Hiệp Khách Quậy Khi đại bác và súng cầm tay được cải tiến, chúng trở nên sát thương hơn, và do đó mọi thứ sớm bắt đầu thay đổi. Nói chung, các trận đánh trở nên ít cận chiến hơn, với một nhóm bắn vào nhóm kia từ xa. Các tay súng không hề nhìn rõ người mà họ giết. Tuy nhiên, đồng thời, chiến tranh trở nên hủy diệt và... Xin mời đọc tiếp.
CUỘC CHIẾN BA MƯƠI NĂM
Khi đại bác và súng cầm tay được cải tiến, chúng trở nên sát thương hơn, và do đó mọi thứ sớm bắt đầu thay đổi. Nói chung, các trận đánh trở nên ít cận chiến hơn, với một nhóm bắn vào nhóm kia từ xa. Các tay súng không hề nhìn rõ người mà họ giết. Tuy nhiên, đồng thời, chiến tranh trở nên hủy diệt và tàn khốc hơn. Quân đội tràn qua các làng mạc đập phá, phóng hỏa, cướp bóc, và hiếp dâm, và đôi khi họ còn xóa sổ hoàn toàn các làng mạc.11
Lúc này, súng trường khá chính xác ở cự li vài trăm yard, và việc bắn phá bằng đại bác trở nên tàn khốc. Có ít sự bảo vệ trước hai vũ khí này. Một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất là Cuộc chiến Ba Mươi Năm, kéo dài từ năm 1618 đến 1648. Nó thật sự đã quét sạch một tỉ lệ lớn nam dân cư ở vài nước, và nó là một trong những cuộc chiến liên tục kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Nó bắt đầu là một cuộc chiến tranh tôn giáo, chủ yếu giữa phe Tin lành của Pháp, Thụy Điển, và Hà Lan với Giáo hội của Đế quốc La Mã Thần thánh. Lúc ấy, Đế quốc La Mã Thần thánh được lập thành từ các quốc gia độc lập, bao gồm Tây Ban Nha, Áo, và Bavaria. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, tôn giáo bắt đầu giữ vai trò ngày càng ít đi, và cuộc chiến đã phát triển thành một xung đột rộng lớn hơn trên nền tảng chính trị.12
Nhiều trận đánh chính của Cuộc chiến Ba Mươi Năm diễn ra ở nơi ngày nay gọi là nước Đức. Khỏi phải nói, các phát triển về vật lí học và mọi ngành khoa học đều giẫm chân tại chỗ trong những năm tháng này. Vào cuối cuộc chiến, phần lớn các nước tham chiến không những đều nợ nần, mà còn kiệt quệ. Tuy nhiên, vật lí thật sự giữ một vai trò nhất định ở sự đóng góp của nó cho các vũ khí và chiến thuật được sử dụng.
Cuộc chiến bắt đầu vào năm 1617 khi hoàng tử Áo, Ferdinand II, được chọn lên ngôi vua Bohemia. Ferdinand theo Công giáo, nên trong vòng một năm sau khi lên ngôi, ông bắt đầu đóng cửa các nhà thờ Tin lành. Người theo Tin lành nổi dậy, như kì vọng, và khi Ferdinand gửi hai thuyết khách Công giáo đến Lâu đài Hradčany ở Prague làm người điều hành chính quyền mới của ông, người theo đạo Tin lành đã tóm lấy họ và ném họ ra ngoài qua một cửa kính cao bảy mươi feet so với mặt đất. Thần kì làm sao, họ sống sót, và thế là cuộc chiến nổ ra.
Vua Công giáo Tây Ban Nha và quốc vương Bavaria đứng về phe Ferdinand. Một số ông hoàng Đức ủng hộ phe Tin lành. Từ năm 1618 đến 1625, phe Tin lành chịu hết thất bại này đến thất bại khác. Những nhân vật chủ chốt ở phe Công giáo là dòng tộc Habsburg, một dòng dõi hoàng gia trị vì Đế quốc La Mã Thần thánh, cùng với Áo, Bohemia, và Tây Ban Nha. Nhiều nước khác trong vùng e sợ nhà Habsburg, và người Pháp, người Anh, và người Hà Lan lập thành liên minh chống lại họ. Họ hậu thuẫn cho Christian IV của Đan Mạch và khuyến khích ông ta xâm lược nước Đức để ủng hộ phe Tin lành. Chống lại quân đội Christian là một đội quân Habsburg dưới trướng Albert xứ Wallenstein, và quân Christian thua thảm hại. Sau đó đến lượt Thụy Điển can thiệp.
Một khẩu đại bác cầm tay của người Trung Hoa xưa
THỤY ĐIỂN CAN THIỆP
Đế quốc La Mã Thần thánh và các đồng minh Công giáo của họ sớm gặp bất ngờ. Nhà vua trẻ của Thụy Điển, Gustav Adolphus, bắt đầu lo ngại rằng cuộc chiến đang áp tới quá gần Thụy Điển; ông e sợ một động thái chống lại Thụy Điển và quyết định hành động trước khi nó xảy ra. Adolphus đã lên làm vua Thụy Điển vào năm 1611 lúc mười bảy tuổi. Ông còn trẻ, song ông đã được vua cha chuẩn bị kĩ lưỡng, và ông là một nhà lãnh đạo thiên bẩm. Theo năm tháng, ông đã tự mình học lấy những kĩ thuật mới nhất về pháo binh, chiến lược quân sự, hậu cần, và cách tổ chức. Hơn nữa, ông còn có kinh nghiệm thực địa cầm quân tham chiến; ở tuổi ba mươi mốt ông đã cầm quân Thụy Điển đánh lại Ba Lan, và giành thắng lợi.
