Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 55)

Hiệp Khách Quậy Không bao lâu sau khi Pháp bị bao vây, Đức chuyển sự chú ý sang Anh, và xảy ra hai tháng sau đó là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của Thế chiến II. Và nó hoàn toàn là một trận chiến trên không. Hitler biết rằng muốn kiểm soát trọn châu Âu, ông phải tấn công nước Anh. Đặc biệt, ông phải cho... Xin mời đọc tiếp.

KHÔNG CHIẾN TẠI ANH QUỐC

Không bao lâu sau khi Pháp bị bao vây, Đức chuyển sự chú ý sang Anh, và xảy ra hai tháng sau đó là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của Thế chiến II. Và nó hoàn toàn là một trận chiến trên không. Hitler biết rằng muốn kiểm soát trọn châu Âu, ông phải tấn công nước Anh. Đặc biệt, ông phải cho đổ bộ số lượng lớn binh lính lên bờ biển Anh. Thế nhưng trong khi đổ bộ thì họ chịu sự tấn công không ngừng nghỉ từ phía hải quân đầy uy lực của Anh và đồng thời từ không lực của Anh. Ông biết rằng tổn thất sẽ là rất lớn và ông phải làm tê liệt RAF (Không lực Hoàng gia) và hải quân trước khi bắt đầu Chiến dịch Sư Tử Biển, tên lóng của ông dành cho việc xâm lấn đất liền Anh.8

Hermann Göring, chỉ huy trưởng Không quân Đức, cam đoan với Hitler rằng các máy bay của ông có thể thủ tiêu RAF ở miền nam nước Anh trong vòng bốn ngày và phá hủy phần còn lại của RAF trong vòng bốn tuần. Bởi thế, Hitler rất tự tin chiến thắng, và ông lên lịch Chiến dịch Sư Tử Biển vào ngày 15 tháng Chín. Và rõ ràng Đức có ưu thế vượt trội về số lượng: hơn 4.000 máy bay so với 1.660 của Anh. Bao gồm trong con số này của phía Đức là 1.400 máy bay ném bom, 800 chiến cơ, 300 máy bay liệng bom, và 240 chiến cơ hai động cơ. RAF sở hữu chủ yếu là chiến cơ Spitfire và Hurricane.

Trận đánh nổ ra vào ngày 10 tháng Bảy 1940, với việc Không quân Đức ném bom các trung tâm tàu thuyền duyên hải và các đoàn tàu hộ tống. Nhưng vào cuối tháng Bảy, các chiến cơ Anh đã bắn hạ 268 máy bay Đức và chỉ tổn thất 150 chiếc. Bởi thế, Không quân Đức chuyển sang công kích sân bay, phòng điều hành, và các trạm radar. Đặc biệt, họ hi vọng làm tê liệt hệ thống radar Anh. Stuka đã được sử dụng rộng rãi trong các đợt tấn công blitzrieg của Đức, và nó đặc biệt hữu hiệu khi dùng ở Ba Lan, Pháp, và Bỉ, những nơi chẳng có mấy phòng thủ chống lại nó. Nhưng nó chưa từng chạm trán một chiến cơ như Spitfire vốn có tốc độ tối đa 350 dặm trên giờ so với tốc độ tối đa của Stuka là xấp xỉ 200 dặm trên giờ. Hơn nữa, Stuka khó điều khiển hơn nhiều, và khả năng chao xuống của nó không phải là ưu điểm trong một cuộc không chiến. Vào giữa tháng Tám, gần như toàn bộ máy bay Stuka của Đức đã bị hạ bởi Spitfire và Hurricane. Göring nhanh chóng cho rút mấy chiếc ít ỏi còn lại ra khỏi cuộc chiến.9

máy bay chiến đấu Spitfire

Lợi thế lớn của nước Anh (ngoài radar): máy bay chiến đấu Spitfire. Nó nhanh hơn và dễ điều khiển hơn đa số máy bay Đức.

Nước Đức có nhiều lợi thế về số lượng, còn nước Anh có một số lợi thế quan trọng. Các chiến cơ Đức chỉ có vừa đủ nhiên liệu để bay đến Anh và bay về; chúng được triển khai để bảo vệ máy bay ném bom, nhưng chúng phải quay về ngay sau khi máy bay ném bom tới không phận Anh, và điều này khiến máy bay ném bom dễ bị tấn công. Do đó, số lượng lớn đã bị bắn hạ. Hơn nữa, các chiến cơ Đức thường cạn hết đạn dược trên bầu trời Anh và buộc phải quay về thật nhanh. Các máy bay Anh có thể dễ dàng tiếp đất và nhanh chóng nạp lại súng đạn. Và tất nhiên lợi thế lớn nhất mà người Anh có chính là hệ thống radar dò tìm của họ. Do đó, RAF luôn biết rõ các máy bay ném bom và chiến cơ Đức đang ở đâu, còn các phi công Đức chỉ có thể đoán chừng xem máy bay Anh đang ở đâu.

Sau ngày 23 tháng Tám, Không quân Đức ngừng tấn công các cảng biển và trạm radar và chuyển sang đột kích ban đêm lên các thành phố - đặc biệt là London. Nhưng người Đức tiếp tục tổn thất máy bay ở tỉ lệ gần hai trên một: 1.000 máy bay Đức tên 550 máy bay RAF. Và trong ngày 15 tháng Chín, Không quân Đức mất sáu mươi máy bay trên hai mươi tám chiếc của RAF chỉ trong một ngày. Hai ngày sau, Hitler cho hoãn xâm lược nước Anh vô hạn định. Nhưng việc ném bom bừa bãi các thành phố lớn thì vẫn tiếp diễn. Cho đến cuối, cả hai bên đều tổn thất nặng nề, nhưng phía Đức tổn thất nhiều hơn. Và cuối cùng, vào khoảng giữa tháng Mười, các cuộc đột kích dừng lại, ngoại trừ vẫn thỉnh thoảng ném bom. Không chiến tại Anh quốc kết thúc và nước Anh thắng. Nhưng chiến tranh còn lâu mới kết thúc.

NGƯỜI MĨ THAM CHIẾN

Nước Mĩ nhảy vào Thế chiến II sau sự kiện Nhật Bản ném bom Trân Châu Cảng, nhưng ngay từ trước năm 1939 đa số người Mĩ đã nhận ra rằng cuối cùng họ sẽ phải tham gia vào cuộc chiến ở châu Âu. Tuy nhiên, ngòi nổ xảy ra vào ngày 7 tháng Mười Hai 1941. Trong khoảng bốn giờ đồng hồ, sáu tàu sân bay Nhật Bản đã phái những đợt máy bay chở ngư lôi, chiến cơ, và máy bay liệng bom lên Trân Châu Cảng. Với những căng thẳng chính trị gay gắt giữa Mĩ và Nhật Bản, một số nhà lãnh đạo quân sự Mĩ cho rằng người Nhật có thể sẽ tấn công. Tuy vậy, lực lượng Mĩ đã hoàn toàn không phòng vệ. Vì lẽ đó, các máy bay Nhật đã có thể phá hủy hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho tám tàu chiến lớn, mười tàu chiến nhỏ, và hai trăm ba mươi máy bay, đồng thời làm thiệt mạng 2.400 công nhân viên người Mĩ.10

Ngày hôm sau nước Mĩ tuyên chiến với Nhật Bản, và vì Hitler và Mussolini từng kí một hiệp ước với Nhật Bản, nên nước Đức và Italy tuyên chiến với Mĩ. Mặc dù Nhật Bản không tiếp tục tấn công vào Trân Châu Cang nữa, họ họ tấn công căn cứ không quân Mĩ gần Manila ở Philippines, và quân Nhật đã xâm lược và bắt giữ số lượng lớn lực lượng Mĩ và Philippines ở Bataan gần Manila, dẫn tới Cuộc hành quân Chết chóc Bataan, trong đó hàng nghìn lính Mĩ và lính Philippines thiệt mạng. Đại tướng Douglas MacArthur tẩu thoát sang Australia và thề sẽ trả đũa. Người Nhật tiếp tục cuộc xâm lược của họ, thôn tính Đông Ấn thuộc Hà Lan, rồi sau đó đến các đảo Tulagi, Guadalcanal, và quần đảo Solomon. Dường như không gì chặn được họ.

Nơi còn lại cho Hải quân Mĩ lần đầu tiên chạm trán quân Nhật là ở Biển San Hô gần quần đảo Solomon. Trong hai ngày chiến trận, người Nhật mất hai tàu sân bay nhỏ, một tàu khu trục, và vài tàu chiến nhỏ, còn nước Mĩ mất một tàu sân bay và một tàu khu trục, vì thế trận chiến ấy thường được xem là hòa. Nhưng với trận này người Mĩ đã chặn người Nhật xâm chiếm một hòn đảo vốn sẽ cho phép Nhật Bản tấn công Australia. Đó cũng là một trận đánh quan trọng ở chỗ người Mĩ đã học được rất nhiều về các chiến thuật của người Nhật, và điều này sẽ giúp ích cho họ về cuối cuộc chiến.

Một trong những trận chiến hải quân lớn xảy ra vào tháng Sáu 1942. Đô đốc Nhật Yamamoto đang lên kế hoạch mở cuộc tấn công quy mô gần Đảo Midway. Ông hi vọng dẫn dụ và phá hủy phần lớn hạm đội Mĩ trong một trận đánh nhanh và dứt khoát, nhưng trí tuệ Mĩ, vốn đã giải mã được các thông điệp của người Nhật, biết rõ Yamamoto đang lên kế hoạch gì. Điều này cho phép đô đốc Mĩ Chester W. Nimitz bố trí một mạng lưới chiến thuật chim mồi và lên kế hoạch mai phục. Và khi trận đánh kết thúc, người Nhật mất bốn tàu sân bay và toàn bộ máy bay đã tấn công Trân Châu Cảng, cùng với số lượng lớn phi công Nhật. Đáp lại, người Mĩ chỉ mất một tàu sân bay. Đây là một thất bại lớn đối với người Nhật, và là một điểm bước ngoặt trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Hải quân Mĩ lúc này đã có ưu thế thấy rõ so với hải quân Nhật.

Trận đánh Vịnh Leyte ở Philippines, xảy ra vào tháng Mười 1944, là một trong những trận chiến hải quân lớn nhất trong lịch sử. Nó cũng là một chiến thắng có tính quyết định đối với Hải quân Mĩ vì đã đánh chìm phần lớn hạm đội Nhật còn lại. Tàn dư của hải quân Nhật cuối cùng phải tháo chạy về Nhật.

Trong vài năm trước đó, Nhật Bản đã đánh chiếm số lượng lớn hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, và lực lượng Mĩ bắt đầu một chiến lược gọi là nhảy đảo, trong đó họ đánh dần vào những hòn đảo có bãi đáp máy bay, cho phép họ tiến càng lúc càng gần đến chính nước Nhật. Đồng thời, họ cho triển khai không lực cắt hết mọi nguồn tiếp tế cho binh lính Nhật trên nhiều hòn đảo. Tuy nhiên, người Nhật đã đào đường hầm, và nhiều người họ ở trong các hầm than và hang động. Hơn nữa, hải quân Mĩ sớm nhận ra rằng đa phần người Nhật ưa chiến đấu đến chết chứ không để bị bắt giữ. Vì thế việc chiến đấu thật khó khăn.

Tiếp sau đó là các trận đánh xáp lá cà ở Guadalcanal, Tulagi, quần đảo Marshall, Iwo Jima, và Okinawa. Trong đa số trường hợp, người Nhật chiến đấu cho đến khi người cuối cùng thiệt mạng mới thôi. Hơn nữa, lúc này các phi công Nhật thực hiện các sứ mệnh kamikaze cảm tử bằng cách lao máy bay của họ vào tàu chiến Mĩ. Bằng cách này, họ đã đánh chìm ba mươi tám tàu thuyền và gây thiệt hại cho nhiều tàu khác.

