Hiệp Khách Quậy Bốn thế hệ liên tiếp của dòng họ Becquerel được đào tạo tại trung tâm học thuật danh giá của nước Pháp, trường Bách khoa École, và trở thành giáo sư vật lí tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nước Pháp. Xin mời đọc tiếp.
Bốn thế hệ liên tiếp của dòng họ Becquerel được đào tạo tại trung tâm học thuật danh giá của nước Pháp, trường Bách khoa École, và trở thành giáo sư vật lí tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nước Pháp. Alexandre Edmond Becquerel là con trai của Antoine César (1788-1878), người khám phá ra hiện tượng áp điện, là cha của Antoine Henri (1852-1908), người khám phá ra sự phóng xạ, và là ông nội của Jean Antoine (1878-1953), người được biết tới nhiều nhất với nghiên cứu của ông về thuyết tương đối và khám phá ra sự quay phân cực khi có mặt từ trường. Mặc dù tất cả những nhà khoa học danh giá này đều tiến hành những thí nghiệm đa dạng liên quan đến quang học, nhưng chính Alexandre Edmond Becquerel mới là người có đóng góp đáng kể nhất cho lĩnh vực đó.
Ra đời ở Paris vào ngày 24 tháng 3 năm 1820, Alexandre Edmond Becquerel lúc đầu là học trò, sau đó là trợ lí, cho cha của ông, và nhiều nghiên cứu của ông có liên quan đến nghiên cứu của người cha Becquerel. Tuy nhiên, Edmond đặc biệt hứng thú với ánh sáng và dấn thân vào nghiên cứu có chiều sâu với lĩnh vực đó. Ông đã khảo sát các đặc trưng quang phổ và tác dụng quang hóa của mặt trời, và đặc biệt quan tâm đến hiện tượng huỳnh quang và lân quang. Để hỗ trợ cho nghiên cứu vừa nói, Becquerel đã phát minh ra lân quang nghiệm, một dụng cụ có khả năng đo khoảng thời gian giữa sự phơi sáng của một chất rắn, chất lỏng, hoặc chất khí trước nguồn sáng và sự biểu hiện lân quang của chất đó. Qua việc sử dụng lân quang nghiệm, Becquerel đã có thể xuất hiện chính xác hơn những chất liệu nhất định có biểu hiện lân quang hoặc huỳnh quang hay không, vì một trong những sự khác biệt then chốt giữa hai hiện tượng là khoảng thời gian tồn tại trạng thái kích thích, đó là khoảng thời gian trôi qua trước khi hiệu ứng xảy ra sau sự hấp thụ ánh sáng (huỳnh quang xảy ra hầu như tức thời sau khi kích thích, còn lân quang được đặc trưng bởi một thời gian tồn tại trạng thái kích thích kéo dài hơn nhiều). Lân quang nghiệm còn cho phép Becquerel khám phá ra sự lân quang ở một số chất trước đó người ta không tin là có biểu hiện hiệu ứng trên.
Nghiên cứu của Alexandre Edmond Becquerel về sự huỳnh quang và lân quang đã đưa ông đến với phát triển ý tưởng khai thác những hiệu ứng này trong những nguồn phát sáng, vào cuối thập niên 1850. Ông đã áp dụng thực nghiệm nhiều chất phát quang đa dạng làm lớp tráng bên trong cho ống phóng điện, và mặc dù ông chưa bao giờ thành công trong việc tạo ra một bóng đèn thương mại, nhưng nghiên cứu của ông cuối cùng đã đưa đến sự phát triển của bóng đèn huỳnh quang được sử dụng rộng rãi ngày nay. Kết quả từ nhiều nghiên cứu khác của Becquerel về sự phát quang và những lĩnh vực quang học khác được công bố vào năm 1867 và 1868 trong chuyên luận hai tập mang tựa đề La Lumiere, ses causes et ses effets. Ông được bổ nhiệm làm giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên vào năm 1878, vì thế ông trực tiếp kế thừa người cha nổi tiếng của mình, và ông còn là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học từ năm 1863 đến khi ông qua đời vào ngày 11 tháng 5 năm 1891.
Theo fsu.edu