Yuval Noah Harari: Vỡ mộng

Hiệp Khách Quậy Loài người suy nghĩ theo những câu chuyện chứ không theo sự thật, con số hay phương trình, và câu chuyện càng đơn giản thì càng tốt. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm người và mỗi quốc gia đều có những câu chuyện kể và những huyền thoại riêng của mình. Nhưng trong thế kỉ hai mươi, giới thượng lưu toàn cầu ở New... Xin mời đọc tiếp.

1

VỠ MỘNG

Hồi kết của lịch sử đã bị hoãn lại

Loài người suy nghĩ theo những câu chuyện chứ không theo sự thật, con số hay phương trình, và câu chuyện càng đơn giản thì càng tốt. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm người và mỗi quốc gia đều có những câu chuyện kể và những huyền thoại riêng của mình. Nhưng trong thế kỉ hai mươi, giới thượng lưu toàn cầu ở New York, London, Berlin và Moscow đã dựng nên ba câu chuyện đồ sộ nhằm lí giải toàn bộ quá khứ và dự báo tương lai của toàn thể thế giới: câu chuyện phát xít, câu chuyện cộng sản, và câu chuyện tự do. Thế chiến Thứ hai đã đánh bẹp câu chuyện phát xít, và từ cuối thập niên 1940 đến cuối thập niên 1980 thế giới trở thành một chiến trường giữa hai câu chuyện: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tự do. Rồi câu chuyện cộng sản sụp đổ, và câu chuyện tự do tiếp tục là chỉ dẫn chủ đạo cho quá khứ nhân loại và là bí kíp không thể thiếu cho tương lai của thế giới – hay ít ra theo giới trí thức toàn cầu là thế.

Câu chuyện tự do tôn vinh giá trị và quyền năng của sự tự do. Nó kể rằng trong hàng nghìn năm trời loài người đã sống dưới những chế độ áp bức chỉ cho phép người ta có vài ba quyền chính trị, ít có cơ hội kinh tế hay tự do cá nhân, và đàn áp nặng nề các phong trào cá nhân, các ý tưởng và sự lưu thông hàng hóa. Nhưng người ta đã chiến đấu vì tự do của mình, và từng bước một, tự do đã được thiết lập. Các chế độ dân chủ thế chỗ các chế độ độc tài tàn bạo. Mậu dịch tự do chiến thắng các rào cản kinh tế. Người ta học được cách nghĩ cho bản thân mình và nghe theo trái tim mách bảo, thay vì mù quáng tin lời các linh mục ru ngủ và các tập tục hủ lậu. Những con đường rộng thênh thang, những cây cầu kiên cố và những cảng hàng không hối hả thế chỗ cho các tường thành, các hào lũy và các hàng rào dây kẽm gai.

Câu chuyện tự do thừa nhận rằng không phải mọi nơi trên thế giới đều tốt đẹp, và rằng vẫn còn có nhiều chướng ngại phải vượt qua. Phần nhiều hành tinh chúng ta vẫn bị thống trị bởi những kẻ bạo tàn, và ngay cả ở những đất nước tự do nhất nhiều công dân vẫn chịu cảnh bần hàn, bạo lực và bóc lột. Nhưng chí ít chúng ta biết chúng ta phải làm gì để vượt qua những chướng ngại này: cho người dân nhiều tự do hơn nữa. Chúng ta cần bảo vệ quyền con người, đảm bảo mỗi người được quyền bỏ phiếu, xây dựng thị trường tự do, và cho phép các cá nhân, các ý tưởng và hàng hóa lưu thông khắp thế giới càng thuận lợi càng tốt. Theo phương thuốc tự do trị bách bệnh này – đã được phê duyệt, ở những chính sách hơi khác nhau một chút, bởi những người như George W. Bush và Barack Obama – nếu chúng ta cứ tiếp tục tự do hóa và toàn cầu hóa hệ thống kinh tế và chính trị của mình, thì chúng ta sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người.1

Các nước tham gia vào cuộc tuần hành tiến bộ không gì cản nổi này sẽ được tưởng thưởng bằng hòa bình và thịnh vượng sớm hơn. Các nước cố sức kháng lại điều không thể tránh khỏi ấy sẽ gánh chịu hậu quả, cho đến khi họ cũng nhìn thấy ánh sáng, chịu mở cửa biên giới và tự do hóa xã hội, tự do hóa các chính sách và thị trường của họ. Sẽ tốn thời gian đấy, nhưng sau rốt thì cả Bắc Triều Tiên, Iraq và El Salvador cũng sẽ trông giống Đan Mạch hay Iowa mà thôi.

Vào những năm 1990 và 2000, câu chuyện này đã trở thành một khẩu hiệu toàn cầu. Nhiều chính phủ từ Brazil đến Ấn Độ đã thông qua các công thức tự do nhằm nỗ lực gia nhập cuộc tuần hành không gì lay chuyển nổi của lịch sử. Những nước không làm thế trông tựa như những khối hóa thạch từ một thời đại xưa cũ nào đó. Năm 1997, tổng thống Mĩ Bill Clinton đã tự tin chỉ trích chính phủ Trung Quốc rằng việc nước này từ chối tự do hóa nền chính trị Trung Hoa là đã “đứng nhầm phe của lịch sử.”2

Tuy nhiên, do bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mà người dân trên khắp thế giới bắt đầu vỡ mộng dần với câu chuyện tự do. Các tường thành và tường lửa thịnh hành trở lại. Phong trào chống nhập cư và chống các thỏa thuận thương mại đang leo thang. Các chính phủ dân chủ mạo nhận làm xói mòn sự độc lập của hệ thống tư pháp, cấm tự do báo chí, và khép mọi tiếng nói phản đối là phản quốc. Những ông lớn ở các nước như Thổ Nhĩ Kì và Nga thử nghiệm những loại hình dân chủ diện hẹp kiểu mới và những kiểu độc tài đích thực. Ngày nay, ít người dám tự tin quả quyết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng ở nhầm phe của lịch sử.

