Hiệp Khách Quậy Thủy tinh là hành tinh nhỏ nhất của chúng ta, với đường kính chỉ chừng 3000 dặm (4800 km) – chỉ nhỉnh hơn một chút so với khoảng cách giữa New York và Los Angeles. Nó là một thế giới đá phủ đầy những vết sẹo còn lại từ vô số va chạm do các sao băng gây ra hồi hàng tỉ năm trước, khi Hệ Mặt Trời vẫn đang... Xin mời đọc tiếp.
ẢNH: CÁC HÀNH TINH VÀ VỆ TINH THUỘC HỆ MẶT TRỜI
THỦY TINH: 3,22 PHÚT ÁNH SÁNG
Thủy tinh là hành tinh nhỏ nhất của chúng ta, với đường kính chỉ chừng 3000 dặm (4800 km) – chỉ nhỉnh hơn một chút so với khoảng cách giữa New York và Los Angeles. Nó là một thế giới đá phủ đầy những vết sẹo còn lại từ vô số va chạm do các sao băng gây ra hồi hàng tỉ năm trước, khi Hệ Mặt Trời vẫn đang hình thành. Thủy tinh chuyển động xung quanh Mặt Trời nhanh hơn bất kì hành tinh nào khác, với mỗi năm của nó kéo dài khoảng tám mươi tám ngày Trái Đất. Từ những gì chúng ta biết cho đến nay, Thủy tinh có thể giống Mặt Trăng của chúng ta hơn bất kì hành tinh nào khác. Cả hai đều được bao phủ bởi một lớp mỏng chứa các khoáng chất giống nhau, và chúng đều có những bình nguyên rộng, bằng phẳng, những vách núi dốc đứng, và nhiều hố thiên thạch sâu.
KIM TINH: 6,01 PHÚT ÁNH SÁNG
Bức chân dung mã màu, lộng lẫy này của Kim tinh sử dụng dữ liệu radar thu thập trong nhiều năm. Nó cho thấy những cao độ khác nhau trên hành tinh. Kim tinh đại khái giống Trái Đất về kích cỡ, khối lượng, tỉ trọng, và thành phần. Mãi đến thập niên 1960, các nhà khoa học vẫn ngờ rằng Kim tinh có thể rất giống Trái Đất, từng có thời là quê hương của những cánh rừng nhiệt đới sum sê. Quan điểm đó thay đổi khi các quan sát mới xác nhận một bề mặt quá nhiệt với nhiệt độ và áp suất gần bằng một trăm lần so với trên Trái Đất. Nhưng khác biệt lớn nhất với Trái Đất nằm ở khí quyển của Kim tinh. Các đám mây trên Kim tinh không phải làm bằng nước, giống như trên Trái Đất, mà làm bằng acid sulfuric nồng độ cao – về cơ bản nó là một cái bình acid.
HỎA TINH: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Giống với Trái Đất và phần còn lại của Hệ Mặt Trời, Hỏa tinh (hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời) khoảng 4,6 tỉ năm tuổi. Nhìn từ Trái Đất, Hỏa tinh có màu cam phớt đỏ sáng. Màu sắc này giống với màu gỉ sắt. Điều đó không phải tình cờ: Bề mặt Hỏa tinh được bao phủ bởi sắt oxide, một tên gọi chuyên môn hơn cho gỉ sắt. Những đám mây cao, kéo làn, chủ yếu được làm bằng nước đóng băng. Ở góc cùng bên trái, các đám mây được nhìn thấy xung quanh đỉnh Olympus Mons, ngọn núi lửa lớn nhất Hệ Mặt Trời. Ở giữa phía trên cùng, bạn có thể nhìn thấy chỏm băng bao phủ Cực Bắc Hỏa tinh. Các nhà khoa học nghĩ rằng Hỏa tinh từng có hoạt động núi lửa trong hai đến ba tỉ năm đầu tiên của nó.
NGÀY CÀNG TÒ MÒ VỀ SAO HỎA: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Xe tự hành mới đây nhất của NASA trên hành tinh đỏ đã gửi về bức danh thiếp đẹp đẽ này từ Hỏa tinh. Được chụp lúc mới hai tuần sau khi xe tự hành Curiosity tiếp đất sao Hỏa vào ngày 6 tháng Tám, 2012, tiền cảnh cho thấy khu vực nhiều sỏi ở gần điểm tiếp đất của Curiosity. Ở phía xa là chân của ngọn núi cao 3,4 dặm (5,5 km) gọi là Mount Sharp, nơi xe tự hành cuối cùng sẽ dừng lại. Cấp màu được làm nổi bật trong bức ảnh này để cho thấy quang cảnh sao Hỏa trong điều kiện chiếu sáng tương tự như chúng ta có trên Trái Đất. Sự tăng màu này giúp các nhà khoa học phân tích nhanh địa hình từ xa.
QUÁI VẬT BỤI SAO HỎA: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Bức ảnh này trông y hệt như hình xăm tinh xảo của ai đó, nhưng thật ra các xoáy đen là những hình ảnh ngoạn mục được làm bởi gió thổi trên các đụn cát trên sao Hỏa. Khi những cơn gió mạnh thổi trên địa hình sao Hỏa, chúng tạo ra và đẩy đi những con quái vật bụi, tạo ra những vệt đen trên nền đụn cát sáng hơn. Bức ảnh này, được chụp bởi Tàu quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa, cho thấy một khu vực đại khái chừng nửa dặm vuông (1,3 km vuông) bề mặt sao Hỏa.
HÀO NILI TRÊN SAO HỎA: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Bức ảnh ấn tượng, nếu không nói là trông lạ lẫm, này cho thấy một vùng sao Hỏa nằm giữa một ngọn núi lửa lớn và một bồn địa va chạm cổ. Nó là nơi có nhiều đường rãnh cong cắt sâu khoảng 1600 foot (500 m) vào trong lớp vỏ, một trong số chúng nhìn thấy được trong bức ảnh này. Phi thuyền vũ trụ Mars Express của châu Âu đã phát hiện các khoáng chất đất sét ở đây. Đó là tin tốt lành cho các nhà sinh vật học vũ trụ, vì đất sét chỉ dẫn không nhầm đi đâu được sự có mặt của nước vào lúc nào đó trong quá khứ. Còn tốt hơn nữa, các khoáng chất đề xuất rằng nước từng tập trung thành hồ trên bề mặt, một môi trường có vẻ thích hợp cho sự sống.
CHỎM CỰC NAM SAO HỎA: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Giống Trái Đất, Hỏa tinh có các chỏm cực đóng băng. Nhưng không giống Trái Đất, các chỏm cực sao Hỏa được làm từ băng carbon dioxide lẫn băng nước. Vào mùa hè ở bán cầu nam sao Hỏa, phần nhiều băng carbon dioxide biến thành hơi. Dữ liệu khí hậu thu từ Mars Express cho thấy chỏm cực nam thật ra được bồi đắp mỗi năm bởi hai hệ thời tiết khác nhau – một hệ tạo ra tuyết carbon dioxide ở phía tây của cực nam, còn hệ kia trong đó chỉ có sương mặt đất xuất hiện ở phía đông. Điều này có nghĩa là chỏm cực nam là bất đối xứng vào mùa hè khi sương mặt đất biến thành hơi dễ dàng hơn, thành ra chỉ còn lại chỏm do tuyết tạo ra ở phía tây của cực nam.
OLYMPUS MONS: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Thật khó diễn tả về quang cảnh nhìn từ trên xuống này thu từ một phi thuyền vũ trụ bay vòng quanh sao Hỏa, song bức ảnh này cho thấy ngọn núi lửa cao nhất – cũng là ngọn núi cao nhất – trong toàn Hệ Mặt Trời. Đây là Olympus Mons, một ngọn núi lửa đã ngủ yên dâng lên 78.000 foot, gần mười bảy dặm (khoảng 24.000 m) phía trên bề mặt hành tinh đỏ. Để hình dung, ngọn núi này cao gấp 2,5 lần Đỉnh Everest. Tại sao nó đồ sộ như thế? Các nhà khoa học nghĩ rằng nó siêu cỡ là do bởi lực hấp dẫn yếu của Hỏa tinh không hút đủ mạnh lên ngọn núi lửa đang lớn lên. Cũng không giống Trái Đất, nơi các mảng bề mặt thường xuyên dịch chuyển (như trong một trận động đất), lớp vỏ Hỏa tinh không dịch chuyển. Điều này cho phép dung nham liên tục chất đống lên nó ở một nơi, tạo ra một ngọn núi lửa Hỏa tinh siêu đồ sộ.
HỐ THIÊN THẠCH VICTORIA TRÊN SAO HỎA: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Mất gần hai năm để xe tự hành Opportunity của NASA đi tới Hố thiên thạch Victoria, như bạn thấy từ trên xuống trong ảnh chụp này do Tàu quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa thực hiện. Hành trình gian nan ấy thật đáng đồng tiền bát gạo, vì Hố thiên thạch Victoria là hố thiên thạch lớn nhất – chừng bằng kích cỡ một sân bóng đá – được khám phá bởi Opportunity lẫn xe tự hành chị em của nó, Spirit, tính cho đến nay. Opportunity đã dành khoảng một năm thám hiểm và nghiên cứu hố va chạm này, nó nằm gần xích đạo Hỏa tinh. Thật ra, bạn có thể nhìn thấy cỗ xe tự hành trong bức ảnh này, nó là một chấm nhỏ ở góc trên bên trái (vị trí 10 giờ), bên cạnh vành hố.
PHOBOS VÀ DEIMOS: 12,7 PHÚT ÁNH SÁNG
Hỏa tinh có hai vệ tinh tương đối nhỏ gọi là Phobos (trên), mang tên vị thần Hi Lạp với tên gọi nghĩa là “kinh hoàng”, và Deimos (dưới), mang tên vị thần khủng bố Hi Lạp. Không giống các vệ tinh khác trong Hệ Mặt Trời – kể cả của chúng ta – cặp đôi này có một khác biệt rõ rệt: Chúng không tròn. Hình dạng giống củ khoai tây của chúng và tốc độ và quỹ đạo khác biệt khiến các nhà khoa học tin rằng thật ra chúng là các tiểu hành tinh bị bắt giữ.
CẨM NANG THÁM HIỂM VŨ TRỤ
Kimberly Arcand và Megan Watzke
Trần Nghiêm dịch
Phần tiếp theo >>