Trái đất trong tương lai xa

Hiệp Khách Quậy Có lẽ chúng ta không có cơ hội chứng kiến những biến đổi này. Nhưng không có gì ngăn cản các nhà khoa học hình dung ra những cái có thể xảy ra trong hàng nghìn, hàng triệu hoặc hàng tỉ năm nữa... Xin mời đọc tiếp.

Có lẽ chúng ta không có cơ hội chứng kiến những biến đổi này. Nhưng không có gì ngăn cản các nhà khoa học hình dung ra những cái có thể xảy ra trong hàng nghìn, hàng triệu hoặc hàng tỉ năm nữa...

50.000 năm sau

Sự đốt các nhiên liệu hóa thạch sẽ mang lại sự ấm lên toàn cầu khốc liệt. Trái đất sẽ bắt đầu giống như một sa mạc. Nơi duy nhất bạn có thể sống một cuộc đời bình thường là ở hai địa cực. Và bạn phải thích nghi với chuyện một ngày dài nửa năm.

50 triệu năm sau

Kết quả của sự chuyển dịch mảng kiến tạo, lục địa Phi sẽ va chạm với đại lục Âu-Á. Địa Trung Hải sẽ chỉ còn là kí ức.

150 triệu năm sau

Các lục địa sẽ tiếp tục trôi giạt, từ từ khép kín Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Thái Bình Dương sẽ trở thành Siêu Đại Dương. Châu Nam Cực sẽ dính vào châu Úc.

250 triệu năm sau

Các lục địa sẽ hợp nhất thành một siêu lục địa mới của lịch sử Trái đất (sau Vaalbara, Kenorland, Columbia, Rodinia, Pannotia và Pangaea).

750 triệu năm sau

Thiên hà lùn từ chòm sao Sagittarius sẽ đi qua Dải Ngân hà và có khả năng bị tách làm hai.

1,1 tỉ năm sau

Mặt trời bức xạ mạnh hơn ngày nay 10%. Hành tinh Trái đất tiếp tục nóng lên. Sự sống sẽ vẫn tồn tại, nhưng ở chỉ những nơi có nước và bên dưới lòng đất.

2,9 tỉ năm sau

Thiên hà Andromeda đang tiến đến Trái đất. Những ai từng chiêm ngưỡng bầu trời đêm hẳn đã từng nhìn thấy toàn bộ cái đĩa thiên hà lộng lẫy này.

3 tỉ năm sau

Dải Ngân hà và Andromeda sẽ bắt đầu hợp nhất với nhau. Tại sao sự kiện này lại quan trọng? Trái đất chúng ta nằm trong sinh quyển của Hệ mặt trời. Quyển này trải rộng giữa Kim tinh và Hỏa tinh. Ngoài ra, vị trí của Hệ mặt trời trong Dải Ngân hà cũng vừa vặn thích hợp. Không quá gần tâm của thiên hà, cũng không quá xa lớp vỏ ngoài của nó. Kết quả của sự va chạm thiên hà này là gì? Hệ mặt trời của chúng ta hoặc sẽ bị tống khứ vào trong vũ trụ, hoặc sẽ bị cuốn vào một điệu vũ điên cuồng, trong đó các ngôi sao sẽ thôn tính lẫn nhau, chúng sẽ chết hoặc tạo ra những ngôi sao mới, những sao siêu mới bùng nổ. Không có trường hợp nào tốt đẹp cho hành tinh chúng ta hết.

3,5 tỉ năm sau

Giả sử Trái đất vẫn còn sống sót. Mặt trời bức xạ mạnh hơn thêm 40%. Toàn bộ nước bốc hơi khỏi mặt đất. Toàn bộ sự sống trên hành tinh biến mất. Nếu chúng ta không thể tìm được một ngôi nhà thứ hai, thì đây sẽ mồ chôn cho chúng ta.

5,4 tỉ năm sau

Mặt trời đốt hết hoàn toàn lượng hydrogen của nó. Đó là giai đoạn đầu nó trở thành một sao kềnh đỏ. Lúc ấy, Mặt trời to gấp 1,6 lần và nóng gấp 2,2 lần ngày nay.

6 tỉ năm sau

Mặt trời là sao kềnh đỏ. Nó lớn gấp 170 lần và nóng gấp 2400 lần ngày nay. Khi nhìn từ Trái đất, nó chiếm một mảng lớn trên bầu trời.

6,7 tỉ năm sau

Mặt trời bắt đầu đốt helium và bắt đầu co lại, nhưng nó sáng gấp 10 lần và nóng gấp 40 lần ngày nay.

6,8 tỉ năm sau

Mặt trời tiêu thụ hết helium. Trong khoảnh khắc, nó bắt đầu to lên, phần lõi tiếp tục hút lấy lớp vỏ bên ngoài. Nó trở nên lớn gấp 180 lần và nóng gấp 3000 lần trước đó và sẽ nuốt chửng lấy Trái đất.

6,9 tỉ năm sau

Mặt trời bắt đầu nở ra co lại với chu kì 100.000 năm, tiếp tục giải phóng năng lượng vào vũ trụ. Cuối cùng, nó sẽ trở thành một sao lùn trắng. Một số hành tinh sống sót sau giai đoạn kềnh đỏ, do lực hấp dẫn của Mặt trời nhỏ đi, sẽ thoát vào trong vũ trụ. Còn mặt trời thì sao? Nó sẽ bị lưu đày trong cái lạnh lẽo đời đời của vũ trụ.

Nguồn: MyScienceAcademy

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm