Từ con số không trở thành anh hùng: Những ý tưởng không tưởng làm chuyển biến thế giới (5)

Hiệp Khách Quậy Chương trình theo dõi ozone của Cục Nam Cực Anh quốc đã gây xôn xao dư luận khi cơ quan này để ý thấy một lỗ thủng hết sức lớn trên bầu trời. Xin mời đọc tiếp.

Người Mĩ đã bỏ lỡ cơ hội tầng ozone như thế nào

Chương trình theo dõi ozone của Cục Nam Cực Anh quốc đã gây xôn xao dư luận khi cơ quan này để ý thấy một lỗ thủng hết sức lớn trên bầu trời.

Ernest Rutherford từng nhận xét rằng tất cả các khoa học hoặc là thuộc về vật lí học, hoặc chỉ là thú sưu tập tem mà thôi. Trong khi các nhà vật lí là những người tìm kiếm sự thật, những người làm sáng tỏ các quy luật bao quát của tự nhiên, thì những người còn lại chỉ là những nhà sưu tập, họ đơn giản chỉ là phân chia vạn vật thành hạng loại. Nhưng câu chuyện lỗ thủng tầng ozone cho thấy việc sưu tập và phân loại có thể có sự tác động hết sức lớn.

 

Lỗ thủng tầng ozone (Ảnh: NASA/SPL)

Vào đầu thập niên 1980, khi giới nghiên cứu Anh đối mặt trước sự cắt giảm ngân sách của chính phủ, các chương trình theo dõi dài hạn chịu sự đe dọa trực tiếp. Trong số chúng là các phép đo ozone khí quyển tại trạm nghiên cứu Halley của nước Anh ở Nam Cực.

Cục Nam Cực Anh quốc (BAS) đang tìm các giải pháp tiết kiệm, và việc theo dõi tầng ozone dường như chẳng là sự mất mát gì đáng kể. Sau đó, vào tháng 5 năm 1985, đã xuất hiện một quả tạc đạn: Joe Farman, Brian Gardiner và Jonathan Shanklin tường thuật sự mất mát lớn lượng ozone (Nature, vol 315, trang 207). Các nhà nghiên cứu BAS vẫn đang sử dụng một thiết bị 25 năm tuổi để ước tính bề dày của lớp ozone bằng cách đo bức xạ tử ngoại đâm xuyên qua khí quyển. Cho đến khi ấy chỉ mới có những bản báo cáo vặt vãnh có giá trị thấp, nhưng một xu hướng đã hiện rõ khi đội nghiên cứu vẽ đồ thị các trị trung bình của các phép đo tối thiểu. Sau đó, Farman đã nghiên cứu một số cơ chế hóa học của lỗ thủng đó.

Trong khi những người Anh đang sử dụng thiết bị cũ kĩ của họ, thì vệ tinh Nimbus 7 của NASA cũng mang lại những bằng chứng rõ ràng của sự suy yếu tầng ozone. Nhưng vì ngập mình trong dòng lũ dữ liệu và không có sự chuẩn tinh thần từ trước, nên những người Mĩ vốn lo ngại thiết bị hoạt động không chuẩn, thoạt đầu đã bỏ sót vấn đề.

Khám phá ngoài dự tính của Farman chứng tỏ cho mọi người thấy rõ làm thế nào hoạt động của con người có thể gây nguy hại cho bầu khí quyển – trong trường hợp này là với các hóa chất dùng trong tủ lạnh, máy điều hòa không khí và các dung môi. Các chính phủ đã đồng ý cùng hành động và ngày nay hàm lượng ozone theo dự báo sẽ hồi phục lại mức thập niên 1950 vào khoảng năm 2080 (Nature, vol 465, trang 34). Một kết cục không tệ cho một dự án kiểu chơi tem nhàm chán.

Nguồn: New Scientist

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm