Hiệp Khách Quậy Xin mời đọc tiếp.
Cố gắng cứu lấy loài khủng long
Bạn có nhớ rằng tôi từng nói chúng ta vẫn có thể “can thiệp” vào quá khứ? Bây giờ tôi sẽ nói theo cách khác: chúng ta được phép trở về quá khứ và làm cho mọi thứ xảy ra theo kiểu như chúng vốn có do sự can thiệp của chúng ta. Tôi sẽ minh họa điều này với một ví dụ nữa.
Phần lớn các nhà khoa học ngày nay tán thành rằng một thiên thạch lớn đã va chạm với Trái đất hồi hơn sáu mươi triệu năm trước và bụi phóng xạ từ vụ va chạm ấy đã gây ra sự biến thiên khí hậu tàn khốc quét sạch loài khủng long. Tuy nhiên, một số loài thú đã sống sót và một số trong số này đã tiến hóa thành loài linh trưởng và rồi thành con người vào hàng triệu năm sau đó. Thật vậy, chúng ta có khả năng nói rằng, nếu loài khủng long không bị quét sạch thì muông thú, và do đó là con người, sẽ không được phép tiến hóa. Nói cách khác, chính nhờ có thiên thạch đó mà chúng ta có mặt tại đây, lúc này.
Giả sử một nhà cổ sinh vật học có một cỗ máy thời gian và một tên lửa nhiệt hạch (theo tôi biết thì không có khả năng đâu). Ông đi ngược thời gian 65 triệu năm về quá khứ dự định phá hủy thiên thạch trước khi nó lao vào Trái đất. Nhưng nếu ông cứu được loài khủng long khỏi bị tuyệt chủng thì không những ông sẽ “biến mất” mà phần còn lại của nhân loại cũng thế. Đây là một dạng hết sức cực độ của nghịch lí ông cháu.
Tôi sẽ làm sáng tỏ vấn đề ở đây và nói rằng nếu chúng ta chế tạo được một cỗ máy thời gian thì các định luật vật lí nhất định không cho phép chúng ta đi ngược đến một thời điểm trước khi cỗ máy thời gian đó được chế tạo. Đây là vì việc xây dựng một cỗ máy thời gian đòi hỏi liên kết những thời điểm khác nhau lại bên trong không thời gian. Cho nên thời điểm sớm nhất được liên kết theo kiểu này sẽ là thời điểm chế tạo ra cỗ máy thời gian. Tất cả những thời điểm trước đó sẽ bị mất vĩnh viễn và không còn “có sẵn” nữa. Điều này bác bỏ mọi khả năng để chúng ta đi ngược về thời tiền sử - trừ khi chúng ta tình cờ bắt gặp một cỗ máy thời gian vũ trụ ở đâu đó trong không gian đã có từ rất lâu đời.
Vì mục đích lập luận, chúng ta hãy cho rằng nhà cổ sinh vật học điên khùng ấy thật sự đi ngược thời gian đến vài giờ trước khi vụ va chạm thiên thạch xảy ra và nhắm tên lửa của ông vào nó. Ông ngước nhìn lên trời và thấy bản thân ông mất can đảm hơn nhiều so với ông vẫn nghĩ trước đó. Thật vậy, nếu thiên thạch va chạm với Trái đất, như trông nó dự định thế, nó sẽ quét sạch toàn bộ sự sống, chứ không riêng gì loài khủng long.
“Vâng”, nhà cổ sinh vật học của chúng ta tự nhủ, “Ta có thể làm tốt cái ta có thể làm”. Ông khai hỏa tên lửa và cho nó va chạm trực tiếp với thiên thạch. Thiên thạch bị phá hủy.
Nhưng... dường như một mảnh vỡ nhỏ còn sót lại và nó vẫn lao về phía Trái đất. Không còn tên lửa nào nữa, nên lúc này nhà cổ sinh vật học không còn làm gì được mà chỉ biết ngước nhìn quả cầu lửa khi nó lao vút trong khí quyển, va chạm với Trái đất và, đoán xem chuyện gì xảy ra? Nó gây họa tuyệt chủng cho loài khủng long!
Bạn thấy đấy, không những nhà cổ sinh vật học không thể làm thay đổi lịch sử, mà thật ra ông còn gây ra nó. Giá như ông không đi ngược thời gian và phá hủy thiên thạch thì ông sẽ không hề tồn tại. Tôi đã chuyển sang lập luận từ trên xuống và nghịch lí dường như đã biến mất. Nhưng không giống như câu chuyện trước, trong đó John phải liên tục bắn hụt mẹ của anh ta, giờ thì nhà cổ sinh vật học của chúng ta không thể nào bắn hụt, vì nếu không ông ta sẽ không bao giờ tồn tại. Vào phút cuối, ông không thể quyết định là không bắn tên lửa hoặc có thể làm cái gì đó để làm lệch hướng bay của nó. Thật dễ bác bỏ nghịch lí không có sự lựa chọn trong trường hợp này bằng cách khẳng định rằng, không giống như ví dụ trước đó trong đó chúng ta đòi hỏi có cái gì đó khiến John thất bại, ở đây nhà du hành thời gian không nhận thức được tội ác của việc làm của anh ta và sự thiếu chọn lựa của anh ta.
Lỗ đen, lỗ sâu đục và cỗ máy thời gian
Jim Al-Khalili
Bản dịch của Thuvienvatly.com
Phần tiếp theo >>