Hiệp Khách Quậy Quang cảnh đầy màu sắc này là vùng không gian xung quanh sao siêu kềnh đỏ tên gọi là Antares, ngôi sao màu vàng sáng ở góc dưới bên trái. Ngôi sao khổng lồ này có đường kính gấp khoảng bảy trăm lần Mặt Trời. Giả sử chúng ta có một ngôi sao kiểu này trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, thì nó sẽ choán hết... Xin mời đọc tiếp.
ẢNH:
CÁC SAO: GIÀ VÀ TRẺ
ANTARES: 600 NĂM ÁNH SÁNG
Quang cảnh đầy màu sắc này là vùng không gian xung quanh sao siêu kềnh đỏ tên gọi là Antares, ngôi sao màu vàng sáng ở góc dưới bên trái. Ngôi sao khổng lồ này có đường kính gấp khoảng bảy trăm lần Mặt Trời. Giả sử chúng ta có một ngôi sao kiểu này trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, thì nó sẽ choán hết chỗ của các hành tinh đến tận Hỏa tinh. Phông nền nhiều màu sắc phía sau Antares là do các túi khí (màu hồng) và bụi (màu vàng).
SAO VÀ ĐÁM SAO
ETA CARINAE: 7.500 NĂM ÁNH SÁNG
Một nhà thiên văn thích cá cược có thể đặt tiền cho Eta Carinae sẽ là ngôi sao láng giềng tiếp theo phát nổ. Với khối lượng lớn gấp 100 đến 150 lần Mặt Trời, Eta Carinae đang nốc kiệt lực nhiên liệu của nó. Bức ảnh này cho thấy Eta Carinae trông như thế nào trong ánh sáng quang học (màu lam) và ánh sáng tia X (màu vàng). Các nhà khoa học cho rằng khi Eta Carinae thật sự phát nổ – hoặc là vào ngày mai hoặc là vài trăm năm sau nữa – nó có thể trở thành một vật thể thật sự sáng trên bầu trời đêm của chúng ta. Vì nó ở xa chúng ta khoảng 7.500 năm ánh sáng nên Trái Đất sẽ an toàn trước bất kì tác dụng phụ có hại nào của vụ nổ.
TINH VÂN ORION: 1.500 NĂM ÁNH SÁNG
Orion là một trong những chòm sao nổi tiếng nhất có thể nhìn thấy từ Bán cầu Bắc. Một trong những dấu hiệu để tìm kiếm Orion là cái thắt lưng của chàng tráng sĩ. Ba ngôi sao từ góc dưới bên trái đến góc trên bên phải trong ảnh này có tên gọi lần lượt là Alnitak, Alnilam, và Mintaka.
NGC 3603: 20.000 NĂM ÁNH SÁNG
Vùng đang hình thành sao NGC 3603 có chứa một đám sao trẻ chìm trong chất khí và bụi bên trong Ngân Hà của chúng ta. Các nhà khoa học cho rằng các sao trong đám này đã ra đời trong một cuộc đua hình thành sao quy mô lớn hồi khoảng một triệu năm trước. Các sao nóng trong lõi đám là thủ phạm tạo nên các hốc khổng lồ trong chất khí xung quanh.
TINH VÂN
TINH VÂN BƯƠM BƯỚM: 3.700 NĂM ÁNH SÁNG
Tinh vân Bươm Bướm (còn gọi là IC 1318) có tên gọi như thế là do diện mạo hai cánh của nó. Nó là một đám mây khí và bụi khổng lồ cùng với các ngôi sao trẻ đang hình thành bên trong nó. Hydrogen (màu lục), oxygen (màu lam), và lưu huỳnh (màu đỏ) miêu tả một cảnh quan đầy màu sắc và hỗn loạn. Một làn bụi tối cắt qua ở chính giữa.
TINH VÂN ROSETTE: 5.000 NĂM ÁNH SÁNG
Tinh vân Rosette là một đám mây vũ trụ gồm khí và bụi và, như tên gọi gợi tả, nó trông na ná một bông hoa. Góc nhìn cho thấy một cái cuống dài của chất khí hydrogen phát sáng. Nằm tại rìa của một đám mây khí lớn, các cánh của bông hoa hồng này thật ra là một cái nôi sao có được hình dạng của nó từ gió và bức xạ thổi từ đám sao nóng trẻ trung tâm của nó.
TINH VÂN ĐẠI BÀNG: 7.000 NĂM ÁNH SÁNG
Tinh vân Đại Bàng là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất trong thiên văn học, nhờ một hình ảnh mang tính biểu tượng do Kính thiên văn Vũ trụ Hubble công bố vào năm 1995. Phiên bản này chứa một trường nhìn rộng hơn bức ảnh Hubble đầu tiên và được chụp bởi Đài thiên văn Quốc gia Kitt Peak ở Arizona. Ngay ở giữa là những cột bụi được gọi là “Cột Sáng Thế”. Ở đây chúng ta thấy chỉ là một phần của một lớp vỏ rỗng lớn hơn của sự hình thành sao, với một đám sao trẻ tại tâm của nó. Màu sắc mô tả ánh sáng phát ra bởi hydrogen (màu lục), oxygen (màu lam), và lưu huỳnh (màu đỏ) được chụp trong vùng ánh sáng nhìn thấy.
TINH VÂN PHẢN XẠ: 500 NĂM ÁNH SÁNG
Cái đuôi dài của bụi giữa các sao rực lên trong ánh sáng phản xạ của các sao lân cận xuất hiện trong tầm nhìn về một tinh vân trong chòm sao Corona Australis (vương miện phương nam). Ở một số phần, bụi tích tụ thành những đám mây khí dày đặc từ đó người ta cho rằng các ngôi sao trẻ ra đời.
TINH VÂN TARANTULA: 160.000 NĂM ÁNH SÁNG
30 Doradus là một vùng rộng lớn đang hình thành sao. Nó còn được gọi là Tinh vân Tarantula vì các sợi sáng của nó trông tựa như chân nhện. Hàng nghìn ngôi sao khối lượng lớn trong tinh vân đang tạo ra bức xạ cường độ cao và những cơn gió mạnh. Đài thiên văn Tia X Chandra phát hiện chất khí bị làm nóng lên đến hàng triệu độ bởi những cơn gió sao này và bởi những vụ nổ siêu tân tinh. Những tia X này, được tô màu lam trong bức ảnh ghép này, xuất xứ từ các đầu sóng xung kích – tương tự như các vụ nổ siêu thanh – hình thành bởi hoạt động sao năng lượng cao. Chất khí nóng này khoét nên những cái bọt khổng lồ trong chất khí và bụi xung quanh nguội hơn, ở đây chúng được thể hiện trong vùng phát xạ hồng ngoại thu từ Kính thiên văn Vũ trụ Spitzer (màu cam).
TINH VÂN CARINA: 7.500 NĂM ÁNH SÁNG
Tinh vân Carina là một cảnh quang hùng vĩ gồm những cột bụi tối in bóng trên những đám mây khí phát sáng tìm thấy trong Ngân Hà. Tinh vân này, rộng gần 500 nghìn tỉ km, vừa được rọi sáng vừa bị đục khoét bởi bức xạ cường độ mạnh của những ngôi sao trẻ sáng chói của nó.
CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Bản dịch của Thuvienvatly.com
Phần tiếp theo >>