Hôm 11 tháng 7, 2012, các nhà thiên văn sử dụng Kính thiên văn vũ trụ Hubble vừa công bố phát hiện một vệ tinh mới – vệ tinh thứ năm – của hành tinh lùn Pluto. Tên gọi không chính thức là P5, vệ tinh nhỏ xíu này của Pluto có bề ngang chưa tới 25 km. Nó có hình củ khoai tây và, nó quay xung quanh Pluto với một quỹ đạo tròn đường kính 58.000 dặm. Theo nhà hành tinh học Alan Stern thuộc Viện Nghiên cứu Southwest ở Boulder, Colorado, một thành viên của đội khoa học vừa công bố khám phá trên, vệ tinh mới này của Pluto thật khó tìm ra.
Kính thiên văn vũ trụ Hubble đã chụp những bức ảnh rất, rất sâu để tìm kiếm những vệ tinh mờ nhạt của Pluto. Vệ tinh này mờ hơn nhiều so với những vệ tinh khác đã tìm thấy trước đây. Nó mờ hơn hành tinh Pluto đến một triệu lần. Và Pluto thì mờ hơn một triệu lần so với bất cứ cái gì bạn có thể nhìn thấy bằng mắt trần.
Kính thiên văn vũ trụ Hubble đã chụp bức ảnh này của hệ Pluto. Bức ảnh thể hiện năm vệ tinh đang quay xung quanh hành tinh lùn băng giá, xa xăm của hệ mặt trời. Vòng tròn màu xanh lá đánh dấu vệ tinh mới phát hiện, tạm gọi tên là P5. Ảnh: NASA; ESA; M. Showalter, SETI Institute
Đội Hubble Pluto hiện đang sử dụng Kính thiên văn vũ trụ Hubble săm soi vùng không gian xung quanh Pluto. Mục tiêu của họ là vén màn những nguy hiểm tiềm tàng đối với phi thuyền vũ trụ New Horizons, sứ mệnh đi ra hành tinh lùn ở tốc độ 30.000 dặm mỗi giờ trong chuyến bay qua hành tinh này vào năm 2015. Ở tốc độ này, New Horizons có thể bị phá hủy trong một cú va chạm thậm chí với một mảnh vụn quỹ đạo cỡ chừng bằng một viên đạn BB.
Mặc dù Pluto rõ ràng là trung tâm đối với hệ vật thể quay xung quanh nó, nhưng Hiệp hội Thiên văn Quốc tế vẫn xếp Pluto vào nhóm hành tinh lùn hồi năm 2006.
Một cú va chạm lớn có lẽ đã tạo ra các vệ tinh của Pluto. Ảnh: JPL
>> Phát hiện vệ tinh thứ tư của Pluto
Stern cho biết ý nghĩa của việc tìm thấy vệ tinh thứ năm của Pluto như sau. Trước tiên, nó cho chúng ta biết sự phong phú của hệ thống vệ tinh đang xung quanh Pluto. Đâu có ai mong muốn có năm vệ tinh đâu? Chúng ta có khả năng nhìn thấy nhiều vệ tinh hơn khi New Horizons đi đến đó. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta có thể tìm kiếm khó khăn hơn với kính Hubble.
Vệ tinh mới này thật sự cho chúng ta biết đôi điều về sự kiện nguồn gốc đã tạo ra các vệ tinh nhỏ của Pluto, cùng với hành tinh lớn Charon (bề ngang chừng 1200 km). Đó có thể là một cú va chạm mạnh giữa Pluto và một hành tinh lang thang nào đó trong quá khứ xa xăm của hệ mặt trời. Nhưng chúng ta chưa tìm ra hết những mảnh vụn đó. Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu tìm kiếm thôi.
Có tên chính thức tạm thời là S/2012 (134340) 1, vệ tinh mới này được phát hiện ra trong chín bộ ảnh chụp rời nhau của Camera Trường rộng 3 của Hubble vào ngày 26, 27, 29 tháng 6, và 7, 9 tháng 7.
Đây là Pluto, cùng với ba vệ tinh được biết đầu tiên của nó. Các nhà thiên văn đã tìm thấy vệ tinh lớn nhất, Charon, vào năm 1978. Họ tìm thấy hai vệ tinh nữa – nay gọi là Nix và Hydra – vào năm 2005. Họ tìm thấy một vệ tinh thứ tư vào năm 2011, và nay là vệ tinh thứ năm.
Khám phá ra vệ tinh thứ năm của Pluto, P5, theo sau khám phá vệ tinh thứ tư P4 hồi năm 2011, cũng thực hiện bằng dữ liệu thu từ Kính Hubble. Các nhà thiên văn cho biết năm vệ tinh trong hệ Pluto tạo ra một chuỗi quỹ đạo sít nhau, “na ná như những con búp bê kiểu Nga”, theo lời Mark Showalter thuộc Viện SETI, thành viên chỉ đạo nhóm Hubble Pluto.
Ba năm nữa phi thuyền New Horizons sẽ đến nơi. Đây là sứ mệnh đầu tiên của NASA đến Pluto. Nó sẽ là tàu do thám đầu tiên đến hệ Pluto. Và việc khám khá ra vệ tinh này cho chúng ta biết trước sự hào hứng đang chờ đón phía trước khi những thiết bị phức tạp trên New Horizons bắt đầu triển khai những nhiệm vụ của chúng.
123physics (thuvienvatly.com)
Nguồn: EarSky.org