Hiệp Khách Quậy Vi khuẩn lấy từ các vách đá ở ngôi làng đánh cá nhỏ Beer vùng Devon, Anh quốc, đã sống sót trên mặt ngoài của Trạm Vũ trụ quốc tế trong 533 ngày. Vi khuẩn trên, tên gọi là OU-20, giống như các khuẩn lam tên là Gloeocapsa. Xin mời đọc tiếp.
Vi khuẩn lấy từ các vách đá ở ngôi làng đánh cá nhỏ Beer vùng Devon, Anh quốc, đã sống sót trên mặt ngoài của Trạm Vũ trụ quốc tế trong 533 ngày. Vi khuẩn trên, tên gọi là OU-20, giống như các khuẩn lam tên là Gloeocapsa.
Gloeocapsa nhìn qua kính hiển vi tương phản pha. Ảnh: Connecticut College
Các viên đá được đặt trên mặt ngoài của thiết bị công nghệ trần của Cơ quan Vũ trụ châu Âu tại một đầu của trạm vũ trụ. Những khoanh đá Beer nhỏ có các vi khuẩn bên trong và bên ngoài. Trong một năm rưỡi ở bên ngoài trạm vũ trụ, chúng phải chịu sự biến đổi nhiệt độ kịch tích, phơi ra trước tia vũ trụ và ánh sáng tử ngoại. Không những môi trường là kị khí, mà chân không vũ trụ cũng làm toàn bộ nước có trong đá sôi lên hết.
Giáo sư Charles Cockwell thuộc Viện nghiên cứu Các khoa học Hành tinh và Vũ trụ, Đại học Mở (OU), người tiến hành nghiên cứu trên, cho biết các mảnh đá Beer có chứa nhiều “sinh vật sống hàng ngày”, nhưng một phần lí do mà các vi khuẩn OU-20 vẫn sống sót có thể là vì chúng tạo ra một tập đoàn đa bào bảo vệ cho các tế bào ở giữa. Chúng còn có thành tế bào dày có thể giúp chúng tồn vong. Các sinh vật này có họ hàng với các vi khuẩn sống sót ở Nam Cực và trong các sa mạc, nên Cockwell nói ông ngờ rằng chúng cũng có các quá trình sửa lỗi ADN khá tốt.
Thí nghiệm trên là một trong vài thí nghiệm được thiết kế để tìm hiểu xem các vi khuẩn có thể hữu ích trong các chuyến thám hiểm tương lai của các nhà du hành trong hệ mặt trời hay không. Trong số các lợi ích đã đề xuất là sự tái sinh các hệ hỗ trợ sự sống, và khai khoáng bằng giải pháp sinh học, hoặc sử dụng vi khuẩn để trích xuất khoáng chất từ đá trên mặt trăng hoặc sao Hỏa.
Sự sống sót của nhiều vi khuẩn trong một môi trường cực đoan như vậy mà không cần cung cấp thêm oxygen làm tăng thêm sức nặng cho giả thuyết cho rằng các vi khuẩn mang trong các thiên thạch và sao băng có thể gieo mầm sự sống trên những hành tinh hoặc vệ tinh khác.
Các bào tử vi khuẩn đã được chứng minh có khả năng sống sót trong hàng năm trời trên quỹ đạo, nhưng đây là lần đầu tiên các vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lam, được chứng minh là có thể sống sót lâu như vậy trong không gian. Một thí nghiệm trước đây, Biopan-6, do các nhà du hành người Nga thực hiện, chứng tỏ vi khuẩn OU-20 và một nhóm “gấu nước” nhỏ xíu có khả năng sống sót bên ngoài trạm vũ trụ trong thời hạn 10 ngày.
Các vi khuẩn sống sót đã được mang về Trái đất và hiện đang sinh sôi trong một phòng thí nghiệm ở Milton Keynes.
Nguồn: PhysOrg.com