Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn – Stephen Hawking (Phần 6)

Hiệp Khách Quậy Khoa học không ngừng nêu ra những câu hỏi quen thuộc với địa hạt tôn giáo. Tôn giáo là một nỗ lực có từ sớm nhằm giải đáp những câu hỏi mà chúng ta thảy đều nêu ra: tại sao chúng ta có mặt nơi này, chúng ta từ đâu đến? Trước đây rất lâu, câu đáp luôn luôn giống nhau: các vị thần tạo ra mọi thứ. Thế giới... Xin mời đọc tiếp.

Chương 1

CHÚA CÓ TỒN TẠI KHÔNG? 

Khoa học không ngừng nêu ra những câu hỏi quen thuộc với địa hạt tôn giáo. Tôn giáo là một nỗ lực có từ sớm nhằm giải đáp những câu hỏi mà chúng ta thảy đều nêu ra: tại sao chúng ta có mặt nơi này, chúng ta từ đâu đến? Trước đây rất lâu, câu đáp luôn luôn giống nhau: các vị thần tạo ra mọi thứ. Thế giới là một nơi đáng sợ, thế nên cả những tộc người kiên cường như người Viking cũng tin vào các thế lực siêu nhiên đem lại ý nghĩa cho những hiện tượng thiên nhiên như sấm sét, bão tố hay nhật thực. Ngày nay, khoa học đem lại những giải đáp tốt hơn và phù hợp hơn, nhưng người ta vẫn luôn bấu víu lấy tôn giáo, vì nó đem lại sự khuây khỏa, và họ không tin hay không hiểu khoa học.

Hồi mấy năm trước, tờ The Times chạy một dòng tít ở trang nhất như thế này: “Hawking: Chúa không tạo ra vũ trụ”. Bài báo có hình minh họa. Chúa được thể hiện bằng tranh vẽ của Michelangelo, trông uy nghi lẫm liệt. Họ in một ảnh chụp của tôi, trông như thằng thiểu năng. Họ làm như thể sắp có một trấn đấu tay đôi giữa chúng tôi. Nhưng tôi đâu có thù hằn gì với Chúa. Tôi không muốn đưa đến ấn tượng rằng công trình nghiên cứu của tôi nói về việc chứng minh hay bác bỏ sự tồn tại của Chúa. Công trình của tôi nói về việc tìm kiếm một khuôn khổ lí trí để hiểu được vũ trụ xung quanh chúng ta.

Trong hàng thế kỉ, thiên hạ tin rằng những người tật nguyền như tôi đang sống dưới sự nguyền rủa do Chúa giáng xuống. Vâng, cứ cho rằng tôi đã làm một số người không hài lòng, nhưng tôi thích nghĩ rằng mọi thứ có thể được giải thích theo một cách khác, bằng các quy luật của tự nhiên. Nếu bạn tin vào khoa học, giống như tôi tin, thì bạn tin rằng có những định luật nhất định luôn luôn được tuân theo. Nếu bạn thích, bạn có thể nói rằng các định luật ấy là công trình của Chúa, nhưng việc đó mang tính định nghĩa Chúa hơn là bằng chứng cho sự tồn tại của ngài. Vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, một nhà triết học tên là Aristarchus đã bị mê hoặc bởi nhật nguyệt thực, đặc biệt là nguyệt thực. Ông đủ dũng khí mà nêu rằng lẽ nào chúng thật sự là do các vị thần gây ra. Aristarchus là một nhà tiên phong khoa học đích thực. Ông nghiên cứu tỉ mỉ về bầu trời và đi tới một kết luận chắc nịch: ông nhận ra nguyệt thực thật ra là cái bóng của Trái Đất đi qua Mặt Trăng, chẳng phải sự kiện thiêng liêng gì. Được giải phóng bởi khám phá này, ông đã có thể nghiên cứu cái thật sự đang diễn ra phía trên đầu mình, và phác họa các hình vẽ cho thấy mối liên hệ thật sự giữa Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng. Từ đây ông đi đến những kết luận còn sáng giá hơn. Ông suy luận rằng Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ, như mọi người từng nghĩ, mà thay vậy nó quay xung quanh Mặt Trời. Thật vậy, việc hiểu được sự sắp xếp này giải thích được mọi hiện tượng nhật nguyệt thực. Khi Mặt Trăng soi bóng của nó lên Trái Đất, đó là nhật thực. Và khi Trái Đất che mờ Mặt Trăng, đó là nguyệt thực. Nhưng Aristarchus còn tiến xa hơn. Ông đề xuất rằng các sao không phải là những khe nứt trên sàn thiên đường, như những người đương thời của ông tin thế, mà các sao là những mặt trời khác, giống như mặt trời của chúng ta, chỉ có điều là ở cự li rất xa. Đó quả là một nhận thức cừ khôi. Vũ trụ là một cỗ máy được chi phối bởi các nguyên lí hay định luật – các định luật mà loài người có thể hiểu lĩnh hội được.

Tôi tin rằng việc khám phá những định luật này là thành tựu vĩ đại nhất của nhân loại, vì chính những định luật này của tự nhiên – như ngày nay chúng ta gọi chúng – sẽ cho chúng ta biết chúng ta có cần một vị thần để lí giải toàn bộ vũ trụ hay không. Các định luật về tự nhiên là một mô tả về cách vạn vật thật sự vận hành trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong môn tennis, quả bóng luôn đi đúng nơi mà các định luật bảo chúng sẽ đi. Và còn có những định luật khác vận hành ở đây nữa. Chúng chi phối mọi thứ đang diễn ra, từ cách năng lượng được tạo ra trong cú đập bóng từ cơ bắp của những người chơi cho đến tốc độ cỏ mọc bên dưới chân họ. Thế nhưng cái thật sự quan trọng là những định luật vật lí này vừa bất biến vừa mang tính vạn vật. Chúng không chỉ áp dụng cho chuyển động bay của quả bóng, mà còn chuyển động của hành tinh, và mọi thứ khác trong vũ trụ. Không giống như những điều luật do con người đặt ra, các định luật của tự nhiên không thể bị phá vỡ - đó là lí do vì sao chúng quyền năng đến thế và, khi nhìn từ quan điểm tôn giáo, gây tranh cãi đến thế.

Nếu bạn tán thành, như tôi tán thành, rằng các định luật của tự nhiên là bất di bất dịch, thì chẳng mấy chốc sẽ dẫn đến câu hỏi: Chúa có vai trò gì? Đây là bộ phận lớn của mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo, và mặc dù quan điểm của tôi được chạy tít trên báo, nhưng thật ra nó là một mâu thuẫn từ thời xa xưa. Người ta có thể định nghĩa Chúa là hiện thân của các định luật của tự nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là cái đa số mọi sẽ nghĩ về Chúa. Họ muốn nói tới một thực thể kiểu người, với ngài người ta có thể thiết lập mối quan hệ cá nhân. Khi bạn nhìn vào kích cỡ mênh mông của vũ trụ, và sự sống của con người nhỏ bé và may rủi như thế nào trong đó, thì điều đó là hết sức đáng ngờ.

Tôi dùng từ “Chúa” theo ý nghĩa khách quan, kiểu như Einstein làm, để chỉ các định luật của tự nhiên, vì thế việc biết được suy nghĩ của Chúa là biết được các định luật của tự nhiên. Dự đoán của tôi là chúng ta sẽ biết được suy nghĩ của Chúa vào cuối thế kỉ này.

Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking

Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm