Giải thưởng 3 triệu đô sẽ biến nhà khoa học thành anh hùng

Hiệp Khách Quậy Nhà tỉ phú internet Yuri Milner cho biết ông thành lập những giải thưởng 3 triệu đô của riêng mình để tạo ra những người anh hùng cho thế hệ tiếp theo. Bài phỏng vấn của tạp chí New Scientist. Xin mời đọc tiếp.

Nhà tỉ phú internet Yuri Milner cho biết ông thành lập những giải thưởng 3 triệu đô của riêng mình để tạo ra những người anh hùng cho thế hệ tiếp theo. Bài phỏng vấn của tạp chí New Scientist.

Mục đích của những giải thưởng mới đó là gì?

Các nhà khoa học chưa được xem là những người anh hùng trong xã hội của chúng ta. Chúng tôi dự định làm thay đổi điều đó. Đây không hẳn là đối tượng trực tiếp; giải thưởng sẽ khuyến khích những người trẻ tuổi dấn thân vào khoa học đồng thời giúp tăng thêm nguồn tài trợ. Bạn càng quan tâm đến khoa học, thì mọi người sẽ càng được hưởng lợi nhiều hơn.

Vì sao ông nghĩ những nhà khoa học nổi tiếng lại là chìa khóa để truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo?

Để truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi dấn thân vào khoa học, bạn cần cho họ thấy những người anh hùng của thời hiện nay. Mọi người nhìn vào Usain Bolt và họ chạy. Bạn cần có những mô hình vai trò để thu hút tài năng trẻ. Điều đó không được nổi bật trong khoa học. Có mấy nhà khoa học là những cái tên quen thuộc của mọi nhà đâu chứ?

Yuri Milner

Hồi năm ngoái, Yuri Milner đã lập giải thưởng 3 triệu đô cho khoa học vật lí. Nay ông vừa lập thêm giải thưởng 3 triệu đô cho ngành khoa học sự sống.

Ông đã lập các giải thưởng vật lí hồi năm ngoái. Tại sao nay ông lại lập giải các khoa học sự sống?

Vật lí cơ bản nằm ở tiền tuyến của việc trả lời những câu hỏi lớn; tôi không nghĩ có bất kì câu hỏi nào lớn hơn là vũ trụ. Bộ câu hỏi lớn kế tiếp là về sự sống – sự tiến hóa, bệnh tật, di truyền, tuổi thọ và vân vân. Vì thế các khoa học sự sống là một bước tự nhiên thứ hai thôi.

Ông phân chia giải thưởng 3 triệu đô như thế nào?

Không có sự thần kì nào ở con số này cả, nhưng nó nhấn mạnh tầm quan trọng của những con người này trong xã hội: không phải chỉ những nhà đầu tư Phố Wall mới kiếm về tiền triệu. Tôi nói thế không có nghĩa là các nhà khoa học sẽ bị đồng tiền cuốn hút. Khoảng 3 triệu là không nhiều lắm – mặc dù nghe cũng không ít. Nó là tiền bồi dưỡng cho các nhà khoa học. Hàng triệu mạng sống được cứu vớt mỗi năm nhờ cái do những con người này khám phá ra, nhưng chưa ai biết họ là ai.

Tại sao ông quyết định lập ủy ban gồm những người nhận giải để chọn những người trao giải trong tương lai?

Tôi từng là một nhà khoa học và là một nhà đầu tư internet. Cái khiến cho một số công ti internet trở nên rất mạnh đó là hiệu ứng mạng: khi người ta gia nhập mạng, nó trở nên mạnh hơn không ngừng. Nếu những người đoạt giải trước đó chọn người nhận giải kế tiếp, thì họ phải tiếp tục giữ phong độ - nếu không họ sẽ làm giảm giá trị giải thưởng của mình.

Ông có quan tâm đến những mạng lưới gồm những người trong cuộc – đồng nghiệp lựa chọn đồng nghiệp?

Trong những năm qua, tôi nghĩ cách này sẽ không thật sự hay hơn. Nếu bạn còn nhớ, Facebook đã ra đời ở các trường đại học. Nó là một mạng lưới cho Harvard, rồi Stanford và rồi những trường đại học khác. Sau đó, nó vươn ra khỏi trường đại học, và càng phát triển lớn mạnh nó càng trở nên tiêu biểu. Bạn chỉ việc bắt đầu ở đâu đó. Trong số những cách chọn người nhận giải, tôi nghĩ đây là cách ít mang tính chính trị nhất.

Những người chỉ trích giải thưởng này nói rằng đa số những người nhận giải làm việc trong những trường đại học đã được tài trợ đầy đủ.

Số tiền này không dành cho nghiên cứu. Nó không dùng để mua trang thiết bị hay làm xâu chuỗi bộ gen – có nhiều tổ chức nhân đạo khác làm việc đó rồi. Giải thưởng trao thẳng vào túi của các cá nhân, và thưởng cho thành tựu cá nhân. Đó là lí do tôi nghĩ rất nhiều sự chỉ trích như thế này là đã đặt nhầm chỗ. Giải thưởng này trao cho con người, chứ không trao cho trường viện nghiên cứu.

Ông hi vọng những người nhận giải xài tiền như thế nào?

Tôi hi vọng số tiền này sẽ mang đến cho họ nhiều tự do hơn để làm cái họ muốn làm, cho phép họ dành nhiều thời gian hơn cho khoa học và bỏ ít thời gian hơn nghĩ tới cách sửa xe hoặc nuôi con học đại học hoặc mua nhà gì đó.

Nguồn: New Scientist
Trần Nghiêm lược dịch

Mời đọc thêm