Quân lính của ông thuộc vào loại tốt nhất trên thế giới. Ông huấn luyện họ thường xuyên, và ông là một người kỉ luật chặt chẽ. Ông muốn sự hoàn hảo, hay gần như thế; đặc biệt, ông muốn hỏa lực tối đa từ quân lính của mình vào mọi lúc. Trong nỗ lực nhằm đạt tới mục tiêu này, ông đã giảm trọng lượng của súng trường để chúng dễ mang bên người hơn, và ông cho ra đời vỏ đạn giấy và bình đựng bột thuốc súng đã đong lường trước. Việc nạp đạn phải làm càng nhanh càng tốt. Quân đội của ông có thể khai hỏa với độ chuẩn xác cao ở tốc độ nhanh hơn ba lần so với phần lớn kẻ thù của ông. Ngoài ra, ông còn thực hiện những thay đổi chiến lược quan trọng. Lính của ông phục kích kẻ thù từ phía trước và hai bên, nả đạn khi chúng đi qua. Sau đó họ nhanh chóng rút lui và nạp đạn cho một đợt công kích mới. Ông chú trọng tấn công hơn phòng thủ, và tính lưu động cũng được nhấn mạnh. Và cuối cùng, không giống đa số các quân đội, lính của ông được huấn luyện chéo. Bộ binh và pháo binh có thể dễ dàng đổi chỗ, và mỗi người đều được dạy cưỡi ngựa, thành ra kị binh cũng có thể dễ dàng thay người. Thật vậy, ông thực hiện nhiều tiến bộ đến mức ông thường được gọi là cha đẻ của chiến tranh hiện đại.13
Vì thế khi ông tấn công miền bắc nước Đức vào năm 1630, ông đã chuẩn bị chu đáo, và ông dễ dàng chinh phục quân Công giáo chống đối. Không giống đa số các quân đội hay cưỡng đoạt và cướp bóc những đất nước mà họ chiếm đóng, Gustav không cho phép lính của ông cưỡng đoạt và cướp bóc. Tiếp tục tiến về phía trước, Adolphus gặp quân của Bá tước Tilly vào năm 1631, và ông nhanh chóng chiến thắng. Sau đó ông tiếp tục băng qua nước Đức đến sông Rhine, nơi ông cho quân dừng chân để chuẩn bị xâm lược Đế quốc La Mã Thần thánh. Vào năm sau ông lại xâm lược Bavaria, nhanh chóng khuất phục quân Công giáo chống đối.
Vào năm 1632, ông có trong tay một đội quân liên minh gồm khoảng hai mươi nghìn người. Tướng Wallenstein, người ông từng đánh trước đó, thống lĩnh một đội quân Công giáo có số quân gần như ngang bằng về số lượng. Họ tiến về phía nhau tại Lützen, Đức. Adolphus và lính của ông hạ trại và chuẩn bị tấn công vào lúc rạng sáng, nhưng khi họ tỉnh giấc, toàn bộ khu vực bị bao phủ trong một màn sương dày. Sự chậm trễ đó giúp Wallenstein bố trí kị binh của ông ta vào vị trí, và nó gây ra một vài khó khăn cho Adolphus. Sương mù không tan, và cuối cùng Adolphus quyết định cho tấn công dưới màn sương phủ. Nhưng khi ông tấn công, sự hỗn loạn bao trùm; thật khó phân biệt đâu là quân địch, Gustav và một toán nhỏ lính kị sớm mất tiếp xúc với nhánh chính kị binh của họ. Sự hỗn loạn sau đó dẫn tới sự tàn sát khủng khiếp ở cả hai phe, và trong cơn hỗn loạn đó, Adolphus bị trúng đạn. Ngựa của ông hoảng loạn và bắt đầu chạy hoang dại xuyên màn sương cho đến cuối cùng Adolphus rơi xuống đất. Khi ông nằm trên đất, một vài tên lính địch, có lẽ chẳng biết ông là ai, lại bắn ông lần nữa. Cuối cùng phe Thụy Điển thắng, nhưng người lãnh đạo của họ giờ đã chết, và đây là một đòn đau đối với họ.
Thật thú vị, Wallenstein không chết trận, nhưng ông bị ám sát chết không lâu sau đó. Và cuộc chiến nói chung vẫn chưa kết thúc. Nó tiếp tục thêm mười sáu năm nữa, đi đến kết thúc vào năm 1648. Adolphus đã ngã xuống như một người hùng ở Thụy Điển, và ông được tôn kính kể từ đó. Ngày nay, ông được gọi là Adolphus Vĩ Đại.
Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>