Bầu trời đang rơi trên đầu chúng ta

Hiệp Khách Quậy Vâng, nhưng không phải bản thân bầu trời... mà là những đám mây. Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học khí hậu ở New Zealand, độ cao mây toàn cầu đã giảm đi. Xin mời đọc tiếp.

Vâng, nhưng không phải bản thân bầu trời... mà là những đám mây. Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học khí hậu ở New Zealand, độ cao mây toàn cầu đã giảm đi.

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Auckland vừa báo cáo một xu hướng đang giảm đi của độ cao trung bình của những đám mây toàn cầu giai đoạn 2000 đến 2010, dựa trên số liệu thu thập bởi Quang phổ Bức xạ kế Ghi ảnh Góc rộng (MISR) trên vệ tinh Terra của NASA. Độ biến đổi trong khoảng thời gian mười năm là 30 đến 40 mét, và chủ yếu là do có ít mây ở những cao độ lớn.

Người ta nghi ngờ rằng đây có thể là dấu hiệu của một loại cơ chế làm nguội khí quyển nào đó có thể giúp đương đầu với sự ấm lên toàn cầu.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể đo chính xác sự biến thiên độ cao mây toàn cầu, trong khi số liệu hãy còn quá ngắn để mà thuyết phục, nhưng nó thật sự mang lại một gợi ý rằng có cái gì đó khá quan trọng có lẽ đang diễn ra,” giáo sư Roger Davies, lãnh đạo nhóm nghiên cứu, phát biểu.

 Những đám mây trên vùng biển nam Ấn Độ Dương, ngày 23 tháng 7, 2007

Những đám mây trên vùng biển nam Ấn Độ Dương, ngày 23 tháng 7, 2007. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech)

Một sự giảm từ từ độ cao mây có thể giúp hành tinh bức xạ nhiệt vào trong không gian, do đó tạo ra một sự hồi tiếp âm trong quá trình ấm lên toàn cầu. Nguyên nhân chính xác của sự suy giảm độ cao mây cho đến nay vẫn chưa rõ, nhưng nó có thể là do sự biến thiên sự thay đổi kiểu lưu thông tuần hoàn tạo ra những đám mây tầng cao.

Độ cao mây chỉ là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khí hậu, và cho đến nay vẫn chưa có thể đo được trên quy mô toàn cầu trong một khoảng thời gian đủ lâu.

“Mây là một trong những cái bất định lớn nhất trong khả năng dự báo khí hậu tương lai của chúng ta,” Davies nói. “Độ cao mây cực kì khó lập mô phỏng và do đó chưa được xét đến trong các mô hình khí hậu tương lai. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể đo chính xác độ cao của những đám mây trên cơ sở toàn cầu, và thách thức hiện nay sẽ là đưa những thông tin đó vào các mô hình khí hậu. Nó sẽ mang lại một sự kiểm tra xem các mô hình hoạt động tốt ra sao, và cuối cùng có thể đưa đến những mô hình tốt hơn.”

Trong khi số liệu Terra thể hiện sự biến thiên hàng năm của độ cao mây toàn cầu, mà cực độ nhất là do các sự kiện El Niño và La Niña gây ra ở Thái Bình Dương, xu hướng chung trong những năm đã đo là một sự suy giảm độ cao.

Cần có sự nghiên cứu tiếp tục để xác định những xu hướng trong tương lai và chúng có thể ảnh hưởng như thế nào đối với sự ấm lên toàn cầu.

“Nếu độ cao mây tăng lên trở lại trong mười năm tới thì chúng ta sẽ kết luận rằng chúng không làm chậm sự biến đổi khí hậu,” Davies nói. “Nhưng nếu chúng tiếp tục giảm nữa thì điều đó sẽ rất quan trọng.”

Nghiên cứu của nhóm Davies công bố trong số ra mới đây của tạp chí Geophysical Research Letters.

Hoài Ân – thuvienvatly.com
Nguồn: UniverseToday.com

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm