Hiệp Khách Quậy Napoleon học vật lí cùng với toán học và thiên văn học ở trường quân sự, và ông biết tầm quan trọng của khoa học đối với chiến tranh. Và ông đã có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo nước Pháp đứng ở tiền phương của công nghệ; ông biến trường École Polytechnique thành trường quân sự, và cuối cùng nó đã trở thành... Xin mời đọc tiếp.
NAPOLEON VÀ VŨ KHÍ CỦA ÔNG
Napoleon học vật lí cùng với toán học và thiên văn học ở trường quân sự, và ông biết tầm quan trọng của khoa học đối với chiến tranh. Và ông đã có nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo nước Pháp đứng ở tiền phương của công nghệ; ông biến trường École Polytechnique thành trường quân sự, và cuối cùng nó đã trở thành một trong những trường học tiến bộ công nghệ nhất ở châu Âu. Và ông đảm bảo các vũ khí mà ông sử dụng – nhất là đại bác – là tối tân nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, phần lớn các chiến công của ông xảy đến không phải do các cách tân mới của ông về vũ khí, mà bởi vì ông sử dụng các chiến lược và chiến thuật mới mẻ và tài tình. Ông không chịu trách nhiệm cho bất kì vũ khí “thần kì” nào sử dụng các đột phá mới trong vật lí học, và chẳng có chỉ dấu nào cho biết ông có nhiều quan tâm đến vật lí học hay khoa học nói chung. Cái gì không hữu ích cho nỗ lực chiến tranh thì ông chẳng màng quan tâm. Và trong một số trường hợp ông còn phạm sai lầm khi những cách tân mới được đệ trình lên ông. Một ví dụ là khí cầu, nó được phát triển vào năm 1782. Một trong các cố vấn khoa học của ông đã kể ông nghe về các khí cầu vào năm 1800 và chỉ ra rằng chúng có thể được sử dụng để trinh thám kẻ thù và thậm chí có thể dùng để thả bom nữa. Lúc đầu Napoleon tỏ ra hiếu kì về ý tưởng đó, song ông sớm mất hứng thú, và chẳng còn quan tâm nữa. Ngoài ra, mặc dù việc “xẻ rãnh” nòng súng trường đã được biết vào lúc ấy, và súng trường xẻ rãnh được biết là chuẩn xác hơn và có tầm xa gấp ba lần súng trường nòng nhẵn, thế nhưng Napoleon chẳng thích chúng. Chúng quá chậm đối với khẩu vị của ông, và nói chung ông vẫn bám lấy các khẩu súng nòng nhẵn.5
Các vũ khí chính của thời ấy là súng trường nòng nhẵn, nạp đạn bịt miệng, cùng với súng lục, lưỡi lê, gươm, và giáo. Và Napoleon, lạ thay, đặc biệt kè kè với lưỡi lê, chủ yếu bởi vì nó là một vũ khí gây kinh hãi rất hiệu quả. Tuy nhiên, chẳng nghi ngờ gì nữa, vũ khí hiệu nghiệm nhất của ông chính là đại bác mới của Gribeauval. Chính đại bác, cùng với các chiến thuật và chiến lược mới của ông, đã đem lại hết chiến thắng này đến chiến thắng khác trong những năm đầu ông làm chỉ huy. Hơn hết thảy, Napoleon tìm kiếm các yếu điểm chí mạng của kè thù và nhanh chóng công kích chúng. Tốc độ và hiệu quả ông điều động quân lính và đại bác trên chiến trường đã gây bất ngờ và thông thường hạ gục kẻ thù của ông. Một trong các chiến thuật chủ yếu của ông là “đánh nhử” từ phía trước trong khi ông bí mật bao vây quân địch. Sau đó, trước sự bất ngờ của họ, ông sẽ tấn công từ phía sau và hai bên, cắt đứt nguồn liên lạc và cung ứng của chúng.6
Napoleon thăng cấp nhanh chóng trong hàng ngũ với vai trò viên sĩ quan trẻ, và vào năm 1796, khi Pháp tiến đánh Áo, ông được giao quyền chỉ huy quân Pháp ở Italy, và ông đánh thắng hết trận này đến trận khác, trở về Pháp vào năm 1797 như một anh hùng dân tộc. Và chẳng mấy chốc ông lại giành thắng lợi; vào tháng Năm 1798 ông rời đi thực hiện một chiến dịch ở Ai Cập, nơi ông hi vọng lôi kéo nước Anh vào trận bằng cách đe dọa các mối bận tâm thương mại của họ trong vùng. Ông chẳng gặp trở ngại gì với quân Ai Cập được trang bị yếu ớt và dễ dàng tàn sát hơn hai nghìn lính Ai Cập với thiệt hại ít ỏi ở phe ông.
Thế nhưng các vướng mắc của ông với nước Anh chỉ mới bắt đầu thôi. Tàu chiến của đô đốc Harotio Nelson càn quét qua khu vịnh neo đậu tàu của Napoleon và đánh chìm phần lớn chúng, khiến quân Pháp không có lối thoát. Napoleon lập tức bỏ lại quân đội của ông và tìm cách trở về Pháp cùng với vài viên cận vệ và tướng lĩnh. Và bất ngờ thay, ông lại được chào đón như người anh hùng vì chiến thắng của ông ở Ai Cập, góp phần giúp ông được bầu làm quan chấp chính hàng đầu vào năm 1800. Lúc này Napoleon là chỉ huy của quân đội được trang bị tốt nhất ở châu Âu, và ông nhanh chóng nắm lấy thời cơ đó. Trước tiên ông tấn công nước Áo, và với những chiến thuật và kĩ năng mới xuất hiện, ông nhanh chóng hạ gục họ tại Ulm vào tháng Mười 1805. Sau đó phần lớn quân Áo đầu hàng ông. Kế đến ông tấn công nước Nga và tàn dư của quân Áo tại Austerlitz. Napoleon nhanh chóng chia quân làm hai cánh và bao vây họ, trong quá trình gây thương vong vô cùng lớn.
Napoleon Bonaparte
Năm sau đó, ông tấn công nước Phổ, một trong những quân đội hùng mạnh nhất, được trang bị tốt nhất ở châu Âu, và trước sự bất ngờ của mọi người, ông đè bẹp nó. Bấy giờ ông đã có phần lớn châu Âu nằm dưới quyền chỉ huy của mình, song ông vẫn chưa thắng được kẻ thù không đội trời chung của mình – nước Anh. Và họ vẫn là một cái gai trong mắt ông. Vướng mắc chủ yếu là hải quân Anh; hải quân Pháp không địch lại, và trừ khi ông tiến đánh vùng nội địa của Anh, nếu không quân đội ông sẽ không làm tròn nhiệm vụ được.
Sau vài năm tương đối yên ả, Napoleon quyết định xâm lược Tây Ban Nha, đất nước được biết có quân đội tương đối yếu, và, thật vậy, ông sớm chiếm được nó. Thế nhưng bất ngờ ông đối mặt trước một kiểu chiến tranh mới: quân du kích lẩn trốn trong miền núi và phục kích và phá hoại quân đội ông hết lần này đến lần khác. Ngoài ra, nước Anh sớm đem quân sang hỗ trợ Tây Ban Nha, và tình hình còn tệ hơn nữa, nước Áo đang đe dọa Pháp. Bởi thế, Napoleon cho rút lui, để quân của ông lại trước một thảm họa từ từ nhưng có tính quyết định. Trong vài năm sau đó, nhiều đội quân giỏi nhất của ông bị tiêu diệt.
Thế nhưng thất bại lớn nhất của ông xảy đến vào năm 1812 khi ông tấn công nước Nga. Với một trong những đội quân lớn mạnh nhất từng được thiết lập, tổng số xấp xỉ sáu trăm nghìn quân, Napoleon kì vọng một chiến thắng dễ dàng. Như chuyện vỡ lẽ, quân đội của ông quá đồ sộ, và người Nga thì quá xảo quyệt. Họ rút lui khi Napoleon càn qua vùng đất, tiến càng lúc càng gần tới Moscow. Và họ biết rõ họ đang làm gì; họ đang chờ cái khắc nghiệt và tàn khốc của mùa đông Siberia. Hơn nữa, khi người Nga rút lui, họ áp dụng chiến thuật vườn không nhà trống cho những khu vực họ đi qua, và do đó, quân Pháp, vốn phụ thuộc vào việc đánh cướp thực phẩm ở những vùng đất chiếm được, lâm vào cảnh túng thiếu những gì cần thiết để tồn tại. Tuy nhiên, Napoleon đoan chắc rằng một khi ông tiến đến Moscow sẽ có đủ thực phẩm ở đó, và chiến tranh sẽ sớm chấm dứt. Thế nhưng quân Nga xảo trá rút lùi khỏi Moscow, chẳng để lại gì trong thành phố hết. Napoleon tiến vào thành phố và chờ đợi sự đầu hàng từ tướng lĩnh Nga, nhưng chuyện không hề xảy ra. Sau một tháng gần như chết đói, ông và quân đội của mình rời Moscow cho chuyến hành quân dài ngày về lại nước Pháp trong tiết trời chết chóc của mùa đông. Cuộc chiến đã nổ ra với hơn sáu trăm nghìn quân dưới quyền chỉ huy của Napoleon, và vào lúc lui về Pháp quân đội chỉ còn lại hơn ba mươi nghìn. Những ngày huy hoàng của Napoleon đã lùi xa, thế nhưng ông vẫn nắm vững quyền lực.7
Về nước Napoleon cho thiết lập một quân đội mới gồm 350.000 người. Nhưng lúc này các kẻ thù của ông đã liên minh với nhau; Nga, Phổ, Áo, Đại Anh, và Tây Ban Nha vừa thiết lập một khối liên minh mới. Tuy vậy, Napoleon thật sự giành được một số thắng lợi, nhưng ở trận Leipzig quân bên ông giảm xuống còn bảy mươi nghìn. Paris sớm bị bao vậy, và nó bị đánh chiếm vào tháng Ba 1814. Những kẻ thắng cuộc lưu đày Napoleon ra hòn đảo Elba ở Địa Trung Hải. Thật bất ngờ, ông trốn thoát khỏi Elba vào tháng Hai 1815 và trở về đất liền, nơi ông được chào đón như một người hùng, và ông trở lại cai trị nước Pháp trong vài trăm ngày nữa. Rồi ông đụng độ tướng Anh Wellington tại Trận Waterloo và nhận lấy thất bại thê thảm nhất của mình. Lần này ông bị trục xuất ra đảo St. Helens ở Đại Tây Dương. Ông qua đời vào năm 1821.
Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>