Hiệp Khách Quậy Hôm qua, NASA đã công bố người chiến thắng trong một cuộc thi diễn ra trong giới học sinh sinh viên Mĩ: đặt tên cho cặp đôi phi thuyền GRAIL đã đi vào quỹ đạo mặt trăng vào cuối tuần đầu tiên của năm mới 2012. Tên gọi mới của hai phi thuyền là “Ebb” và “Flow”. Tên gọi đó do một học sinh lớn bốn ở Bozeman,... Xin mời đọc tiếp.
Hôm qua, NASA đã công bố người chiến thắng trong một cuộc thi diễn ra trong giới học sinh sinh viên Mĩ: đặt tên cho cặp đôi phi thuyền GRAIL đã đi vào quỹ đạo mặt trăng vào cuối tuần đầu tiên của năm mới 2012. Tên gọi mới của hai phi thuyền là “Ebb” và “Flow”. Tên gọi đó do một học sinh lớn bốn ở Bozeman, Montana, đề cử. Và cậu bé đã được chọn làm người thắng cuộc của cuộc thi đặt tên của NASA.
Cuộc thi cấp quốc gia, bắt đầu hồi tháng 10 năm trước, đã nhận được bài tham gia từ 11.000 học sinh ở 900 trường thuộc 45 tiểu bang, cộng với thủ đô Washington, và Puerto Rico. NASA thường tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh đặt tên cho các sứ mệnh khoa học với nỗ lực phổ biến kiến thức và thu hút sự quan tâm của công chúng dành cho khoa học. Hồi năm 2009, xe tự hành Curiosity của Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa đã có tên gọi của nó từ một nhóc năm ấy 12 tuổi tên là Clara Ma, một học sinh lớp sáu tại trường tiểu học Hướng dương ở Lenexa, Kansas. Hai tiền thân của nó, Spirit và Opportunity, được đặt tên vào năm 2003 bởi một nhóc năm ấy 9 tuổi, Sofi Collis.
Sử dụng một kĩ thuật điều khiển bay chính xác, cặp đôi phi thuyền GRAIL sẽ lập bản đồ trường hấp dẫn của mặt trăng, như minh họa trong bức ảnh này. Tín hiệu vô tuyến truyền giữa hai phi thuyền mang lại cho các nhà khoa học những phép đo chính xác cần thiết cùng với dòng thông tin không bị gián đoạn khi phi thuyền ở phía bên kia mặt trăng, không nhìn thấy từ Trái đất. Kết quả sẽ là một bản đồ trường hấp dẫn chính xác nhất từ trước đến nay của mặt trăng. Ảnh: NASA/JPL-Caltech
Sứ mệnh GRAIL, viết tắt của Phòng thí nghiệm Hồi phục Hấp dẫn và Lõi Mặt trăng, gồm hai phi thuyền vũ trụ, GRAIL-A và GRAIL-B, quay nối đuôi nhau xung quanh mặt trăng. Khi chúng đi qua phía trên bề mặt vệ tinh của chúng ta, lực hút hấp dẫn của mặt trăng hơi biến thiên một chút theo những đặc điểm cả ở phía trên và phía dưới mặt đất. Sự biến thiên này làm thay đổi khoảng cách giữa hai phi thuyền, và bằng cách truyền tin qua tín hiệu vô tuyến, các nhà khoa học có thể đọc được các biến thiên khoảng cách đó và tạo ra một tấm bản đồ chi tiết của trường hấp dẫn của mặt trăng, bản đồ đó sẽ cho phép họ tìm hiểu mặt trăng và hành tinh của chúng ta đã được hình thành như thế nào.
KaDick – thuvienvatly.com
Theo EarthSky.org