Hiệp Khách Quậy Pieter van Musschenbroek (1692–1761), Ewald Georg von Kleist (1700–1748), Jean-Antoine Nollet (1700–1770), Benjamin Franklin (1706–1790) “Chai Leyden là điện chứa trong chai, một cách khéo léo để trữ điện tích tĩnh và giải phóng nó khi cần,” tác giả Tom McNichol viết. “Các nhà thực nghiệm gan dạ đã... Xin mời đọc tiếp.
Chai Leyden
1744
Pieter van Musschenbroek (1692–1761), Ewald Georg von Kleist (1700–1748), Jean-Antoine Nollet (1700–1770), Benjamin Franklin (1706–1790)
“Chai Leyden là điện chứa trong chai, một cách khéo léo để trữ điện tích tĩnh và giải phóng nó khi cần,” tác giả Tom McNichol viết. “Các nhà thực nghiệm gan dạ đã khiến các đám đông chết mê chết mệt trên khắp châu Âu… giết chim chóc và động vật nhỏ bằng một xung điện tích dự trữ… Vào năm 1746, Jean-Antoine Nollet, một mục sư và nhà vật lí người Pháp, đã cho phóng điện một chai Leyden trước sự hiện diện của Vua Louis XV, gửi một dòng điện tĩnh chạy qua một dải gồm 180 Cận vệ Hoàng gia nắm tay nhau.” Nollet còn cho nối dây một hàng gồm vài trăm thầy tu Carthusian, trao cho họ cú sốc của cuộc đời.
Chai Leyden là một dụng cụ lưu trữ tĩnh điện giữa một điện cực ở bên ngoài chai và một điện cực khác ở bên trong. Một phiên bản xưa được phát minh vào năm 1744 bởi nhà nghiên cứu người Phổ Ewald Georg von Kleist. Một năm sau, nhà khoa học Hà Lan Pieter van Musschenbroek độc lập phát minh ra một dụng cụ tương tự trong khi ở Leiden (còn phát âm Leyden). Chai Leyden quan trọng trong nhiều thí nghiệm về điện ngày xưa. Ngày nay, chai Leyden được cho là một phiên bản xa xưa của tụ điện, một linh kiện điện tử gồm hai vật dẫn ngăn cách nhau bởi một điện môi (chất cách điện). Khi có một hiệu điện thế (điện áp) giữa hai vật dẫn, thì trong điện môi sinh ra một điện trường lưu trữ năng lượng. Khoảng cách giữa hai vật dẫn càng hẹp, thì điện tích có thể lưu trữ càng lớn.
Một thiết kế tiêu biểu gồm một chai thủy tinh với các lá kim loại lót một phần bên ngoài và bên trong chai. Một thanh kim loại cắm xuyên qua nắp chai và nối với miếng kim loại lót bên trong bằng một dây xích. Thanh kim loại được tích tĩnh điện bằng một phương tiện thuận lợi nào đó – chẳng hạn, bằng cách chạm nó vào một thanh thủy tinh vừa cọ xát với lụa. Nếu ai đó chạm vào thanh kim loại, thì người đó sẽ nhận một sốc điện. Có thể nối vài chai song song với nhau để tăng lượng điện tích lưu trữ.
Nhà phát minh người Anh James Wimshurst (1832–1903) đã phát minh ra Máy Wimshurst, một dụng cụ tĩnh điện tạo ra điện thế cao. Một tia lửa điện nhảy qua khoảng trống tạo bởi hai quả cầu kim loại. Lưu ý hai chai Leyden dùng để trữ điện tích.
XEM THÊM. Máy phát Tĩnh điện Von Guericke (1660), Con diều Ben Franklin (1752), Cây điện Lichtenberg (1777), Pin (1800), Cuộn Tesla (1891), Thang Jacob (1931).
250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí
Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>