Hiệp Khách Quậy Tương truyền, lúc Chúa Jesus chào đời, một ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời Bethlehem. Ngôi sao Bethleham, hay sao Giáng sinh, có được nhắc tới trong Kinh thánh. Người ta nói chính ngôi sao này đã mang ba nhà thông thái đến với Bethlehem. Nó đã trở thành một biểu tượng chính của Giáng sinh trên... Xin mời đọc tiếp.
Tương truyền, lúc Chúa Jesus chào đời, một ngôi sao lạ đã xuất hiện trên bầu trời Bethlehem. Ngôi sao Bethlehem, hay sao Giáng sinh, có được nhắc tới trong Kinh thánh. Người ta nói chính ngôi sao này đã mang ba nhà thông thái đến với Bethlehem. Nó đã trở thành một biểu tượng chính của Giáng sinh trên toàn thế giới.
Ngôi sao Giáng sinh trên đường phố ở Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Rudolph.A.Furtado)
Bạn hãy tưởng tượng bóng dáng của ba nhà quý tộc mặc đồ vương giả trên lưng lạc đà. Họ đang nhìn xa xăm trên những ngọn đồi uốn lượn hay những đụn cát trắng, về phía một tòa lâu đài lạc lõng bé nhỏ ở đằng xa. Bầu trời đêm tối đen như mực, và một ngôi sao rực rỡ treo lơ lửng phía trên tòa lâu đài bé nhỏ ấy, phát ra một cột sáng về phía trái đất để soi rọi hình bóng của nó. Một ánh sáng khác lan tỏa nhẹ nhàng bên trong.
Đó là bức tranh mà đa số chúng ta hình dung về ngôi sao Giáng sinh, nhưng nó là một hình ảnh có từ trí tưởng tượng và thiệp chúc mừng chứ không phải từ Kinh thánh. Thật vậy, Sách phúc âm Matthew trong Kinh Tân ước là nơi duy nhất “ngôi sao” này được nhắc tới trong Kinh thánh (Matt 2:2, 7-10, Bản King James). Ngay trong quyển ấy, thông tin về ngôi sao cũng là hiếm. Đoạn tham khảo ấn tượng nhất là Matt. 2:9, “Khi họ nghe tới nhà vua, họ đã chết cả rồi; và, nhìn kìa, ngôi sao ấy, cái họ nhìn thấy ở hướng đông, đi phía trước họ, cho đến khi nó đến đứng trên nơi đứa trẻ ấy.” Đối với những ai thích cố tìm cho được sự thật theo nghĩa đen của kinh thánh, thì tình tiết này trả lời được câu hỏi đó. Nếu tình tiết này là đúng theo nghĩa đen, thì ngôi sao Bethlehem không thể nào là một hiện tượng thiên nhiên nào đã biết, đơn giản bởi vì không có ngôi sao nào di chuyển như thế cả.
Đèn Giáng sinh ở dạng một ngôi sao trên một ô cửa ở Athens, Hi Lạp. (Ảnh: Vouliagmeni)
Tuy nhiên, nếu chúng ta cho phép tác giả Matthew – chắc chắn ông không phải là một người chứng kiến sự kiện Chúa giáng sinh – cái quyền nghệ sĩ một chút, thì “ngôi sao” đó có lẽ đã không xuất hiện theo nghĩa đen như đã mô tả. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể xét một số khả năng thiên văn, tự nhiên nào đó. Thật vậy, có một sự không rõ ràng nhất định về việc sử dụng từ ngôi sao trong văn tự Hi Lạp. Một số người cho rằng từ ngôi sao có thể hàm nghĩa hay ám chỉ một vật gì đó chứ không phải một ngôi sao theo nghĩa vật lí.
Một số miêu tả nghệ thuật thì thể hiện cái dường như là một sao băng. Mặc dù các sao băng phát nổ, thỉnh thoáng gọi là quả cầu lửa, có thể gây sửng sốt và thật sự ấn tượng, nhưng chúng chỉ kéo dài vài ba giây thôi. Chúng có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào. Những người chiêm ngưỡng bầu trời đêm ở xa trung tâm đô thị hiện đại có lẽ sẽ không đặt quá nhiều ý nghĩa cho chúng. Những hiện tượng phù du như vậy không thể nào “mang” ba nhà thông thái đến với Bethlehem.
Ngôi sao Giáng sinh, một vật quan trọng trong lễ hội csillagozás ở Hungary. (Ảnh: Jojojoe)
Có những vật thể hay những sự kiện thiên văn khác có thể trông có ý nghĩa hơn, nhưng vẫn có những trở ngại. Trước tiên, chúng ta không biết đích xác Chúa Jesus chào đời lúc nào. Do sai sót của một giáo sĩ Thiên chúa hàng trăm năm sau này, sự ra đời của Chúa Jesus được cho là đã muộn hơn thời gian thật sự đến 4 năm. Vì thế, ngày nay chúng ta biết thời điểm Chúa chào đời là không muộn hơn năm thứ 4 trước Công nguyên, và có khả năng còn sớm hơn một chút. Và chắc chắn đó không phải là ngày 25 tháng 12. Kinh thánh không nói, chỉ để lại cho chúng ta vài manh mối. Tuy nhiên, một manh mối chúng ta thật sự có trong tay là đoạn nói những người chăn cừu ở ngoài đồng “chăm giữ đàn gia súc của họ vào ban đêm” (Luke 2:8), công việc mà theo một số học giả cho biết chỉ có khả năng thực hiện vào mùa xuân khi đàn cừu non ra đời. Như vậy, thời điểm Chúa giáng sinh có khả năng là vào mùa xuân, đâu đó từ năm thứ 7 đến năm thứ 4 trước Công nguyên.
Có một vài ghi chép thiên văn còn lưu giữ được về lúc ấy, nhất là bởi người Trung Hoa và người Triều Tiên. Họ thật sự ghi lại cái có lẽ là sao chổi xuất hiện vào năm thứ 5 và có khả năng một lần nữa vào năm thứ 4 trước Công nguyên. Vấn đề chính ở đây là sao chổi thường bị người Trung Hoa xem là điềm gỡ và có khả năng được các nhà chiêm tinh thần bí trong Kinh Tân ước gọi là “nhà thông thái”.
Một khả năng nữa là ngôi sao Giáng sinh là một sao mới hay sao siêu mới, một ngôi sao trước đó không thấy đột ngột sáng lên rực rỡ. Thật vậy, một ngôi sao như thế đã được người Trung Hoa ghi nhận vào mùa xuân năm thứ 5 trước Công nguyên, và nó sáng trong thời gian hơn 2 tháng. Tuy nhiên, vị trí của nó trong chòm sao Capricornus có nghĩa là có khả năng nó sẽ không “mang” các nhà thông thái đến theo kiểu như Kinh thánh đề cập.
Ngôi sao Giáng sinh trên đường phố ở Đức. (Ảnh: Telrúnya)
Với một số người, ngôi sao đó thật ra chẳng phải sao gì hết, mà là một hành tinh, Mộc tinh. Hay chính xác hơn, đó là sự giao hội của Mộc tinh với hai hành tinh khác, Thổ tinh và Hỏa tinh. Đối với người cổ đại, các hành tinh là những “ngôi sao lang thang”, và với nhiều người chúng có ý nghĩa chiêm tinh hay thần bí gì đó. Các nhà thiên văn biết rằng có cả một chuỗi giao hội xảy ra vào năm thứ 6 và năm thứ 5 trước Công nguyên, xảy ra trong chòm sao Pisces (Con cá), mà nói theo một số người đó là dấu hiệu chiêm tinh của người Do Thái. Để tăng thêm đức tin cho những học giả Thiên chúa sau này như Matthew, kí hiệu con cá sau này đã trở thành kí hiệu bí ẩn đối với người Thiên chúa giáo.
Trừ khi có một khám phá khảo cổ chính yếu và không thể tranh cãi nào đó mới trả lời dứt khoát cho câu hỏi đã nêu, nếu không ngôi sao Giáng sinh sẽ vẫn mãi mãi thuộc về đức tin. Khoa học không thể lí giải nó là bất kì vật thể vật chất nào đã biết; lịch sử không để lại ghi chép nào rõ ràng; và tôn giáo chỉ nêu ra sự hiện thân thần kì không thể kiểm tra được. Mặc dù có lẽ không có sự thống nhất về bản chất của ngôi sao hay nó có thật sự xuất hiện hồi hai thiên niên kỉ trước hay không, nhưng dẫu bạn thuộc phe bên nào thì cũng có thể thống nhất về thông điệp mà ngôi sao Giáng sinh mang lại: “...vì hòa bình trên trái đất, vì cái tốt đẹp sẽ đến với mọi người.” (Luke 2:14)
Nguồn: EarthSky.org