Hiệp Khách Quậy Các vật thể gần Trái đất (NEO) là các tiểu hành tinh hoặc sao chổi có quỹ đạo thỉnh thoảng đưa chúng đến gần quỹ đạo của Trái đất. Do đó, một NEO có thể một ngày nào đó sẽ va chạm với Trái đất – và có khoảng gần 7000 trong số chúng đã được biết tới, con số này nhiều gấp vài lần so với nhiều người dự... Xin mời đọc tiếp.
Các vật thể gần Trái đất (NEO) là các tiểu hành tinh hoặc sao chổi có quỹ đạo thỉnh thoảng đưa chúng đến gần quỹ đạo của Trái đất. Do đó, một NEO có thể một ngày nào đó sẽ va chạm với Trái đất – và có khoảng gần 7000 trong số chúng đã được biết tới, con số này nhiều gấp vài lần so với nhiều người dự đoán.
Tiểu hành tinh Gaspra qua ảnh chụp của phi thuyền Galileo. Mặc dù không phải là một NEO, nhưng bề mặt của Gaspra có lẽ giống với bề mặt của một số NEO. Ảnh: NASA
Va chạm của một NEO cỡ 1 km có khả năng phá hủy cả một quốc gia nhỏ như Việt Nam ta. Người ta suy đoán sự kiện Tunguska 1908 đã san phẳng hơn 2000 km vuông ở Nga gây ra bởi một tiểu hành tinh đường kính chỉ có 60 m. Chính vì thế mà Thượng viện Mĩ đã thông qua một mục tiêu 10 năm lập danh mục 90% trong tổng số các NEO có đường kính lớn hơn 140 m.
Tương đối dễ phát hiện ra một NEO trong vùng sáng khả kiến bằng cách quan sát chuyển động của nó trên bầu trời từ đêm này sang đêm khác. Tuy nhiên, việc đo kích cỡ của nó thì khó hơn nhiều. Vấn đề là ở chỗ độ sáng quang học của một NEO là kết quả của kích cỡ lẫn suất phản chiếu của nó – và người ta không thể nào xác định kích cỡ của một tiểu hành tinh chỉ duy từ độ sáng quang học của nó. Cho đến nay, chỉ mới khoảng 1,5% các NEO đã có các phép đo kích cỡ, và nhiều trong số này là những vật thể tương đối lớn. Mặc dù các nhà thiên văn học dự đoán rằng số lượng NEO đường kính 100 m nhiều gấp 10 lần số lượng NEO đường kính 1 km, nhưng các NEO 100 m thì sức phá hoại thấp hơn đến 1000 lần.
Các nhà thiên văn học Joe Hora, Giovanni Fazio, Howard Smith, và Tim Spahr đã thành lập một đội gồm 16 nhà thiên văn để nghiên cứu các NEO trong vùng sóng hồng ngoại, nơi các NEO phát ra bức xạ riêng của chúng đồng thời phản xạ ánh sáng mặt trời. Độ sáng hồng ngoại, khi kết hợp với giá trị quang học, cho phép các nhà khoa học suy luận ra kích cỡ lẫn suất phản chiếu. Ngoài ra, vì suất phản chiếu là một tính chất của các đặc trưng bề mặt tiểu hành tinh (nó rắn? hay dạng cột vụn?) và thành phần khoáng vật học, nên kết quả sẽ giúp xác định bản chất của tiểu hành tinh, và từ đó có lẽ cả nơi nó phát sinh trong hệ mặt trời, và nó đã phát triển qua các giai đoạn như thế nào nữa.
Sử dụng Ma trận Camera Hồng ngoại trên Kính thiên văn vũ trụ Spitzer, đội nghiên cứu đã đảm nhận một chương trình nhằm mô tả đặc trưng 700 NEO, tăng rất nhiều so với con số đã biết. Trong bài báo đầu tiên của họ về dự án đang triển khai này, đội khoa học đã công bố những kết quả ban đầu: gần một nửa số vật thể có đường kính nhỏ hơn 1 km, với vật thể nhỏ nhất bề ngang chỉ khoảng 90 m.
Họ trình bày rằng dữ liệu từ trước đến nay cho thấy các NEO nhro hơn không chỉ dồi dào hơn, mà dường như chúng đã trải qua các quá trình trong hệ mặt trời làm cho chúng có phần đông đúc hơn so với trông đợi từ việc ngoại suy cơ sở thống kê của các NEO lớn. Đặc biệt, các nhà thiên văn kết luận từ các điều kiện bề mặt rằng những tiểu hành tinh nhỏ này có khả năng còn trẻ - thậm chí có lẽ chưa tới một triệu năm tuổi. Các kết quả trên mang lại thêm khó khăn cho thách thức mà Thượng viện Mĩ đặt ra cho các nhà khoa học: mô tả đặc trưng phần lớn các vật thể gần trái đất có tiềm năng nguy hại, và cải thiện kiến thức của chúng ta về quá trình vật lí đã và đang định hình hệ mặt trời kể từ khi nó ra đời cách nay khoảng 5 tỉ năm trước.
Nguồn: PhysOrg.com