Hiệp Khách Quậy Lò vi sóng đã là một dụng cụ nhà bếp thông dụng trong hàng thập niên qua, nó cho phép bạn đun nấu từ rau củ đông lạnh cho đến thịt hộp trong thời gian vài phút. Thế nhưng trong khi thưởng thức đồ ăn của mình, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình đứng gần lò vi sóng bao nhiêu là an toàn, và liệu có bức xạ nào có... Xin mời đọc tiếp.
Lò vi sóng đã là một dụng cụ nhà bếp thông dụng trong hàng thập niên qua, nó cho phép bạn đun nấu từ rau củ đông lạnh cho đến thịt hộp trong thời gian vài phút. Thế nhưng trong khi thưởng thức đồ ăn của mình, có lẽ bạn sẽ tự hỏi mình đứng gần lò vi sóng bao nhiêu là an toàn, và liệu có bức xạ nào có thể thoát ra từ lò và gây hại cho bạn hay không.
Bạn có nhất thiết lo lắng về điều này không? Câu trả lời ngắn gọn là: không. Các tổn thương từ bức xạ vi sóng là rất hiếm, theo Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (FDA). Tuy nhiên, có những cảnh báo nhất định bạn nên tuân thủ để giữ cho bản thân an toàn khi sử dụng lò vi sóng.
Vi sóng là một loại bức xạ điện từ, hay các sóng năng lượng lan truyền trong không gian. Bức xạ điện từ có nhiều loại, trong đó có sóng vô tuyến, ánh sáng nhìn thấy, tia X, và tia gamma.
Giống như sóng vô tuyến, vi sóng là một loại “bức xạ phi ion hóa”, nghĩa là chúng không có đủ năng lượng để đánh bật electron ra khỏi nguyên tử. Do đó, theo Hội Ung thư Hoa Kì, vi sóng không gây thiệt hại cho ADN bên trong các tế bào.
Trái lại, tia X và tia gamma được phân loại là “bức xạ ion hóa”, loại bức xạ có đủ năng lượng để loại electron ra khỏi nguyên tử và có thể gây thiệt hại cho các tế bào và ADN.
Mặc dù vi sóng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như tia X, song điều đó không có nghĩa là chúng không rủi ro. Vi sóng làm nóng thực phẩm bằng cách làm cho các phân tử nước dao động, từ đó tạo ra nhiệt. Trên lí thuyết, vi sóng có thể làm nóng các mô trong cơ thể theo cách y như chúng làm nóng thực phẩm, và ở cường độ cao, vi sóng có thể gây bỏng và đục nhãn cầu. Song các kiểu tổn thương này là rất hiếm gặp và nói chung chỉ xảy ra khi người ta hứng phải một lượng lớn bức xạ rò rỉ qua các lỗ thông trên lò. Hơn nữa, FDA yêu cầu lò vi sóng phải được thiết kế theo một cách nhất định để ngăn chặn những kiểu rò rỉ bức xạ này. Ví dụ, FDA yêu cầu lò vi sóng phải có hai hệ thống khóa trong làm ngừng việc sản sinh vi sóng lúc cửa lò mở. Và FDA cũng yêu cầu các lò này phải có một hệ thống giám sát làm dụng cụ ngừng hoạt động ngay nếu một trong hai hệ thống khóa trong bị hỏng.
Do đó, bạn không nên quá lo lắng về vi sóng thừa rò rỉ ra khỏi lò nướng của mình, trừ khi có hỏng hóc với bản lề, then cửa hay vỏ bọc của lò.
Tuy nhiên, FDA khuyến cáo bạn nên kiểm tra kĩ lò vi sóng của mình và không nên dùng nó nếu cửa đóng không chặt, hoặc nếu nó “bị cong, bị móp, hoặc bị hỏng theo kiểu nào đó khác”. Thêm một cảnh báo nữa, FDA khuyến nghị bạn không nên tựa người hay đứng ngay trước lò vi sóng trong một khoảng thời gian dài khi nó đang hoạt động.
Các tổn thương do vi sóng là hiếm, nhưng người ta dễ bị tổn thương liên quan đến nhiệt do chạm trúng dụng cụ đựng thức ăn hoặc thức ăn quá nóng, hoặc bị chất lỏng nóng văng trúng. FDA khuyến cáo mọi người nên có cảnh báo dễ hiểu khi cầm thức ăn nóng và thức uống đun nấu trong lò vi sóng.
FDA cũng cảnh báo rằng, khi bạn sử dụng vi sóng để nấu nước trong một cái cốc, thì có nguy cơ nước bị “quá nhiệt”, nghĩa là nó nóng quá điểm sôi của nó. Khi điều này xảy ra, nước không có biểu hiện sôi, nhưng một nhiễu động nhỏ với nước – có thể xảy ra khi chạm tay vào hoặc nhấc cốc lên – có thể làm cho nước sôi bắn vọt lên. Điều này có thể làm bỏng da hoặc các tổn thương do nhiệt, nhất là trên mặt và hai cánh tay. Để tránh nước bị quá nhiệt, FDA khuyên mọi người không nên đun nước quá thời gian khuyến cáo của tài liệu hướng dẫn sử dụng lò vi sóng.
Thật vậy, bạn nên dành thời gian đọc và tuân thủ theo tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm lò vi sóng của bạn để giữ cho bản thân an toàn khi sử dụng nó.
Nguồn: Live Science