Truyền thuyết Bảy Biển

Hiệp Khách Quậy Cụm từ “giong buồm Bảy Biển” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử. Từ “Bảy Biển” được nhắc tới bởi người Hindu, người Trung Hoa, người Ba Tư, người La Mã cổ đại và những nền văn hóa khác. Tên gọi lịch sử ám chỉ những vùng nước trên lộ trình mậu... Xin mời đọc tiếp.

Cụm từ “giong buồm Bảy Biển” có ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử. Từ “Bảy Biển” được nhắc tới bởi người Hindu, người Trung Hoa, người Ba Tư, người La Mã cổ đại và những nền văn hóa khác. Tên gọi lịch sử ám chỉ những vùng nước trên lộ trình mậu dịch và những vùng nước cục bộ; mặc dù trong một số trường hợp tên gọi biển có tính thần thoại chứ không phải những vùng nước có thật.

Từ “Bảy Biển” ("Seven Seas") đã phát triển thành một tên gọi ẩn dụ để mô tả một người thủy thủ từng đi khắp các vùng biển và đại dương trên thế giới, chứ không ám chỉ số bảy theo nghĩa đen.

Một bản đồ thế giới năm 1733

Một bản đồ thế giới năm 1733

Tại sao lại là bảy?

Con số bảy có rất nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh: con số bảy may mắn, bảy ngọn đồi thành Rome, bảy ngày trong tuần, bảy kì quan thế giới, bảy chú lùn, bảy ngày sáng thế, bảy huyệt đạo (yoga), bảy tội tử và bảy đức hạnh – và nhiều cái bảy khác.

Tên gọi “Bảy Biển” có xuất xứ từ xứ Sumer cổ đại vào năm 2300 trước Công nguyên, nơi nó được vị nữ tu sĩ Enheduanna sử dụng trong bài thánh ca hát về Inanna, vị nữ thần tình yêu nhục dục, sinh sản và chiến tranh.

Đến thời Ba Tư, Bảy Biển là những dòng suối tạo nên con sông Oxus, tên gọi cổ của sông Amu Darya, một trong những con sông dài nhất ở Trung Á. Nó bắt nguồn trong Dãy núi Pamir và chảy theo hướng tây bắc qua Hindu Kush, rồi băng qua Turkmenistan và Uzbekistan đổ vào Biển Aral.

Đến thời La Mã cổ đại, septem maria, tên Latin cho Bảy Biển, chỉ một nhóm gồm những phá nước mặn ngăn với vùng biển khơi bởi những bờ cát ở gần Venice. Tư liệu này được ghi lại bởi Pliny the Elder, một nhà văn và là một sĩ quan hải quân La Mã.

Người Arab cổ đại định nghĩa Bảy Biển là những vùng biển mà họ đã giong buồm trên những chuyến hành trình trên con đường trao đổi mậu dịch của họ với phương Đông. Chúng là Vịnh Ba Tư, Vịnh Khambhat, Vịnh Bengal, Eo biển Malacca, Eo biển Singapore, Vịnh Thái Lan và Biển Đông.

Người Phoenici là những thương nhân bậc thầy trên biển và thủy thủ của họ giong buồm đi nghiên cứu thị trường và vật liệu thô. Bảy Biển của họ là toàn bộ những vùng nước thuộc Địa Trung Hải – Alboran, Balearic, Ligurian, Tyrrhenian, Ionian, Adriatic và Aegean.

Người Hi Lạp và người La Mã mang đến định nghĩa trung đại của Bảy Biển. Trong thời kì này, nói tới Bảy Biển có nghĩa là Biển Adriatic; Biển Địa Trung Hải (bao gồm cả Biển Aegean); Biển Đen; Biển Caspi; Vịnh Ba Tư; Biển Arab (đó là một phần của Ấn Độ Dương); Biển Đỏ, bao gồm cả Biển Chết và BIển Galilee.

Trong Kỉ nguyên Khám phá (1450-1650), sau khi người châu Âu bắt đầu thám hiểm Bắc Mĩ, thì định nghĩa của Bảy Biển lại thay đổi. Thời đó thủy thủ nhắc tới Bảy Biển là nói tới Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Biển Caribbean, và Vịnh Mexico. Những nhà địa lí khác thì xem Bảy Biển khi ấy là Địa Trung Hải và Biển Đỏ, Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư, Biển Trung Hoa, Biển Đông Phi và Biển Tây Phi.

Thời kì Thực dân, giai đoạn chứng kiến những thuyền trà giong buồm từ Trung Hoa sang Anh quốc, làm phát sinh một mô tả khác của Bảy Biển: Biển Banda, Biển Celebes, Biển Flores, Biển Java, Biển Đông, Biển Sulu và Biển Timor. Khi họ nói “giong buồm Bảy Biển” có nghĩa là căng buồm đi đến bên kia thế giới rồi quay về.

Bảy Biển thời hiện đại

Danh sách hiện đại của Bảy Biển được đông đảo các nhà địa lí chấp nhận thật ra là danh sách gồm các đại dương:

Bắc Đại Tây Dương: phần Đại Tây Dương chủ yếu nằm giữa Bắc Mĩ và bờ biển phía đông bắc của Nam Mĩ hướng ra phía đông, và châu Âu và bờ biển tây bắc của châu Phi hướng ra phía tây.

Nam Đại Tây Dương: phần phía nam của Đại Tây Dương, mở rộng về phía nam từ xích đạo đến Nam Cực.

Bắc Thái Bình Dương: phần phía bắc của Thái Bình Dương, trải rộng từ xích đạo đến Bắc Băng Dương.

Nam Thái Bình Dương: phần phía nam của Thái Bình Dương, trải về phía nam từ xích đạo đến Nam Cực.

Bắc Băng Dương: nhỏ nhất trong Bảy Biển, nó bao xung quanh Cực Bắc.

Nam Băng Dương: bao gồm phần phía nam của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, và Ấn Độ Dương và những vùng biển phụ của chúng. Nó là đại dương mới nhất, được định nghĩa bởi Tổ chức Thủy văn Quốc tế vào năm 2000.

Ấn Độ Dương: trải rộng hơn 10.000 km giữa đầu nam của châu Phi và Australia.

Nguồn: Kim Ann Zimmermann, LiveScience
Trần Nghiêm dịch


Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm