Hiệp Khách Quậy Các actinide chuyển tiếp là một dải nguyên tố kim loại đều nặng hơn lawrencium (số nguyên tử 103). Thỉnh thoảng chúng được gọi là các nguyên tố hậu uranium, nghĩa là các nguyên tố nặng hơn uranium (92). Toàn bộ các nguyên tử thuộc các nguyên tố siêu nặng này đều được sản xuất nhân tạo bằng cách bắn phá... Xin mời đọc tiếp.
Các actinide chuyển tiếp
Các actinide chuyển tiếp là một dải nguyên tố kim loại đều nặng hơn lawrencium (số nguyên tử 103). Thỉnh thoảng chúng được gọi là các nguyên tố hậu uranium, nghĩa là các nguyên tố nặng hơn uranium (92). Toàn bộ các nguyên tử thuộc các nguyên tố siêu nặng này đều được sản xuất nhân tạo bằng cách bắn phá ion vào các nguyên tố khác ở năng lượng cao. Chúng có tính phóng xạ cao đến mức chúng nhanh chóng phân rã, thường trong một phần nhỏ của một giây (nguyên tố bền nhất có chu kì bán rã 28 giờ). Khỏi phải nói, các thí nghiệm là không khả thi và phần lớn các tính chất hóa học của chúng được luận ra trên lí thuyết. IUPAC – Hiệp hội Quốc tế về Hóa học và Hóa học Ứng dụng – tuyên cáo rằng một nguyên tố được chứng thực chính thức phải tồn tại trong ít nhất 10-14 giây. Nếu nó phân hủy trước khoảng thời gian này, thì nó được xem là chưa hề tồn tại, vì không có thời gian để hình thành một đám mây electron. Bởi thế, có những khẳng định đang chờ xác thực cho các actinide chuyển tiếp lên tới 118, nhưng mỗi nguyên tố đều phải chờ được phê chuẩn cẩn thận. Glenn T. Seaborg, người đã khám phá dải actinoid và actinide chuyển tiếp, còn đề xuất một dải ‘siêu actinide’ với số nguyên tử từ 121 đến 155.
Buồng bắn phá tại Trung tâm Nghiên cứu Ion Nặng (GSI) ở Darmstadt, Đức.
Kích cỡ nguyên tử
Việc xác định kích cỡ của một nguyên tử không đơn giản chỉ là đặt nó dưới một chiếc kính hiển vi phân giải cao rồi đo nó. Trước tiên, các nguyên tử tồn tại ở dạng hợp chất. Chúng co lại hay phình ra tùy thuộc vào cách chúng tương tác với các nguyên tử khác – bất kể chúng liên kết cộng hóa trị, tồn tại ở dạng ion hay bộ phận hình thức của một mạng tinh thể kim loại. Thông thường, một nửa độ dài liên kết được dùng làm số đo bán kính nguyên tử, nhưng vì các nguyên tử liên kết cộng hóa trị chồng lấn các đám mây electron của chúng, nên ‘bán kính cộng hóa trị’ nhỏ hơn ‘bán kính kim loại’, và chẳng có cách nào so sánh trực tiếp kích cỡ tương đối của các nguyên tử phi kim và kim loại. Bất chấp những khó khăn kĩ thuật này, có hai thứ vẫn rõ ràng: kích cỡ nguyên tử tăng từ trên xuống dưới trong một nhóm và giảm dọc theo một chu kì. Xu hướng thứ nhất là do các lớp vỏ electron thêm vào của các nguyên tố nặng hơn, song sự che chắn electron, trong đó các electron trong các lớp vỏ phía trong ‘chặn mất’ lực hút tĩnh điện mà các electron phía ngoài nhận lấy về phía hạt nhân, cũng giữ một vai trò nhất định. Dọc theo các chu kì, các electron được thêm vào cùng một lớp vỏ hóa trị. Hiệu ứng che chắn là không đáng kể, thành ra proton thêm vào rong hạt nhân hút lớp vỏ phía ngoài vào trong.
Bảng tuần hoàn hóa học tốc hành | Dan Green
Bản dịch của Thuvienvatly.com