Năm 2016 – ghi dấu bởi vụ bỏ phiếu Brexit ở Anh và Donald Trump đắc cử ở Mĩ – đã chứng kiến thời khắc khi làn sóng vỡ mộng như thủy triều này chạm tới những quốc gia tự do cốt lõi ở Tây Âu và Bắc Mĩ. Trong khi mới vài năm trước đây thôi, người Mĩ và người Âu vẫn đang cố sức tự do hóa Iraq và Lybia với cái giá của súng đạn, thì nay nhiều người ở Kentucky và Yorkshire xem tầm nhìn tự do ấy là không đáng có hoặc không thể đạt được. Một số người bắt đầu thấy yêu thích thế giới tôn ti xưa kia, và chỉ muốn từ bỏ những đặc quyền về chủng tộc, quốc gia hay giới tính của mình. Những người khác thì kết luận (dù đúng hoặc sai) rằng tự do hóa và toàn cầu hóa là một âm mưu khủng khiếp nhằm cấp thêm quyền lực cho một nhúm nhỏ giới thượng lưu với cái giá phải trả của đông đảo quần chúng lao động.

Năm 1938 loài người đứng trước ba câu chuyện toàn cầu để lựa chọn, năm 1968 giảm xuống còn hai, năm 1998 còn một câu chuyện duy nhất chiếm ưu thế; năm 2018 chúng ta chẳng còn gì để chọn. Chẳng có gì bất ngờ khi mà giới thượng lưu tự do, những người thống trị phần lớn thế giới trong những thập niên gần đây, đã bước vào trạng thái sốc và mất phương hướng. Có một câu chuyện là tình huống vững lòng nhất của tất cả mọi người. Mọi thứ đều hoàn toàn rõ ràng. Đột ngột bị bỏ lại chẳng còn câu chuyện nào là thứ khủng khiếp. Không còn thứ gì có nghĩa lí cả. Có chút giống với giới thượng lưu Liên Xô hồi thập niên 1980, những người theo chủ nghĩa tự do không hiểu nổi lịch sử đã đi chệch hướng như thế nào khỏi tiến trình tiền định của nó, và họ thiếu một lăng kính thay thế để lí giải thực tại. Mất phương hướng khiến họ suy nghĩ theo hướng khải huyền, cứ như thể lịch sử thất bại, không đưa đến kết thúc có hậu như người ta đã hình dung chỉ có thể là nó đang dẫn tới Armageddon (Theo Kinh Tân ước, Armegaddon là trận chiến cuối cùng giữa thánh thần và ác quỷ trước Ngày Phán xét - ND). Không thể tiến hành kiểm tra thực tại nên tâm trí cứ bám chặt lấy các kịch bản thảm khốc. Giống như một người hoang tưởng một con đau đầu dữ dội báo hiệu một khối u não giai đoạn cuối, nhiều người theo chủ nghĩa tự do lo sợ rằng Brexit và Donald Trump đắc cử sẽ báo trước sự tận diệt của nền văn minh nhân loại.

Từ diệt muỗi đến diệt các ý tưởng

Cảm giác mất phương hướng và ngày tận thế đang cận kề trở nên trầm trọng hơn bởi tốc độ tăng dần của sự đỗ vỡ công nghệ. Hệ thống chính trị tự do đã định hình trong thời đại công nghiệp để chế ngự một thế giới gồm các động cơ hơi nước, các máy lọc dầu và các máy thu truyền hình. Nó khó mà đương đầu với những cuộc cách mạng đang diễn ra về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.

Cả chính trị gia lẫn cử tri hầu như không thể lĩnh hội được các công nghệ mới, chứ đừng nói việc điều hòa tiềm năng bùng nổ của chúng. Kể từ những năm 1990 Internet đã làm thay đổi thế giới có lẽ nhiều hơn bất kì yếu tố nào khác, nhưng cuộc cách mạng Internet được dẫn dắt bởi các kĩ sư chứ không phải các đảng phái chính trị. Bạn có bao giờ bỏ phiếu cho Internet không? Hệ thống dân chủ vẫn đang vật vã để hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, và nó khó mà đương đầu với những cú sốc tiếp theo, ví dụ như sự trỗi dậy của AI và cuộc cách mạng blockchain.

Ngày nay, các máy tính đã làm cho hệ thống tài chính phức tạp đến nỗi ít người có thể hiểu nỗi nó. Khi AI cải tiến, chúng ta có thể sẽ sớm chạm tới mức khi mà không còn ai có thể hiểu được tài chính nữa. Liệu khi ấy tiến trình chính trị sẽ như thế nào? Bạn có thể hình dung một chính phủ nhún nhường chờ đợi một thuật toán phê chuẩn ngân sách của nó và chính sách thuế mới của nó hay không? Trong khi đó, các mạng blockchain ngang hàng và tiền tệ mã hóa như bitcoin có thể làm biến đổi hoàn toàn hệ thống tiền tệ, thế nên các chính sách thuế cấp tiến là không thể tránh khỏi. Ví dụ, việc đánh thuế đồng đô la có thể không còn khả thi hoặc hợp lí nữa, bởi vì đa số các giao dịch sẽ không liên quan đến sự đổi chác rõ ràng của đồng tiền quốc gia, hay bất kì đồng tiền nào khác. Do đó, các chính phủ có thể phải phát minh ra những chính sách thuế hoàn toàn mới – có lẽ là đánh thuế trên thông tin (thứ vừa là tài sản quan trọng nhất trong nền kinh tế, vừa là thứ duy nhất được đổi chác trong vô số giao dịch). Liệu hệ thống chính trị sẽ xoay sở kịp để đương đầu với khủng hoảng trước khi nó cạn kiệt tiền nong hay không?

Quan trọng hơn nữa, cuộc cách mạng song hành về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học có thể cấu trúc lại không chỉ các nền kinh tế và các xã hội mà cả cơ thể và tâm trí của chúng ta nữa. Ngày xưa, loài người chúng ta đã biết cách kiểm soát thế giới bên ngoài chúng ta, nhưng chúng ta kiểm soát được rất ít thế giới bên trong mình. Chúng ta biết cách xây đập và chặn dòng chảy của con sông, nhưng chúng ta không biết làm thế nào để cơ thể ngừng lão hóa. Chúng ta biết cách thiết kế một hệ thống tưới tiêu, nhưng chúng ta chẳng biết làm thế nào thiết kế một bộ não. Nếu mấy con muỗi bay vo ve lỗ tai chúng ta và làm phiền giấc ngủ của chúng ta, chúng ta biết cách diệt muỗi; nhưng nếu một suy nghĩ vo ve trong tâm trí chúng ta và khiến chúng ta mất ngủ cả đêm, thì phần lớn chúng ta chẳng biết làm thế nào tiêu diệt suy nghĩ ấy cả.

Các cuộc cách mạng về công nghệ sinh học và công nghệ thông tin sẽ đem lại cho chúng ta quyền kiểm soát thế giới bên trong mình, và sẽ cho phép chúng ta sắp đặt và can thiệp kĩ thuật vào sự sống. Chúng ta sẽ học cách thiết kế não, kéo dài sự sống, và tiêu diệt các ý tưởng tùy thích. Chẳng ai biết các hệ lụy sẽ ra sao. Con người luôn giỏi phát minh ra các công cụ hơn là sử dụng chúng một cách rộng rãi. Khống chế một con sông bằng cách xây một con đặp chặn dòng nó thì dễ dàng hơn nhiều so với việc dự đoán mọi hệ quả phức tạp mà hành động này sẽ đem lại đối với hệ sinh thái toàn vùng. Tương tự, việc định hướng lại dòng suy nghĩ của chúng ta thì dễ dàng hơn nhiều so với dự đoán xem nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với tâm lí cá nhân của chúng ta hay đối với hệ thống xã hội của chúng ta.

Trước đây, chúng ta đã có được quyền năng kiểm soát thế giới xung quanh mình và định hình lại toàn bộ hành tinh, nhưng bởi vì chúng ta không hiểu sự phức tạp của hệ sinh thái toàn cầu, nên các biến đổi mà chúng ta gây ra vô hình chung đã phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái và ngày nay chúng ta đối mặt với sự suy thoái sinh thái. Trong thế kỉ sắp tới, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin sẽ đem lại cho chúng ta quyền năng kiểm soát thế giới bên trong chúng ta và định hình lại chính chúng ta, nhưng bởi vì chúng ta không hiểu sự phức tạp của tâm trí mình, nên các biến đổi mà chúng ta sẽ gây ra có thể gây hại đối với hệ thống tinh thần của chúng ta đến mức nó cũng có thể bị sụp đổ.

Những cuộc cách mạng về công nghệ sinh học và công nghệ thông tin được thực hiện bởi các kĩ sư, các chủ doanh nghiệp và các nhà khoa học, những người biết rất rõ về các hàm ý chính trị của những quyết định của họ, và chắc chắn họ chẳng đại diện cho ai cả. Các quốc hội và các đảng phái có thể đại diện cho ai khi giơ tay bỏ phiếu hay không? Hiện tại thì có vẻ như không. Sự đỗ vỡ công nghệ còn không phải thứ quan trọng trên chương trình nghị sự. Vậy nên trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Mĩ năm 2016, ám chỉ chính đối với sự đỗ vỡ công nghệ là về sự cố email của Hillary Clinton,3 và bất chấp cả buổi tranh luận về tình trạng thất nghiệp, chẳng ứng cử viên nào giải quyết được tác động tiềm tàng của sự tự động hóa. Donald Trump cảnh báo cử tri rằng người Mexico và người Trung Quốc sẽ cuỗm mất việc làm của họ, và do đó họ nên xây một bức tường trên đường biên giới Mexico.4 Ông không hề cảnh báo cử tri rằng các thuật toán sẽ lấy mất việc làm của họ, ông cũng chẳng đề xuất xây dựng một tường lửa trên đường biên giới California.

Đây có thể là một trong các lí do (dù không phải lí do duy nhất) vì sao ngay cả các cử tri ở trung tâm của phương Tây tự do cũng đang mất niềm tin vào câu chuyện tự do và vào tiến trình dân chủ. Những người bình thường có lẽ không hiểu trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học, nhưng họ có thể cảm nhận được tương lai đang trôi qua trước mắt. Vào năm 1938, điều kiện sống của người bình dân ở Liên Xô, Đức hay ở Mĩ có thể thật ác nghiệt, nhưng anh ta cứ liên tục được bảo rằng anh ta là thứ quan trọng nhất trên thế giới, và rằng anh ta là tương lai (tất nhiên, miễn anh ta là “một người bình thường” chứ không phải người Do Thái hay người châu Phi). Anh ta nhìn vào các tấm áp phích tuyên truyền – chúng thường miêu tả các công nhân khai mỏ than, các công nhân ngành thép và các bà nội trợ trong những tư thế kiêu hùng – và nhìn thấy anh ta trong đó: “Tôi có mặt trong tấm áp phích đó! Tôi là anh hùng của tương lai!”5

Vào năm 2018 người bình dân ấy ngày càng cảm thấy không hợp thời. Rất nhiều từ ngữ bí hiểm được bàn tán sôi nổi trong các buổi nói chuyện TED, các nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ và các hội nghị công nghệ cao – toàn cầu hóa, blockchain, kĩ thuật di truyền, trí tuệ nhân tạo, học máy – và người bình dân có thể ngờ ngợ rằng chẳng có từ nào trong số này đang nói về họ hết. Câu chuyện tự do là câu chuyện của người bình thường. Làm thế nào nó vẫn có thể hợp thời đối với một thế giới của người máy sinh học và các thuật toán nối mạng?

Vào thế kỉ hai mươi, quần chúng nổi dậy chống lại sự bóc lột, và tìm cách phiên dịch vai trò thiết yếu của họ trong nền kinh tế thành quyền lực chính trị. Ngày nay quần chúng lo sợ không hợp thời, cho nên họ điên cuồng sử dụng quyền lực chính trị còn lại của mình trước khi mọi thứ quá trễ. Brexit và sự trỗi dậy của Trump do đó chứng minh cho một quỹ đạo đối nghịch với quỹ đạo của những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa truyền thống. Các cuộc cách mạng Nga, Trung Hoa và Cuba được tiến hành bởi những người thiết yếu đối với nền kinh tế, nhưng họ thiếu quyền lực chính trị; năm 2016, Trump và Brexit được ủng hộ bởi nhiều người yêu thích quyền lực chính trị nhưng lại sợ rằng họ đang đánh mất giá trị kinh tế của mình. Có lẽ trong thế kỉ hai mươi mốt, những cuộc nổi dậy của quần chúng không phải để chống lại giới thượng lưu kinh tế bóc lột người, mà là chống lại giới thượng lưu kinh tế không cần họ nữa.6 Hẳn đây sẽ là một trận chiến thua cuộc. Vật lộn sao cho không bị lỗi thời thì khó hơn rất nhiều so với chống bóc lột.

Cánh chim tự do

Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện tự do đối mặt trước sự khủng hoảng lòng tin. Kể từ khi câu chuyện này giành được tầm ảnh hưởng toàn cầu, vào nửa sau thế kỉ mười chín, nó đã kinh qua nhiều lần khủng hoảng đều đặn. Thời kì thứ nhất của toàn cầu hóa và tự do hóa kết thúc trong bể máu của Thế chiến Thứ nhất, khi quyền lực chính trị đế quốc chặn đứng dòng chảy tiến bộ toàn cầu. Trong vài ngày sau vụ ám sát thái tử Áo Franz Ferdinand ở Sarajevo, hóa ra những quyền lực to lớn ấy tin vào chủ nghĩa đế quốc hơn nhiều so với chủ nghĩa tự do, và thay vì thống nhất thế giới thông qua thỏa thuận tự do và hòa bình, họ tập trung vào việc xâm chiếm một miếng to hơn của thế giới bằng sức mạnh bạo tàn. Thế nhưng chủ nghĩa tự do đã sống sót sau sự kiện Franz Ferdinand này và đi ra khỏi cơn giông bão với sức mạnh còn lớn hơn trước đó, hứa hẹn rằng đây là “cuộc chiến kết thúc mọi cuộc chiến”. Thế đấy, vụ giết người chưa có tiền lệ ấy đã dạy cho loài người bài học về cái giá khủng khiếp của chủ nghĩa đế quốc, và nay loài người cuối cùng đã sẵn sàng lập ra một trật tự thế giới mới dựa trên các nguyên tắc tự do và hòa bình.

Rồi đến sự kiện Hitler, khi, vào thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, chủ nghĩa phát xít dường như là không thể cưỡng nổi. Việc chiến thắng mối đe dọa này chỉ dọn đường cho mối đe dọa tiếp theo. Trong sự kiện Che Guavara, giữa thập niên 1950 và 1970, một lần nữa có vẻ như chủ nghĩa tự do sắp chùn bước, và tương lai thuộc về chủ nghĩa cộng sản. Cuối cùng thì chính chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Siêu thị tỏ ra còn mạnh hơn cả Gulag (hệ thống trại cải tạo lao động thời Liên Xô-ND). Quan trọng hơn, câu chuyện tự do đã tỏ ra bền bỉ và năng động hơn nhiều so với bất kì đối thủ nào của nó. Nó đã chiến thắng chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, và chủ nghĩa cộng sản bằng cách chấp nhận và thực hiện một số ý tưởng và thực tiễn tốt nhất của nó. Đặc biệt, câu chuyện tự do đã học hỏi từ chủ nghĩa cộng sản để mở rộng vòng cảm thông và định giá đúng sự bình đẳng bên cạnh sự tự do.

Lúc khởi đầu, câu chuyện tự do chủ yếu quan tâm đến sự tự do và các đặc quyền của giới đàn ông trung lưu châu Âu, và dường như mù điếc trước khốn cảnh của người lao động, phụ nữ, những kẻ thấp cổ bé họng và những người không phải dân Tây phương. Khi vào năm 1918 nước Anh và nước Pháp chiến thắng hào hứng nói về sự tự do, họ đâu nghĩ tới các vấn đề của đế chế toàn cầu của họ. Ví dụ, những người Ấn Độ đòi quyền tự quyết đã được đáp lại bởi vụ thảm sát Amritsar vào năm 1919, khi ấy quân đội Anh đã giết hàng trăm người tuần hành không có vũ trang.

Ngay cả khi nổ ra Thế chiến Thứ hai, những người tự do Tây phương vẫn có một thời gian rất khó khăn để áp đặt các giá trị được cho là tự do phổ quát của họ cho những người phi Tây phương. Bởi thế, khi Hà Lan ngoi dậy vào năm 1945 sau năm năm bị Đức Quốc xã chiếm đóng tàn bạo, gần như việc đầu tiên họ làm là chỉnh đốn quân đội và đưa quân đi nửa vòng Trái Đất chiếm giữ lại cựu thuộc địa Indonesia của họ. Trong khi vào năm 1940 người Hà Lan đã từ bỏ nền độc lập của họ sau có hơn bốn ngày chiến đấu, vậy mà họ đánh đấm hơn bốn năm ròng đằng đẵng và cay đắng để đàn áp nền độc lập Indonesia. Chẳng lạ gì khi mà nhiều phong trào quốc gia tự do trên khắp thế giới đặt hi vọng của họ vào chủ nghĩa cộng sản Moscow và Bắc Kinh hơn là các nhà vô địch tự xưng về quyền tự do ở phương Tây.

Tuy nhiên, dần dà câu chuyện tự do đã mở rộng các chân trời của nó, và ít nhất trên lí thuyết nó đã định giá đúng sự tự do và quyền của mọi giống loài người không miễn trừ ai. Khi vòng tròn tự do mở rộng, câu chuyện tự do cũng ghi nhận tầm quan trọng của các chương trình phúc lợi kiểu cộng sản. Tự do chẳng đáng giá gì nhiều trừ khi nó gắn liền với một loại mạng lưới an toàn xã hội nào đó. Các nhà nước phúc lợi dân chủ-xã hội kết hợp nền dân chủ và quyền con người với nền giáo dục và chăm sóc y tế do nhà nước bảo trợ. Ngay cả nước Mĩ cực kì tư bản chủ nghĩa cũng nhận thấy rằng việc bảo vệ tự do đòi hỏi ít nhất một số dịch vụ phúc lợi nhà nước nào đó. Trẻ em chết đói thì không có tự do gì hết.

Vào đầu thập niên 1990, các nhà tư tưởng và chính trị gia đều nhất loạt reo hò “Cái kết của Lịch sử”, họ quả quyết khăng khăng rằng mọi câu hỏi lớn về chính trị và kinh tế của quá khứ đều đã được giải quyết, và rằng gói tự do tân trang bao gồm nền dân chủ, quyền con người, thị trường tự do và các dịch vụ phúc lợi nhà nước là kẻ chơi duy nhất còn lại trên sân. Gói này có vẻ nhắm tới lan tỏa khắp thế giới, vượt qua mọi chướng ngại, xóa nhòa mọi biên giới quốc gia, và biến loài người thành một cộng đồng tự do toàn cầu.7

Thế nhưng lịch sử vẫn chưa kết thúc, và sau sự kiện Franz Ferdinand, sự kiện Hitler, và sự kiện Che Guevara, bây giờ chúng ta lại tìm thấy chính mình ở sự kiện Trump. Tuy nhiên, lần này, câu chuyện tự do không phải đối mặt với một đối thủ ý thức hệ chặt chẽ như chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít, hay chủ nghĩa cộng sản. Sự kiện Trump mang tính vô chính phủ hơn nhiều.

Trong khi những phong trào lớn của thế kỉ hai mươi thảy đều có tầm nhìn cho toàn bộ chủng loài người – để thống trị toàn cầu, cách mạng hay giải phóng – thì Donald Trump chẳng đưa ra cái gì giống thế. Thông điệp chính của ông là rằng nhiệm vụ của nước Mĩ chẳng phải là thiết lập và xúc tiến một tầm nhìn toàn cầu nào hết. Tương tự như vậy, những người bỏ phiếu Brexit ở Anh hầu như chẳng có kế hoạch gì cho tương lai của Vương quốc Li khai – tương lai của châu Âu và thế giới nằm xa ngoài chân trời của họ. Đa số mọi người bỏ phiếu cho Trump và Brexit đều không từ chối gói dân chủ ở mặt tổng thể của nó – họ chủ yếu mất lòng tin ở phần toàn cầu hóa của nó mà thôi. Họ vẫn tin vào nền dân chủ, thị trường tự do, quyền con người, và trách nhiệm xã hội, nhưng họ nghĩ những ý tưởng đẹp đẽ này có thể dừng lại ở đường biên giới quốc gia. Thật vậy, họ tin rằng để bảo vệ quyền tự do và của cải ở Yorkshire hay Kentucky, cách tốt nhất là xây một bức tường ở biên giới, và chấp nhận những chính sách phi tự do hướng vào người ngoại quốc.

Siêu cường Trung Hoa đang trỗi dậy thể hiện một hình ảnh gần như ngược lại. Dè dặt tự do hóa các chính sách đối nội của mình, nhưng nó lại chấp thuận một cách tiếp cận tự do hơn nhiều đối với phần còn lại của thế giới. Thật vậy, khi bàn đến mậu dịch tự do và hợp tác quốc tế, Tập Cận Bình trông na ná như người kế thừa đích thực của Obama. Gác lại chủ nghĩa Max-Lenin vào quá khứ, Trung Hoa có vẻ khá hài lòng với trật tự quốc tế tự do.

Nước Nga hồi sinh tự thấy mình là một đối thủ nặng kí hơn nhiều của trật tự tự do toàn cầu, nhưng dẫu cho nó đã tái thiết quân đội đi nữa, thì nó đã phá sản về mặt ý thức hệ. Vladimir Putin chắc chắc nổi tiếng ở Nga lẫn các phong trào cánh hữu trên khắp thế giới, nhưng ông chẳng có tầm nhìn thế giới toàn cầu nào có thể thu hút những người Tây Ban Nha thất nghiệp, người Brazil bất bình hay các sinh viên mắt hau háu ở Cambridge.

Nước Nga đưa ra một mô hình thay thế cho nền dân chủ tự do, nhưng mô hình này không phải một lí tưởng chính trị chặt chẽ. Thay vậy, nó là một thực tiễn chính trị trong đó một số đầu sỏ chính trị giữ độc quyền phần lớn tài sản và quyền lực của đất nước, và rồi sử dụng quyền kiểm soát của họ đối với lĩnh vực truyền thông để che đậy các hoạt động của họ và lấp liếm quyền lực của họ. Nền dân chủ dựa trên nguyên tắc Abraham Lincoln rằng “bạn có thể lừa mọi người một vài lần, và lừa một số người hết mọi lần, nhưng bạn không thể lừa tất cả mọi người hết mọi lần”. Giả sử một chính phủ tham nhũng và không cải thiện được đời sống người dân, thì sẽ có đủ công dân cuối cùng nhìn thấy điều này và lật đổ chính phủ đó. Nhưng việc chính phủ kiểm soát truyền thông làm xói mòn logic của Lincoln, vì nó ngăn chặn các công dân nhìn ra sự thật. Thông qua sự độc quyền của nó đối với truyền thông, kẻ độc tài thống trị có thể gắp lửa bỏ tay người hết lần này đến lần khác, và lèo lái sự chú ý sang những hiểm họa từ bên ngoài – hoặc có thật hoặc chỉ là tưởng tượng.

Khi bạn sống dưới một chế độ độc tài như thế, sẽ luôn luôn có khủng hoảng gì đó hay cái gì đó khác giành mất phần ưu tiên hơn thứ nhàm chán như là chăm sóc sức khỏe hay tình trạng ô nhiễm. Giả sử quốc gia đang đối mặt trước nạn ngoại xâm hay lật đổ tàn bạo, thì ai có thời gian đâu mà lo lắng về các bệnh viện quá tải và những con sông đầy ô nhiễm nữa chứ? Bằng cách tạo ra một dòng khủng hoảng không dứt, một kẻ độc tài tham nhũng có thể kéo dài sự trị vì của hắn vô thời hạn.8

Dù rằng tồn tại trên thực tế, nhưng mô hình độc tài này chẳng thu hút được ai. Không giống những ý thức hệ khác tự hào mở rộng tầm nhìn của chúng, các chế độ độc tài thống trị chẳng tự hào gì về thực tiễn của chúng, và chúng có xu hướng sử dụng những ý thức hệ khác làm bình phong. Ấy thế mà nước Nga giả vờ như một nền dân chủ, và lãnh đạo của nó tuyên bố trung thành với các giá trị của chủ nghĩa dân tộc Nga và Ki-tô giáo chính thống chứ đâu có chịu nhận là độc tài. Những kẻ cực đoan cánh hữu ở Pháp và Anh có thể nhờ vào sự giúp đỡ của Nga và thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Putin, mặc dù các cử tri của họ đâu có muốn sống trong một đất nước thật ra là bản sao của mô hình Nga – một đất nước với tình trạng tham nhũng đặc hữu, các dịch vụ không ra gì, không có luật pháp, và bất bình đẳng khủng khiếp. Theo một số thước đo, Nga là một trong những nước bất bình đẳng nhất trên thế giới, với 87 phần trăm của cải tập trung trong tay của 10 phần trăm người giàu nhất.9 Liệu có bao nhiêu người lao động ủng hộ Mặt trận Quốc gia muốn sao chép kiểu phân phối của cải như thế này ở Pháp?

Con người bỏ phiếu bằng chân. Trong các chuyến du lịch của tôi khắp thế giới tôi đã gặp vô số người ở nhiều quốc gia mong muốn di cư sang Mĩ, sang Đức, sang Canada hoặc sang Australia. Tôi từng gặp một ít người muốn di cư sang Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Nhưng tôi chưa từng gặp một người nào ước muốn di cư sang Nga.

Như với “nền Hồi giáo toàn cầu”, nó chủ yếu thu hút những ai sinh ra trong vùng phủ giáo của nó. Trong khi nó có thể thu hút một số người ở Sirya và Iraq, và cả những người Hồi giáo trẻ tuổi bị kì thị ở Đức và Anh, nhưng thật khó mà thấy Hi Lạp hay Nam Phi – chứ đừng nói Canada hay Hàn Quốc – gia nhập vào một khalifah toàn cầu như một cứu cánh cho những vấn đề của họ. Trong trường hợp này người ta cũng bỏ phiếu bằng chân. Ứng với mỗi người trẻ đạo Hồi ở Đức đi Trung Đông để sống dưới một nhà nước Hồi giáo, có lẽ cả trăm người trẻ Trung Đông sẽ thích làm chuyến đi ngược lại, và bắt đầu một cuộc sống mới cho bản thân họ ở nước Đức tự do.

Điều này có lẽ gợi ý rằng cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay ít nghiêm trọng hơn những đợt khủng hoảng trước đây. Bất kì người tự do nào thất vọng trước các sự kiện của vài năm trở lại đây chỉ cần nhớ lại rằng mọi thứ đã tệ hơn rất nhiều hồi năm 1918, 1938 hoặc 1968. Đến cuối cùng, loài người rồi sẽ chẳng từ bỏ câu chuyện tự do, vì đâu còn lựa chọn nào khác. Người ta có thể đá xoáy hệ thống một cú giận dữ vào bụng nhưng, còn nơi nào để đi nữa đâu, cuối cùng người ta sẽ quay về thôi.

Hoặc là, người ta có thể hoàn toàn từ bỏ việc có một câu chuyện toàn cầu dẫu thuộc bất kì thể loại nào, và thay vậy họ tìm cách nương náu với chủ nghĩa quốc gia cục bộ và các câu chuyện tôn giáo. Vào thế kỉ hai mươi, các phong trào dân tộc chủ nghĩa là một tay chơi chính trị cực kì quan trọng, nhưng họ thiếu một cái nhìn chặt chẽ về tương lai của thế giới chứ không ủng hộ sự phân chia thế giới thành những nhà nước độc lập. Vì thế, chủ nghĩa dân tộc Indonesia chiến đấu chống lại sự thống trị của người Hà Lan, và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam muốn một Việt Nam tự do, nhưng không có một câu chuyện Indonesia hay Việt Nam cho toàn thể nhân loại. Khi đến lúc lí giải Indonesia, Việt Nam và mọi quốc gia tự do khác nên thiết lập quan hệ với nhau như thế nào, và loài người nên xử lí như thế nào với các vấn đề toàn cầu như hiểm họa chiến tranh hạt nhân, chủ nghĩa dân tộc lúc nào cũng biến thành hoặc là ý tưởng tự do hoặc là lí tưởng cộng sản.

Thế nhưng nếu cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản đều mất tín nhiệm, thì lẽ nào loài người sẽ từ bỏ ý tưởng về một câu chuyện toàn cầu duy nhất? Xét cho cùng, lẽ nào những câu chuyện toàn cầu này – cả chủ nghĩa cộng sản nữa – không phải là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc phương Tây hay sao? Vì sao các dân làng Việt Nam lại đặt niềm tin của họ vào con đẻ của một người Đức xứ Trier và một nhà tư bản công nghiệp Manchester? Lẽ nào mỗi quốc gia nên đi theo một con đường đặc trưng riêng, được định đoạt bởi các truyền thống cổ xưa của riêng nó? Có lẽ cả những người phương Tây cũng nên dừng đôi chút cái việc cố khống chế thế giới, và tập trung vào những việc nội bộ của họ nhằm có sự đổi mới chăng?

Đây được cho là cái đang xảy ra trên toàn cầu, vì khoảng trống để lại bởi sự sụp đổ của chủ nghĩa tự do được lấp dần từng chút một bởi những hồi tưởng luyến tiếc về một quá khứ vàng son cục bộ nào đó. Donald Trump kết hợp lời kêu gọi của ông cho chủ nghĩa biệt lập Mĩ với một lời hứa “Làm Cho Nước Mĩ Vĩ Đại Trở Lại” – cứ như thể nước Mĩ thập niên 1980 hay 1950 là một xã hội hoàn hảo mà bằng cách nào đó người Mĩ nên tái thiết lại trong thế kỉ hai mươi mốt. Những người Brexit mơ tới việc biến nước Anh thành một cường quốc độc lập, như thể họ vẫn đang sống trong thời đại Nữ hoàng Victoria và như thể “biệt lập lung linh” là một chính sách khả thi cho kỉ nguyên Internet và ấm lên toàn cầu. Giới thượng lưu Trung Hoa đã khám phá lại các di sản đế quốc bản địa và Nho giáo của họ, lấy đó làm một bổ sung hoặc thậm chí một thay thế cho lí tưởng Mác-xít đáng ngờ mà họ du nhập từ Tây phương. Ở Nga, tầm nhìn chính thức của Putin không phải là xây dựng một chế độ độc tài tham nhũng, mà là làm sống lại đế quốc sa hoàng xưa kia. Một thế kỉ sau Cách mạng Bolshevik, Putin hứa hẹn hồi phục những ánh hào quang sa hoàng xưa kia với một chính phủ chuyên chế nương nhờ chủ nghĩa dân tộc Nga và lòng mộ đạo Chính thống giáo truyền bá sức mạnh của nó từ biển Baltic đến dãy Caucasus.

Những giấc mơ hoài niệm tương tự pha trộn chủ nghĩa quốc gia với các truyền thống tôn giáo là cơ sở của các chế độ ở Ấn Độ, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kì và vô số quốc gia khác. Chẳng ở nơi đâu những luyến nhớ này cực đoan hơn ở Trung Đông, nơi các tín đồ Hồi giáo mong mốn sao chép hệ thống do nhà tiên tri Muhammad thiết lập ở thị thành Medina hồi 1.400 năm về trước, trong khi những người Do Thái theo trào lưu chính thống còn vượt mặt các tín đồ Hồi giáo, và mơ quay về 2.500 năm đến thời kinh thánh. Các thành viên chính phủ liên minh cầm quyền của Israel nói không úp mở về hi vọng của họ muốn mở rộng đường biên giới hiện nay của Israel cho khớp với đường biên giới của Israel thời kinh thánh, muốn phục hồi luật kinh thánh, và thậm chí xây dựng lại ngôi đền cổ Yahweh ở Jerusalem thế chỗ giáo đường Al-Aqsa.10

Giới thượng lưu tự do nhìn kính nể những phát triển này, và hi vọng rằng loài người sẽ quay về con đường tự do đúng lúc để ngăn ngừa thảm họa. Trong bài phát biểu cuối cùng của ông trước Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín năm 2016, tổng thống Obama cảnh báo những người nghe nên chống lại việc tháo lui “vào một thế giới bị phân chia mạnh mẽ, và cuối cùng là xung đột, theo những đường biên xưa cũ của quốc gia và bộ tộc, và chủng tộc và tôn giáo”. Thay vậy, ông nói, “các nguyên tắc của thị trường tự do và quản trị có trách nhiệm, của nền dân chủ và quyền con người và luật pháp quốc tế… vẫn là nền tảng vững chãi nhất cho sự tiến bộ của loài người trong thế kỉ này”.11

Obama đã đúng khi chỉ ra rằng bất chấp vô vàn thiếu sót của gói tự do, nó vẫn có kỉ lục tốt hơn nhiều so với bất kì gói thay thế nào khác. Đa số loài người chưa từng hưởng thụ nền hòa bình và thịnh vượng hơn cái họ được hưởng dưới sự bảo hộ của trật tự tự do vào đầu thế kỉ hai mươi mốt. Lần đầu tiên trong lịch sử, số người chết vì bệnh truyền nhiễm ít hơn số người chết già, số người chết đói ít hơn số người chết vì béo phì, và số người chết vì bạo lực ít hơn số người chết vì tai nạn giao thông.

Thế nhưng chủ nghĩa tự do chẳng có giải đáp rõ ràng nào cho những vấn đề lớn nhất mà chúng ta đối mặt: sự suy thoái sinh thái và đỗ vỡ công nghệ. Chủ nghĩa tự do vốn dựa trên tăng trưởng kinh tế để giải quyết thần kì các mâu thuẫn xã hội và bất đồng chính trị. Chủ nghĩa tự do dung hòa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản, các tín hữu với người vô thần, người bản xứ với người di dân, và người châu Âu với người châu Á bằng cách hứa hẹn rằng mỗi người sẽ có một lát bánh lớn hơn. Với một cái bánh không ngừng tăng trưởng, điều đó là có thể. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế sẽ không cứu được hệ sinh thái toàn cầu – mà đúng là ngược lại, nó là nguyên nhân gây khủng hoảng sinh thái. Và tăng trưởng kinh tế sẽ không giải quyết được sự đỗ vỡ công nghệ – mà nó dựa vào việc phát minh ra những công nghệ ngày càng phức tạp hơn.

Câu chuyện tự do và logic của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do khuyến khích người ta có những kì vọng to lớn. Trong nửa sau thế kỉ hai mươi, mỗi thế hệ – dù là ở Houston, Thượng Hải, Istanbul hay São Paulo – hưởng thụ nền giáo dục tốt hơn, sự chăm sóc sức khỏe ưu việt hơn và thu nhập cao hơn thế hệ ra đời trước đó. Tuy nhiên, trong các thập niên tới, do sự kết hợp của sự đỗ vỡ công nghệ và khủng hoảng sinh thái, thế hệ trẻ hơn có thể sẽ may mắn nếu vẫn được giậm chân tại chỗ.

Vì thế, chúng ta còn lại nhiệm vụ sáng tạo một câu chuyện cập nhật cho thế giới. Cũng như các biến động của Cách mạng Công nghiệp đã đưa đến sự ra đời của những ý thức hệ mới lạ của thế kỉ hai mươi, các cuộc cách mạng sắp tới về công nghệ sinh học và công nghệ thông tin có khả năng đòi hỏi những tầm nhìn tươi mới. Các thập niên sắp tới do đó sẽ được đặc trưng bởi sự tìm kiếm hồn phách dữ dội và bởi việc thiết lập các mô hình xã hội và chính trị mới. Liệu chủ nghĩa tự do có tự phát minh lại chính nó lần nữa hay không, y hệt như nó đã làm trong sự trỗi dậy của các cuộc khủng hoảng hồi thập niên 1930 và 1960, xuất hiện trở lại còn hấp dẫn hơn cả trước đó nữa? Liệu tôn giáo truyền thống và chủ nghĩa dân tộc có đem lại các giải đáp thoát li khỏi những người tự do hay không, và họ có thể sử dụng sự thông thái xa xưa để đánh bóng thành một thế giới quan cấp tiến hay không? Hay có lẽ đã đến lúc đoạn tuyệt hẳn với quá khứ, và bịa ra một câu chuyện hoàn toàn mới không chỉ vượt ngoài tầm các vị thần và quốc gia xưa cũ, mà còn vượt cả các giá trị hiện đại cốt lõi về tự do và bình đẳng?

Hiện tại, loài người còn lâu mới đạt tới sự đồng thuận về những câu hỏi này. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn vô chính phủ của sự vỡ mộng và giận dữ, sau khi người ta đánh mất lòng tin vào những câu chuyện xưa cũ nhưng vẫn chưa túm được một câu chuyện mới. Vậy tiếp theo sẽ là gì? Bước tiếp theo là xua tan đi những lời tiên tri về tận thế, và chuyển từ mốt hoảng loạn sang hoang mang. Hoảng loạn là một hình thức kiêu căng. Nó phát sinh từ cảm giác thiển cận rằng tôi biết đích xác thế giới đang tiến về đâu – sụp đổ chứ đâu. Hoang mang thì khiêm nhường hơn, vì thế mà sáng mắt hơn. Giả sử bạn cảm thấy muốn chạy ra đường kêu trời than khóc “Tai ương đang giáng xuống chúng ta!”, hãy cố tự nhủ mình, “Không, không phải thế. Sự thật là, tôi đúng là chẳng hiểu cái quái gì đang xảy ra trên thế giới.”

Các chương tiếp theo sẽ cố làm sáng tỏ một số khả năng hoang mang mới mà chúng ta đối mặt, và cách chúng ta hành động từ ngay đây. Nhưng trước khi khám phá những giải pháp tiềm năng cho những bất ổn của nhân loại chúng ta cần nắm bắt tốt hơn các thách thức mà công nghệ đem lại. Các cuộc cách mạng về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học vẫn còn trong giai đoạn trứng nước của chúng, và điều gây tranh cãi là thật ra chúng chịu trách nhiệm đến chừng mực nào đối với cuộc khủng hoảng hiện nay của chủ nghĩa tự do. Đa số dân chúng ở Birmingham, Istanbul, St Petersburg và Mumbai chỉ ý thức được lờ mờ, nếu có, về sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và tác động tiềm tàng của nó đối với cuộc sống của họ. Tuy nhiên, điều không thể nghi ngờ là các cuộc cách mạng công nghệ sẽ có thêm động lực trong vài thập niên tới, và sẽ khiến loài người phải đối mặt với những thử thách gian nan nhất mà chúng ta từng gặp. Bất kì câu chuyện nào hòng giành lấy lòng trung thành của loài người đều sẽ được kiểm tra trước tiên ở khả năng của nó đương đầu với hai cuộc cách mạng song hành về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Giả sử chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc, Hồi giáo hay một tín ngưỡng mới lạ nào đó muốn nhào nặn thế giới của năm 2050, thì nó không chỉ phải hiểu trí tuệ nhân tạo, các thuật toán Dữ liệu Lớn và kĩ thuật sinh học – mà nó còn phải tích hợp chúng thành một câu chuyện kể có ý nghĩa mới.

Để hiểu được bản chất của thách thức công nghệ này, có lẽ tốt hơn hết là nên bắt đầu với thị trường việc làm. Kể từ năm 2015, tôi đã đi du lịch khắp thế giới nói chuyện với các viên chức nhà nước, người kinh doanh, các nhà hoạt động xã hội và học sinh về sự khó khăn của loài người. Hễ khi nào họ bắt đầu hết kiên nhẫn hay nhàm chán vì cả buổi nói về trí tuệ nhân tạo, các thuật toán Dữ liệu Lớn và kĩ thuật sinh học, thường tôi chỉ cần nhắc đúng một từ là khiến họ tỉnh người chú ý ngay: việc làm. Cuộc cách mạng công nghệ có thể sớm đẩy hàng tỉ con người ra khỏi thị trường việc làm, và tạo ra một giai cấp vô dụng mới hết sức đông đảo, dẫn tới những biến động xã hội và chính trị mà không có hệ tư tưởng nào hiện có biết cách xử lí. Cả buổi nói chuyện về công nghệ và ý thức hệ có thể nghe thật trừu tượng và xa vời, thế nhưng viễn cảnh rất thật về sự thất nghiệp hàng loạt – hay mất việc làm cá nhân – không thể khiến ai thờ ơ cho được.

Trích dịch từ 21 Lessons for the 21st Century - Yuval Noah Harari

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm