250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 27)

Hiệp Khách Quậy “Trong tất cả các khám phá và lựa chọn,” nhà bác học Đức Johann Wolfgang von Goethe viết vào năm 1808, “không khám phá nào có tác động to lớn đối với tinh thần nhân loại hơn học thuyết Copernicus. Thế giới vừa vặn trở nên tròn trịa và tự hoàn thiện khi nó từ bỏ đặc quyền nằm tại trung tâm của vũ trụ.... Xin mời đọc tiếp.

Vũ trụ nhật tâm

1543

Nicolaus Copernicus (1473–1543)

“Trong tất cả các khám phá và lựa chọn,” nhà bác học Đức Johann Wolfgang von Goethe viết vào năm 1808, “không khám phá nào có tác động to lớn đối với tinh thần nhân loại hơn học thuyết Copernicus. Thế giới vừa vặn trở nên tròn trịa và tự hoàn thiện khi nó từ bỏ đặc quyền nằm tại trung tâm của vũ trụ. Có lẽ, không bao giờ có yêu cầu nào to lớn hơn thế đối với con người cả - chính vì bởi sự thừa nhận này mà nhiều thứ đã biến mất trong sương khói! Điều gì trở thành khu vườn Eden của chúng ta, thế giới của chúng ta về sự chân thật, lòng mộ đạo và thơ ca; lời thú nhận của các giác quan; sự chắc chắn về một đức tin tôn giáo-thi ca?

Nicolaus Copernicus là cá nhân đầu tiên đưa ra một học thuyết nhật tâm toàn diện đề xuất rằng Trái Đất không nằm tại trung tâm của vũ trụ. Quyển sách của ông, De revolutionibus orbium coelestium (Bàn về sự chuyển động của các quả cầu thiên thể) được xuất bản vào năm 1543, vào năm ông qua đời, và đặt ra học thuyết rằng Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời. Copernicus là nhà toán học, thầy thuốc, và học giả kinh điển người Ba Lan – thiên văn học là thứ ông nghiên cứu trong thời giờ rãnh rỗi của mình – nhưng chính trong lĩnh vực thiên văn học ông đã làm thay đổi thế giới. Học thuyết của ông dựa trên một số giả định: tâm Trái Đất không phải là tâm vũ trụ, khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời là nhỏ bé khi so với khoảng cách đến các sao, và chuyển động thụt lùi biểu kiến của các hành tinh (trong đó chúng dường như tạm dừng lại và đảo hướng vào những lúc nhất định khi nhìn từ Trái Đất) là do chuyển động của Trái Đất gây nên. Mặc dù các quỹ đạo tròn và các vòng ngoại luân của các hành tinh mà Copernicus đề xuất là không đúng, nhưng công trình của ông đã thúc đẩy các nhà thiên văn khác, ví dụ như Johannes Kepler, nghiên cứu các quỹ đạo hành tinh và sau này khám phá ra bản chất elip của chúng.

Thật lí thú, mãi cho đến nhiều năm sau này, vào năm 1616, Giáo hội Thiên Chúa La Mã mới tuyên bố rằng học thuyết nhật tâm của Copernicus là sai và đồng thời đi ngược lại với Kinh Thánh.

Mô hình vũ trụ

Mô hình vũ trụ chạy bằng dây cót là các dụng cụ cơ cho biết vị trí và chuyển động của các hành tinh và vệ tinh trong mô hình nhật tâm về hệ mặt trời. Trong hình là một dụng cụ được chế tạo vào năm 1766 bởi nhà chế tạo thiết bị Benjamin Martin (1704 – 1782) và được nhà thiên văn John Winthrop (1714–1779) dùng để giảng dạy thiên văn học tại Đại học Harvard. Thiết bị trưng bày tại Putnam Gallery ở Trung tâm Khoa học Harvard.

XEM THÊM. Mysterium Cosmographicum (1596), Kính thiên văn (1608), Các định luật Kepler về Chuyển động hành tinh (1609), Đo Hệ Mặt Trời (1672), Kính thiên văn Hubble (1990).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm