250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 36)

Hiệp Khách Quậy “Cực quang từng trở thành một nỗi khiếp đảm,” nhà khí tượng học Alfred Ango viết về phản ứng của người dân hồi thế kỉ mười sáu trước sự xuất hiện của những dòng suối sáng rực trên bầu trời. “Những cây thương đẫm máu, đầu lìa khỏi cổ, quân lính hỗn loạn, đó là những thứ được hình dung rõ ràng. Lúc nhìn... Xin mời đọc tiếp.

Cực quang

1621

Pierre Gassendi (1592–1655), Alfred Angot (1848–1924), Olof Petrus Hiorter (1696–1750), Anders Celsius (1701–1744)

“Cực quang từng trở thành một nỗi khiếp đảm,” nhà khí tượng học Alfred Ango viết về phản ứng của người dân hồi thế kỉ mười sáu trước sự xuất hiện của những dòng suối sáng rực trên bầu trời. “Những cây thương đẫm máu, đầu lìa khỏi cổ, quân lính hỗn loạn, đó là những thứ được hình dung rõ ràng. Lúc nhìn thấy chúng, người ta chết ngất… những người khác thì hóa rồ.” Nhà văn George Bryson viết, “Người Scandinavia thời xưa xem ánh sáng phương bắc là linh hồn mới quá cố của những người phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ lơ lửng trong không khí… Màu lục điện bị xuyên thủng bởi màu lam neon, màu hồng gớm ghiếc xoáy thành màu đỏ đậm, chuyển sang tím rồi mờ dần…”

Các hạt tích điện năng lượng cao từ gió Mặt Trời thổi tuồn vào khí quyển Trái Đất và được dẫn về phía từ cực bắc và nam của Trái Đất. Khi các hạt chuyển động xoắn ốc quanh các đường sức từ, chúng va chạm với các nguyên tử oxygen và nitrogen khí quyển, buộc các nguyên tử đó vào trạng thái kích thích. Khi electron của các nguyên tử đó trở lại trạng thái cơ bản năng lượng thấp của chúng, chúng phát ra ánh sáng – chẳng hạn, màu đỏ và màu lục đối với các nguyên tử oxygen – đó là thứ ánh sáng lộng lẫy mà người ta thấy ở gần các vùng cực của Trái Đất và xảy ra trong tầng điện li (phần trên cùng của khí quyển, bị tích điện bởi gió Mặt Trời). Nitrogen có thể góp thêm tông màu lam khi một nguyên tử nitrogen nhận lại một electron sau khi nó bị ion hóa. Khi ở gần Cực Bắc, màn trình diễn ánh sáng được gọi là cực quang phương bắc (aurora borealis). Hiện tượng xảy ra ở phía Cực Nam được gọi là cực quang phương nam (aurora australis).

Mặc dù người tiền sử Cro-Magnon đã có những hình vẽ (khoảng 30.000 năm tCN) dường như mô tả cực quang thời xa xưa, nhưng mãi đến năm 1621 thì tên gọi aurora borealis mới được đặt ra bởi Pierre Gassendi – triết gia, linh mục, nhà thiên văn, và nhà toán học người Pháp – theo Aurora (nữ thần rạng đông của người La Mã) và Boreas (tên gọi Hi Lạp chỉ “gió phương bắc”).

Vào năm 1741, các nhà thiên văn Thụy Điển Olof Petrus Hiorter và Anders Celsius đề xuất rằng cực quang được điều khiển bởi các hiệu ứng từ sau khi quan sát các thăng giáng của kim la bàn khi có cực quang trên trời. Ngày nay, chúng ta biết rằng các hành tinh khác, ví dụ như Mộc tinh và Thổ tinh, có từ trường mạnh hơn của Trái Đất; chúng cũng có cực quang.

Cực quang

Cực quang, hay Ánh sáng phương bắc, tỏa sáng trên Hồ Bear, Căn cứ Không quân Eielson, Alaska.

XEM THÊM. Ngọn lửa St. Elmo (78), Tán xạ Rayleigh (1871), Plasma (1879), Lục quang tuyến (1882), HAARP (2007).

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm