Hiệp Khách Quậy Mẩu lông thú cổ xưa nhất từng tìm thấy đã được lấy ra từ một miếng hổ phách 100 triệu năm tuổi. Những lớp vảy trên sợi lông – cung cấp màng bao bảo vệ không thấm nước – giống hệt với lớp vảy tìm thấy trên lông của các loài thú đang sinh sông trên Trái đất ngày nay. Xin mời đọc tiếp.
Mẩu lông thú cổ xưa nhất từng tìm thấy đã được lấy ra từ một miếng hổ phách 100 triệu năm tuổi. Những lớp vảy trên sợi lông – cung cấp màng bao bảo vệ không thấm nước – giống hệt với lớp vảy tìm thấy trên lông của các loài thú đang sinh sông trên Trái đất ngày nay.
Điều này có thể hàm ý rằng cấu trúc của lông thứ vẫn giữ nguyên không đổi trong phần lớn lịch sử tiến hóa của chúng ta, theo lời Romain Vullo tại trường đại học Rennes I ở Pháp, người đã phát hiện ra sợi lông trên. “Có lẽ lông thú đảm đương chức năng của nó quá tốt nên nó không cần phải tiến hóa thêm”.
Sợi lông trong hổ phách, giống hệt như lông của chúng ta. (Ảnh: V. Girard (Senckenberg Museum) & R. Vullo (Géosciences Rennes)) |
Những vết tích của lông thú đã được nhìn thấy trong hai hóa thạch 160 triệu năm tuổi ở Trung Quốc, nhưng đây là mẩu xưa nhất của sợi lông thật sự, và do đó lần đầu tiên các nhà khoa học đã có thể nghiên cứu kiểu vảy trên bề mặt của chúng.
Hóa ra kiểu vảy đó giống hệt như kiểu tìm thấy trên lông thú hiện đại: những hàng vảy xen chồng lên nhau theo một kiểu có trật tự, với mỗi hàng cao chừng 2 đến 8 micromet.
Phát hiện này là “một tiến bộ tuyệt vời”, theo Zhe-Xi Luo, trưởng bộ môn Cổ sinh vật học Có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie ở Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kì. “Nó cho thấy cấu trúc vi mô của lông thú luôn luôn không đổi”.
Vullo phát hiện ra sợi lông bọc hổ phách trên trong mỏ đá Font-de-Benon ở Charente-Maritime, tây nam nước Pháp. Cách đây khoảng 100 triệu năm trước, địa điểm ngày nay là mỏ đá là một khu rừng nhiệt đới tươi tốt.
Việc mổ xẻ “vụ án” cổ đại nơi chủ sở hữu của sợi lông qua đời gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, làm thế nào nhận dạng ra nạn nhân? Sợi lông trên có lẽ thuộc về loài thú nhỏ thuộc nhóm thú có túi. Bốn cái răng phát hiện cũng tại mỏ đá trên đề xuất một ứng cử viên có khả năng: Arcantiodelphys marchandi, một trong những loài thú có túi xưa nhất từng được biết.
Nguyên nhân của cái chết là gì? Vỏ bao nhộng của một con ruồi xanh ăn xác chết phát hiện ở gần bộ lông thú trên khiến George Poinar ở Khoa Động vật học tại trường đại học Bang Oregon ở Corvallis hình dung ra cái chết của sinh vật trên như sau.
“Một con thú đang chạy vòng quanh một cây thông có thể bị dính vào vũng nhựa cây và tiêu tùng”, ông nói. “Khu vực này là vùng nhiệt đới, nên xác con vật phân hủy nhanh chóng, thu hút những con ruồi nhặng ăn xác thối đẻ trứng trên xác con vật trước khi nhựa thông có thể hóa rắn”.
Một khả năng khác, sợi lông trên có lẽ bị nhổ khỏi con vật khi nó cọ mình lên đám nhựa trên một cành cây. “Còn con nhộng có thể là vật đánh lạc hướng”, Poinar nói.
Theo New Scientist