Hiệp Khách Quậy Một giải thưởng khủng trị giá 3 triệu đô vừa được công bố trao cho bảy nhà vật lí lãnh đạo Máy Va chạm Hadron Lớn (LHC) thuộc CERN và hai thí nghiệm chính của nó – ATLAS và CMS – kể từ năm 1994. Giải thưởng trao cho sự khám phá ra một hạt giống-Higgs tại LHC và là một trong hai “giải vật lí cơ bản đặc... Xin mời đọc tiếp.
Một giải thưởng khủng trị giá 3 triệu đô vừa được công bố trao cho bảy nhà vật lí lãnh đạo Máy Va chạm Hadron Lớn (LHC) thuộc CERN và hai thí nghiệm chính của nó – ATLAS và CMS – kể từ năm 1994. Giải thưởng trao cho sự khám phá ra một hạt giống-Higgs tại LHC và là một trong hai “giải vật lí cơ bản đặc biệt” từ Quỹ Fundamental Physics Prize Foundation, quỹ do tỉ phú gốc nhà vật lí người Nga Yuri Milner sáng lập hồi đầu năm nay. Một giải thưởng 3 triệu đô nữa được trao cho nhà vũ trụ học người Anh Stephen Hawking cho nghiên cứu của ông về lỗ đen, sự hấp dẫn lượng tử và vũ trụ sơ khai.
Một trong những người nhận giải tại CERN – phát ngôn viên CMS Joseph Incandela – phát biểu rằng ông “rất hạnh phúc” khi giành được giải thưởng. “Nó công nhận sự nỗ lực to lớn của rất nhiều con người mang đến rất nhiều sáng tạo và tỏa sáng cho các thí nghiệm và phức hợp máy gia tốc LHC đã biến toàn bộ những điều này thành có thể,” ông nói. “Tôi lấy làm vinh dự là lãnh đạo của thí nghiệm [CMS] vào lúc này, nhưng giống như nhiều người khác cùng làm việc với thí nghiệm tôi đã dành 15 đến 20 năm sự nghiệp của mình cho dự án này.”
Sáu nhà vật lí CERN cùng nhận giải thưởng là Lyn Evans, tổng chỉ đạo xây dựng LHC, phát ngôn viên ATLAS hiện nay Fabiola Gianotti và người tiền nhiệm của bà Peter Jenni, cùng Della Negra, Guido Tonelli và Tejinder Singh Verdee, ba người vừa kể đều thuộc đội CMS.
Trong một thư điện tử gửi báo Guardian, Hawking nói “các giải thưởng như thế này giữ một vai trò quan trọng trong việc mang lại sự công nhận rộng rãi cho thành tựu đạt được trong vật lí học”, nhưng ông bổ sung thêm rằng “chẳng ai làm nghiên cứu vật lí vì mục đích giành giải thưởng cả”.
Joseph Incandela (trái) và Fabiola Gianotti tại buổi công bố kết quả Higgs hồi tháng 6 năm 2012. (Ảnh: CERN)
Quỹ Fundamental Physics Prize Foundation cũng đã công bố những người giành giải của ba giải thưởng Physics Frontiers 2013 của quỹ này. Một giải Frontiers trao chung cho Charles Kane thuộc trường Đại học Pennsylvania, Laurens Molenkamp thuộc trường Đại học Würzburg và Shoucheng Zhang thuộc trường Đại học Stanford, cho sự dự đoán và khám phá của họ về những chất cách điện tô pô học. Giải thưởng thứ hai được trao cho Alexander Polyakov thuộc trường Đại học Princeton cho nghiên cứu của ông về lí thuyết trường và lí thuyết dây, còn giải thưởng thứ ba thì trao cho Joseph Polchinski thuộc trường Đại học California, Santa Barbara.
Mỗi người giành giải Frontiers này sẽ có tên trong danh sách chung kết xét giải Fundamental Physics Prize 2013, giải thưởng trị giá 3 triệu đô và sẽ được trao giải vào tháng 3. Người thắng giải Frontiers nào không giành được giải thưởng chính vẫn sẽ được nhận mỗi người 300.000 đô la.
Quỹ Fundamental Physics Prize Foundation cũng đã công bố ba người giành giải New Horizons 2013. Bao gồm Niklas Beisert thuộc trường ETH Zürich cho nghiên cứu của ông về lí thuyết đo lượng tử và lí thuyết dây, Davide Gaiotto thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton cho “tầm nhìn xa trông rộng” vào sự lưỡng tính, lí thuyết đo và hình học, và Zohar Komargodski thuộc Viện Khoa học Weizmann cho nghiên cứu của ông về các lí thuyết trường 4D. Mỗi nhà lí thuyết sẽ nhận 100.000 đô la.
Nhà tỉ phú Yuri Milner, 51 tuổi, vốn theo học vật lí lí thuyết tại trường Đại học Moscow nhưng không bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vật lí lí thuyết tại Viện Vật lí Lebedev. Sau một thời gian làm việc tại Ngân hàng Thế giới ở thủ đô Washington, ông chuyển sang đầu tư cho các công ti khởi nghiệp, chi hàng triệu đô la đầu tư cho các công ti Internet như Facebook, Twitter và Zynga. Số ra tháng 10/2012 của tạp chí Bloomberg Markets đã gọi ông là một trong 50 người có tầm ảnh hưởng nhất có khả năng “làm biến động thị trường hay định hình các ý tưởng hoặc chính sách”.
Nguồn: physicsworld.com