... Xin mời đọc tiếp.

Như bạn có thể hình dung, đây là một quãng thời gian rất khó khăn, nhưng nhờ các bác sĩ tại Addenbrooke đã vất vả mang tôi trở lại giống như thời điểm trước chuyến đi đến Thụy Sĩ. Tuy nhiên, vì thanh quản của tôi vẫn để lọt thức ăn và nước bọt vào trong phổi nên họ phải tiến hành phẫu thuật mở khí quản. Như đa phần các bạn biết đấy, phẫu thuật mở khí quản sẽ lấy mất khả năng nói chuyện. Giọng nói của bạn rất quan trọng. Nếu nó lắp ba lắp bắp, kiểu như giọng nói của tôi từng bị thế, thì người ta có thể nghĩ bạn thiểu năng và xem thường bạn. Trước phẫu thuật mở khí quản, giọng tôi vốn dĩ đã không rõ ràng nên chỉ những người biết rõ tôi lắm mới hiểu tôi nói gì. Con cái của tôi là một trong số ít người có thể hiểu tôi nói gì. Trong một khoảng thời gian không lâu sau phẫu thuật mở khí quản, cách duy nhất để tôi giao tiếp là đánh vần các từ, từng chữ cái một, bằng cách nhướng lông mày khi có người chỉ đúng chữ cái trên tấm bìa đánh vần.

May thay một chuyên gia máy tính ở California tên là Walt Woltosz nghe được những khó khăn của tôi. Anh gửi cho tôi một chương trình máy tính anh vừa viết xong tên gọi là Equalizer. Chương trình này cho phép tôi chọn nguyên cả từ từ một chuỗi menu trên màn hình máy vi tính gắn trên xe lăn của tôi bằng cách ấn một cái công tắc trên tay tôi. Trong các năm sau đó, hệ thống được phát triển thêm. Bây giờ tôi sử dụng một chương trình gọi là Acat, do hãng Intel phát triển, tôi điều khiển nó bằng một cảm biến nhỏ gắn trên kính mắt của tôi thông qua các cử động gò má của tôi. Nó có một điện thoại di động, cho phép tôi truy cập Internet. Tôi có thể cam chắc rằng tôi là người được nối mạng nhất trên thế giới. Tuy vậy, tôi vẫn còn giữ máy tổng hợp giọng nói gốc mà tôi có, một phần vì tôi chưa từng nghe nói tới máy nào ghép cụm từ tốt hơn nó, một phần vì bây giờ người ta nhận ra tôi với giọng nói này, mặc dù nó có giọng Mĩ.

Lần đầu tiên tôi có ý tưởng viết một cuốn sách thường thức về vũ trụ là vào năm 1982, khoảng thời gian tôi làm công trình không-ranh giới. Tôi nghĩ mình có thể kiếm được một khoản tiền nho nhỏ để chu cấp cho bọn trẻ đến trường và xoay sở chi phí chăm sóc sức khỏe cứ tăng dần của tôi, nhưng lí do chính là tôi muốn giải thích xem theo tôi cảm thấy thì chúng ta đã tiến được bao xa trong việc nhận thức vũ trụ: chúng ta có thể đang ở gần như thế nào với việc tìm thấy một lí thuyết hoàn chỉnh sẽ mô tả vũ trụ và vạn vật bên trong nó. Không những việc nêu câu hỏi và tìm lời giải đáp là quan trọng, mà là một nhà khoa học tôi cảm thấy thôi thúc phải thông tri với thế giới về cái chúng ta đang tìm hiểu.

Ma xui quỷ khiến thế nào, A Brief History of Time (Lược sử Thời gian) được xuất bản lần đầu đúng ngày Cá Tháng Tư năm 1988. Thật ra, quyển sách ban đầu có ý định mang tựa đề là From the Big Bang to Black Holes: A Short History of Time (Từ Vụ nổ Lớn đến các Lỗ đen: Lược sử Thời gian). Tựa sách đã được thu gọn và đổi thành “brief”, và phần còn lại là thuộc về lịch sử.

Tôi chưa từng kì vọng A Brief History of Time sẽ nổi danh như nó đã nổi. Chẳng nghi ngờ gì nữa, câu chuyện mà thiên hạ quan tâm, rằng tôi đã xoay sở như thế nào để trở thành nhà vật lí lí thuyết và một tác giả ăn khách bất chấp tình trạng bệnh tật của tôi, đã giúp nó nổi tiếng. Không phải ai cũng đọc hết quyển sách hoặc hiểu hết cái họ đọc, nhưng ít ra họ tóm được một trong những câu hỏi lớn về sự tồn tại của chúng ta và đi đến ý tưởng rằng chúng ta sống trong một vũ trụ bị chi phối bởi những quy luật hợp lí mà, thông qua khoa học, chúng ta có thể khám phá và hiểu được.

Đối với các đồng nghiệp của tôi, tôi chỉ là một nhà vật lí nào đó, nhưng đối với đông đảo công chúng, có lẽ tôi đã trở thành nhà khoa học được biết tới nhất trên thế giới. Đây một phần là bởi vì các nhà khoa học, ngoài Einstein ra, không được nổi tiếng rộng rãi như các ngôi sao nhạc rock, và một phần là bởi vì tôi rất khớp với khuôn mẫu một thiên tài bị tật nguyền. Tôi đâu có thể tự ngụy trang bằng một bộ tóc giả và kính mát – cái xe lăn nó tố cáo tôi ngay. Được nổi tiếng và dễ dàng nhận ra thì có cái hay và cái dở của nó, thế nhưng cái dở thì nhiều hơn cái hay. Người ta hình như đúng là thích nhìn tôi. Tôi từng có lượng khán giả đông đảo nhất khi tôi khai mạc Thế vận hội Người tàn tật ở London vào năm 2012.

.

Tôi đã có một cuộc sống khác thường trên hành tinh này, đồng thời tôi chu du khắp cõi vũ trụ bằng tâm trí của mình và các định luật vật lí. Tôi đã chạm tới những nơi xa xăm nhất của thiên hà của chúng ta, đi vào một lỗ đen và đi ngược đến lúc ra đời thời gian. Trên Trái Đất, tôi đã kinh qua thăng và trầm, hoạt náo và hòa thuận, thành công và đau khổ. Tôi từng giàu có và nghèo khổ, tôi từng lành lặn và tật nguyền. Tôi từng được tâng bốc và bị chỉ trích, nhưng chưa hề bị bỏ rơi. Tôi vô cùng vinh hạnh, thông qua nghiên cứu của mình, có thể đóng góp cho sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ. Nhưng nó sẽ là một vũ trụ trống rỗng thật sự nếu như nó không phải là nơi có người tôi yêu thương, và có người yêu thương tôi. Không có họ, thì sự diệu kì của vũ trụ thảy đều vô nghĩa đối với tôi.

Và sau hết thảy những điều này, thực tế rằng loài người chúng ta, bản thân chúng ta không gì hơn là những tập hợp hạt sơ cấp của tự nhiên, đã có thể đi tới nhận thức các định luật chi phối chúng ta, và vũ trụ của chúng ta, là một thành tựu vĩ đại. Tôi muốn chia sẻ sự phấn khích của mình về những câu hỏi lớn này và niềm đam mê của tôi về cuộc truy tìm lời giải đáp này.

Một ngày nào đó, tôi hi vọng chúng ta sẽ tìm được lời giải đáp cho mọi câu hỏi này. Nhưng có những thách thức khác, những câu hỏi lớn khác trên hành tinh phải được trả lời, và những câu hỏi này sẽ cần một thế hệ mới quan tâm và dấn thân, và có hiểu biết về khoa học. Làm thế nào chúng ta nuôi sống dân số cứ đông dần mỗi ngày? Làm thế nào cấp nước sạch, sản xuất năng lượng có thể hồi phục, phòng chống và chữa trị bệnh tật và làm chậm sự biến đổi khí hậu tòan cầu? Tôi hi vọng rằng khoa học và công nghệ sẽ đem lại giải đáp cho những câu hỏi này, nhưng nó sẽ cần nhân lực, những con người sống có kiến thức và hiểu biết, để triển khai những giải pháp này. Chúng ta hãy chiến đấu để mỗi người phụ nữ và mỗi người đàn ông có cơ hội được sống khỏe mạnh, sống an toàn, tràn đầy cơ hội và yêu thương. Chúng ta thảy đều là các nhà du hành thời gian, cùng nhau tiến về tương lai. Nhưng chúng ta hãy làm việc cùng nhau để biến tương lai thành một nơi mà chúng ta muốn đến.

Hãy can đảm, hiếu kì, quyết đoán, vượt qua các chướng ngại. Làm là được thôi.

Ước mơ của bạn là gì khi bạn còn bé, và nó có thành hiện thực không?

Tôi muốn trở thành một nhà khoa học vĩ đại. Tuy nhiên, lúc đi học tôi chẳng phải học sinh giỏi, và hiếm khi xếp hạng đứng trên nửa lớp. Công việc của tôi thì bề bộn, chữ viết tay của tôi thì không dễ nhìn. Nhưng tôi có những đứa bạn giỏi ở trường. Và chúng tôi nói về mọi thứ và, đặc biệt, về nguồn gốc của vũ trụ. Đây là nơi ước mơ của tôi ươm mầm, và tôi rất may mắn vì nó đã trở thành hiện thực.

Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking

Phần tiếp theo >>

Mời đọc thêm