Hiệp Khách Quậy 1. MSL/Curiosity hạ cánh lên sao Hỏa. Dự kiến vào tháng 8/2012, việc hạ cánh của Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa (MSL) sẽ lập một kỉ lục mới về lòng quả cảm công nghệ và đánh dấu sự khởi đầu một chương trình thám hiểm sao Hỏa đầy hào hứng. Để hạ cánh lên khu vực như mong muốn, các nhà khoa học đã phát... Xin mời đọc tiếp.
1. MSL/Curiosity hạ cánh lên sao Hỏa. Dự kiến vào tháng 8/2012, việc hạ cánh của Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa (MSL) sẽ lập một kỉ lục mới về lòng quả cảm công nghệ và đánh dấu sự khởi đầu một chương trình thám hiểm sao Hỏa đầy hào hứng. Để hạ cánh lên khu vực như mong muốn, các nhà khoa học đã phát triển thiết bị hạ cánh chính xác hơn so với những phương tiện đã từng sử dụng. Curiosity sẽ thám hiểm miệng hố Gale, một khu vực hội đủ những khả năng cho việc tìm kiếm sự sống trước đây – hay chỉ ở dạng tiềm năng thôi.
Dự kiến xe tự hành Curiosity sẽ tiếp đất sao Hỏa vào tháng 8/2012. Ảnh: NASA
2. Bắt đầu pha khoa học cho sứ mệnh GRAIL. Sứ mệnh Phòng thí nghiệm Hồi phục Hấp dẫn và Lõi Mặt trăng (GRAIL) của NASA đã rời bệ phóng hồi đầu tháng 12 và đã đi vào quỹ đạo mặt trời khi năm mới vừa đến. Sứ mệnh có hai phi thuyền nối đuôi nhau quay xung quanh mặt trăng, phi thuyền này ở phía sau phi thuyền kia một chút. Chúng sẽ truyền tín hiệu vô tuyến cho nhau, giúp các nhà khoa học lập bản đồ trường hấp dẫn của mặt trăng. Mặc dù cặp đôi phi thuyền nay đã ở trong quỹ đạo, nhưng pha khoa học mãi đến tháng 3/2012 mới chính thức bắt đầu, và chúng ta chắc chắn sẽ có những tin tức mới mẻ về mặt trăng không bao lâu sau đó.
Hiện nay đã ở trong quỹ đạo xung quanh mặt trăng, nhưng phi thuyền GRAIL sẽ bắt đầu chương trình khoa học của chúng vào tháng 3/2012. Chúng sẽ có thể phát hiện ra những biến thiên nhỏ xíu về khối lượng – núi non, hang hố, thậm chí những khối lượng khác lạ chôn vùi bên dưới bề mặt chị Hằng. Ảnh: NASA
3. Khả năng phi thuyền Voyager rời khỏi hệ mặt trời. Trong năm nay, sứ mệnh Voyager của NASA, phóng lên hồi năm 1977, đã đi vào một khu vực mới thuộc một loại “địa ngục vũ trụ”, một khu vực bí ẩn gọi là nhật quyển. Cặp đôi phi thuyền vẫn hoạt động tốt và gửi dữ liệu về Trái đất. Các nhà khoa học không chắc chắn chính xác khi nào phi thuyền sẽ thoát khỏi nhật quyển và đi vào không gian giữa các sao – vật thể đầu tiên do con người chế tạo đi ra khỏi hệ mặt trời – nhưng, theo một thông cáo báo chí hồi tháng 12/2011, dữ liệu gửi về cho thấy thời gian chờ đợi có thể từ vài ba tháng đến vài ba năm. Hãy tiếp tục theo dõi.
Voyager 1 và/hoặc Voyager 2 sẽ rời khỏi hệ mặt trời trong năm 2012 hay không? Ảnh: NASA/JPL-Caltech
4. Phi thuyền MESSENGER bắt đầu sứ mệnh mở rộng. Sứ mệnh MESSENGER (Mercury, Surface, Space Environment, Geochemistry and Ranging) của NASA, phóng lên hồi năm 2004, đã trở thành phi thuyền đầu tiên đi vào quỹ đạo Thủy tinh vào hôm 18 tháng 3, 2011. Nó được thiết kế để hoạt động cho đến ngày 17 tháng 3, 2012, nhưng NASA đã thống nhất tiếp tục cho nó hoạt động thêm. Các chi tiết vẫn đang được triển khai, theo một thông cáo báo chí hồi tháng 11, nhưng chắc chắn MESSENGER sẽ tiếp tục nghiên cứu những bí ẩn của hành tinh nhỏ bé, nóng nhất và ở gần mặt trời nhất này.
Phi thuyền vũ trụ MESSENGER của NASA tại hành tinh trong cùng nhất của hệ mặt trời, Thủy tinh, sẽ bắt đầu sứ mệnh mở rộng trong năm 2012. Ảnh: NASA
5. Chuyến bay đầu tiên của SpaceX lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Khi NASA đánh giá lại vai trò và tương lai của mình, họ đã mở rộng cửa tiếp nhận sự đầu tư từ lĩnh vực tư nhân. Hồi đầu tháng 12, NASA đã chấp thuận SpaceX cho một minh chứng Dịch vụ Vận tải Quỹ đạo Thương mại thứ hai, chuẩn bị phê duyệt những bản đánh giá an toàn cuối cùng. NASA cũng sẽ cho phép phi thuyền Dragon của SpaceX phóng không người lái lên gặp gỡ với ISS; nếu thành công, nó sẽ mang lại cho người Mĩ khả năng phóng phi thuyền có người lái và không có người lái lên ISS, công việc hiện tại bị đình trệ do sự kết thúc của chương trình tàu con thoi vũ trụ.
SpaceX phóng một tên lửa Falcon 9 hồi năm 2010. Trong năm 2012, một tên lửa SpaceX sẽ phóng về phía Trạm Vũ trụ Quốc tế. Ảnh: Chris Thompson, SpaceX
Lucky_Rua – thuvienvatly.com
Theo EarthSky.org