Hiệp Khách Quậy Hải Vương tinh hé lộ nhiều bí ẩn của nó với sự hỗ trợ của phi thuyền Voyager 2 (Nhà du hành 2). NASA và Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) cùng hợp tác thiết kế và chế tạo chương trình Voyager. Xin mời đọc tiếp.
VOYAGER 2
Hải Vương tinh hé lộ nhiều bí ẩn của nó với sự hỗ trợ của phi thuyền Voyager 2 (Nhà du hành 2). NASA và Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) cùng hợp tác thiết kế và chế tạo chương trình Voyager. Hai phi thuyền giống hệt nhau không người lái – nghĩa là không có nhà du hành nào bên trong hết – Voyager 1 và Voyager 2, được phóng lên vào năm 1977 để khảo sát Mộc tinh và Thổ tinh. Sau khi phi thuyền đã ở trong vũ trụ, thì sứ mệnh của chúng được thay đổi để bao gồm cả việc quan sát Thiên Vương tinh và Hải Vương tinh trước khi phi thuyền rời Hệ Mặt trời của chúng ta đi thám hiểm vũ trụ bên ngoài. Voyager 2 là phi thuyền đầu tiên đến viếng Hải Vương tinh.
Voyager 2 chuyển động ở tốc độ 67 000 km/h, nhanh hơn bất kì phi thuyền có người lái nào. Tuy nhiên, khoảng cách đến Hải Vương tinh quá lớn nên phi thuyền vẫn phải mất 12 năm mới tới được hành tinh trên. Năm 1989, Voyager đã tiếp cận Hải Vương tinh đủ gần để bắt đầu thực hiện các quan sát. Phi thuyền tiếp tục triển khai các quan sát từ tháng 6 đến tháng 10. Nó tiếp cận Hải Vương tinh gần nhất là vào ngày 25 tháng 8 năm 1989.
Voyager 2 đã gửi về một số dữ liệu và hình ảnh hết sức rõ ràng cho các nhà khoa học trên Trái đất. Các hình ảnh và thông tin cho thấy Hải Vương tinh có chút tương tự với Thiên Vương tinh và Mộc tinh. Giống như chúng, nó là một hành tinh khí khổng lồ. Hải Vương tinh cũng có methane trong khí quyển của nó, mang lại cho hành tinh một màu lam dễ nhìn.
Voyager 2 còn cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát một cơn bão khổng lồ trên Hải Vương tinh, cái họ gọi là Đốm Đen Lớn. Cơn bão đó lớn bằng cả Trái đất. Đốm Đen Lớn di chuyển xung quanh hành tinh mỗi vòng 16 ngày, vì những cơn gió mạnh của Hải Vương tinh thổi nó đi. Những quan sát mới đây của Hải Vương tinh cho thấy Đốm Đen Lớn đã biến mất.
Còn có một hệ thống bão nhỏ hơn gọi là Đốm Đen 2. Nó dường như bị đuổi trong những cơn gió nhanh hơn, vì nó di chuyển xung quanh hành tinh chỉ trong 16 giờ. Với Đốm Đen 2 là một đám mây sáng – hầu như màu trắng – các nhà khoa học gọi nó là Scooter (Xe hẩy) vì nó “hẩy” xung quanh Hải Vương tinh mỗi vòng trong 16 giờ.
Voyager 2 đã mang lại cho các nhà khoa học rất nhiều thông tin về Hải Vương tinh. Giống như mọi hành tinh khác, nó được xác nhận là có một từ trường riêng. Từ trường của Hải Vương tinh mạnh hơn từ trường của Trái đất. Dữ liệu thu từ phi thuyền Voyager 2 đã giúp các nhà khoa học tính ra độ dài chính xác của ngày Hải Vương tinh. (Một ngày là thời gian cần thiết cho một hành tinh hoàn tất một vòng quay quanh trục của nó) Từ phía Trái đất, các nhà khoa học chỉ có thể ước tính nó dài chừng 18 giờ. Nhưng Voyager 2 chứng tỏ rằng ngày Hải Vương tinh dài khoảng 16 giờ 7 phút.
Trôi nổi trong vũ trụ
Cặp phi thuyền song sinh, Voyager 1 và Voyager 2, do NASA phóng lên vào mùa hè năm 1977, từ Mũi Canaveral, Florida. Voyager 1 hiện đang giữ kỉ lục phi thuyền đi xa nhất. Voyager 2, phi thuyền đến viếng nhiều hành tinh hơn, trong đó có Hải Vương tinh, cũng đang lao mình ra vũ trụ ngoài kia.
Trong 10 đến 12 năm nữa, hai phi thuyền Voyager sẽ tiếp tục đi qua vùng nhật dừng, đó là không gian nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Mặt trời. Chúng sẽ tiếp tục chuyển động, với đủ năng lượng để gửi thông tin về Trái đất trong thời gian ít nhất là đến năm 2020. Voyager 1 và Voyager 2 được dự tính thả nổi vĩnh viễn trong Dải Ngân hà – trừ khi chúng va trúng cái gì đó chưa biết. Mỗi phi thuyền mang theo một số bản ghi âm nhạc và ngôn ngữ Trái đất và gửi lời chào đến những ai bắt gặp chúng.
Phi thuyền thám hiểm Voyager 2
Phần tiếp theo: Các vệ tinh và vành của Hải Vương tinh
Hải Vương tinh - Josepha Sherman - Trần Nghiêm dịch