Bởi vậy, bộ chỉ huy Mĩ xác định rằng một cuộc xâm lược đất liền Nhật Bản sẽ khiến rất nhiều lính Mĩ thương vong, khi mà người Nhật từ chối đầu hàng cho đến phút cuối. Do vậy, tổng thống Truman hạ lệnh thả bom nguyên tử lên Hiroshima và Nagasaki vào tháng Tám 1945, và trong vòng một thời gian ngắn, người Nhật đầu hàng. Chúng ta sẽ bàn luận chi tiết hơn về vấn đề này ở chương sau.

Bây giờ chuyển sang cuộc chiến ở châu Âu, hành động đầu tiên của người Mĩ là vào tháng Mười Một 1942, khi lính Mĩ và Anh đổ bộ lên Bắc Phi. Họ chặn bước tiến của quân Đức ở Tunisia, và vào tháng Năm 1943 họ đã đánh bại người Đức, bắt giữ hơn 275.000 tù binh. Cùng với người Anh, sau đó người Mĩ chuyển sang nơi họ tin là mắt xích yếu nhất trong phòng thủ của Đức và Italy, đó là Sicily. Vào tháng Bảy 1943, một cuộc đổ bộ quy mô lớn bằng đường thủy đã được triển khai, và trong khoảng một tháng thì Sicilt đã nằm dưới kiểm soát của phe Đồng Minh. Sau đó, phe Đồng Minh chuyển hướng chú ý của họ sang đất liền Italy. Lính Mĩ đổ bộ lên Italy vào tháng Chín, và lính Italy bị bao vây gần như tức thì, nhưng có một lượng lớn binh lính Đức ở Italy vào lúc này, và họ tiếp tục chiến đấu cho hết mùa đông. Thế rồi vào tháng Sáu 1944, Rome thất thủ, và chẳng mấy chốc phe Đồng Minh chiếm được phần lớn Italy.

Trong khi đó, ở Anh, cuộc tấn công lội nước quy mô lớn nhất lịch sử đang được lên kế hoạch. Hoạt động đó bắt đầu vào ngày 6 tháng Sáu 1944, gồm 4.600 tàu và hơn một triệu lính. Dưới quyền chỉ huy của đại tướng Dwight D. Eisenhower, quân Đồng Minh băng qua Eo biển Anh trong một nỗ lực nhằm thiết lập đầu cầu đổ bộ vào nước Pháp bị phát xít chiếm đóng. Người Đức đang trông chờ một cuộc đổ bộ như thế, nhưng họ không biết lực lượng Đồng Minh sẽ đổ bộ nơi nào. Trong hai tháng trước sự kiện đổ bộ, máy bay căn cứ ở Anh đã ném bom các bãi đáp máy bay, cầu đường, và đường ray xe lửa trên khắp nước Pháp. Và vào đêm trước khi đổ bộ, lính nhảy dù đã đột nhập nội địa cùng với súng hải quân nả rền dọc theo các bờ biển. Các địa điểm đều được đặt mật danh; người Anh và người Canada đổ bộ tại Bãi Gold, Juno, và Sword, còn người Mĩ đổ bộ tại Bãi Utah và Omaha. Việc đổ bộ của người Canada và người Anh diễn ra tương đối suôn sẻ, gặp ít sự kháng cự, còn người Mĩ thì chịu hỏa lực nặng nề của phía Đức, gây thương vong không ít. Tuy nhiên, trong vòng năm Ngày, mười sáu sư đoàn Đồng Minh đã hiện diện ở Normandy, và trên đường tiến tới giải phóng châu Âu. Vào ngày 25 tháng Tám họ chiếm Paris, và phe Đồng Minh tiếp tục chĩa mũi hành quân về Berlin.

Ở phía đông, người Liên Xô, sau khi đánh bại đợt xâm lược của người Đức, cũng tiến quân về Berlin. Mặc dù chắc chắn lúc này chẳng chóng thì chầy nước Đức sẽ đại bại, nhưng người Đức không dễ dàng từ bỏ, và vào tháng Mười Hai 1944, họ triển khai một đợt phản công quy mô lớn vào Khu rừng Ardennes mà phe Đồng Minh chẳng mấy phòng vệ. Cuộc giao tranh này về sau được gọi là Trận Phình To do bởi chỗ phình rộng mà nó tạo ra [trên bản đồ] khi quân Đức chọc thủng vào khu quân sự phe Đồng Minh. Tuy nhiên, vào cuối tháng Giêng, với số lượng lớn quân Đồng Minh tăng cường cho tiền tuyến, thế tấn công của Đức bị chặn đứng. Và vào tháng Ba, quân Đồng Minh băng qua Sông Rhine và bắt đầu đợt hành quân sau cùng hướng về Berlin. Lực lượng Đức còn lại lúc này bị dồn về phía đông và phía tây. Vào ngày 2 tháng Năm 1945, người Đức đầu hàng.

NHỮNG TIẾN BỘ VỀ HÀNG KHÔNG

Bây giờ hãy lần ngược trở lại và nhìn vào một số tiến bộ quan trọng đã xảy ra trong cuộc chiến, nhiều trong số đó phụ thuộc vào vật lí học. Đã có những tiến bộ lớn trong thiết kế máy bay, quan trọng nhất là sự ra đời của máy bay phản lực đầu tiên. Tuy nhiên, ngoài máy bay phản lực đầu tiên, còn có những tiến bộ đáng kể ở máy bay truyền thống. Hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào một số máy bay chính được sử dụng trong cuộc chiến và các năng lực của chúng. Spitfire của Anh rõ là một trong những máy bay tốt nhất. Nó được sử dụng rất thành công chống lại Không quân Đức trong Trận Không chiến nước Anh. Nó có tốc độ tối đa xấp xỉ 350 dặm trên giờ, và nó thực hiện tốt việc thăng cất cánh; thêm nữa, nó tương đối dễ điều khiển. Hurricane của Anh cũng là một máy bay tuyệt vời, và nó cũng được sử dụng rộng rãi trong Trận Không chiến nước Anh.11

Messerschmitt 109 của Đức là máy bay Đức duy nhất có thể sánh với Spifire. Nó có tốc độ tối đa ngót nghét như Spitfire, và nó khó lái hơn, nhưng nó chao xuống nhanh hơn.

Mitsubishi Zero của Nhật là máy bay hải quân chính của người Nhật. Nó được dùng trong trận tấn công Trân Châu Cảng và trong suốt chiến tranh Thái Bình Dương. Trong những năm đầu cuộc chiến, chẳng có máy bay Mĩ nào địch lại nó. Tuy nhiên, về cuối cuộc chiến, nó không địch lại đa số máy bay Mĩ.

P-51 Mustang là một trong những máy bay tốt nhất của Mĩ. Nó có tốc độ tối đa 370 dặm trên giờ và được các phi công Mĩ ưa chuộng. Nhiều người xem nó là chiến cơ tốt nhất trong cuộc chiến. Tốc độ của nó, khả năng điều khiển, và tầm hoạt động khiến nó là một máy bay tuyệt vời. Một chiến cơ khác của Mĩ là Lockheed P-38 Tia Chớp. Được biết nó đã bắn hạ số máy bay Nhật nhiều hơn bất kì chiến cơ Mĩ nào khác trong cuộc chiến. Nó có tốc độ tối đa 414 dặm trên giờ. Một máy bay Mĩ tuyệt vời nữa là F4U Corsair, nó được sử dụng bởi các phi công thủy quân và hải quân. Nó là chiếc máy bay đầu tiên cuối cùng đưa nước Mĩ chiếm lợi thế so với chiếc Zero của Nhật, nó nhanh hơn nhiều và có tốc độ xoay lật tốt hơn. Tốc độ tối đa của nó là 435 dặm trên giờ.

Tuy nhiên, máy bay nhanh nhất và thú vị nhất của cuộc chiến là Messerschmitt Me 262, đó là chiếc máy bay phản lực đầu tiên trên thế giới. Nó có tốc độ tối đa khoảng 530 dặm trên giờ, nhanh hơn các chiến cơ nhanh nhất phe Đồng Minh đến 93 dặm trên giờ. Thật may cho phe Đồng Minh, nó tham chiến tương đối trễ, và chỉ có vài chiếc được chế tạo, vì thế nó chẳng gây ảnh hưởng gì lớn. Tuy vậy, các phi công Đức lái Messerschmitt Môi trường 262 đã bắn hạ xấp xỉ 540 máy bay Đồng Minh, và vì chúng bay quá nhanh nên chúng là các mục tiêu khó xử. Thật vậy, chúng quá nhanh nên các phi công Đức phải học chiến thuật mới khi sử dụng chúng lâm trận. Các phi công Đồng Minh sớm nhận ra rằng cách tốt nhất để đương đầu với chúng là tấn công chúng từ mặt đất hoặc trong lúc cất cánh và hạ cánh. Các bãi đáp máy bay ở Đức bị nhận dạng là căn cứ phản lực đều bị ném bom nặng nề. Tuy nhiên, Me 262 thật sự có một số điểm yếu, nó tiêu hao nhiên liệu gấp đôi một máy bay bình thường, và gần cuối cuộc chiến, nước Đức đang cạn kiệt nhiên liệu. Hơn nữa, còn có các vấn đề về sức bền động cơ.

Động cơ phản lực được phát minh bởi hai nhà phát minh khác nhau gần như đồng thừoi: Hans von Ohain và Frank Whittle. Frank Whittle là người đầu tiên đăng kí sáng chế một động cơ tuabin phản lực; thật vậy, bằng sáng chế của ông được cấp năm 1930, trước Ohain đến sáu năm. Nhưng cả hai người không ai biết về công trình của người kia. Nhưng chính Ohain là người đầu tiên chế tạo được một máy bay phản lực hoạt động được.

Whittle là một phi công và kĩ sư hàng không người Anh, ông gia nhập RAF vào năm 1928. Ở tuổi hai mươi hai, ông đã đi tới ý tưởng sử dụng một động cơ phản lực cấp sức đẩy cho một máy bay, và ông bắt đầu chế tạo một động cơ phản lực vào năm 1935. Nó được thử nghiệm vào năm 1937, và một máy bay sử dụng động cơ của ông bay lần đầu tiên vào năm 1941.

Giống như Whittle, Ohain chỉ mới hai mươi hai tuổi khi ông thai nghén ý tưởng về một máy bay có sức đẩy phản lực. Thiết kế của ông tương tự của Whittle, nhưng nó khác ở chỗ sắp xếp bên trong của các bộ phận. Một máy bay sử dụng thiết kế của ông cho động cơ bay lần đầu tiên vào năm 1939. Vì thế, cả Đức và Anh thật ra đều đã có động cơ phản lực trước khi chiến tranh bùng nổ. Nhưng chỉ có người Đức sử dụng công nghệ này cho một kiểu chiến cơ mới trước khi kết thúc chiến tranh.

Các chi tiết của một động cơ phản lực

Các chi tiết của một động cơ phản lực.

Động cơ phản lực hoạt động theo định luật Newton thứ ba, định luật nói rằng với mỗi tác dụng luôn có một phản tác dụng bằng về độ lớn và ngược chiều. Phản lực ngược chiều là cái gây ra sức đẩy thúc máy bay phản lực về phía trước. Cách dễ nhất hình dung điều này là thổi một quả bong bóng cao su và thả nó ra. Bạn lập tức thấy nó bay ra cà giật và nhào lộn do không khí thoát ra khỏi quả bong bóng. Nói ngắn gọn, khi không khí đẩy chạy ra ngoài, nó tác dụng lực lên quả bong bóng đang xẹp đi theo chiều ngược lại. Đây cơ bản là cái xảy ra ở một động cơ phản lực.

Ngày nay, có một số kiểu động cơ phản lực khác nhau, nhưng chúng ta sẽ hạn chế phần thảo luận của mình với tuabin phản lực mà thôi. Ở phía trước tuabin phản lực là một cổng nạp cho phép không khí đi vào. Một khi vào bên trong, không khí bị các cánh quạt làm nén lại, dồn nó vào một thể tích nhỏ hơn nhiều. Từ đây nó bị ép vào cái gọi là buồng đốt. Với sự tăng áp suất, nhiệt độ chất khí tăng lên cho đến khi nó đạt tới hơn một nghìn độ Fahrenheit. Sau đó nhiên liệu được phun vào không khí, và hỗn hợp được đánh lửa. Điều này làm nó nóng lên cực nhanh, nó và rời khỏi buồng đốt, với nhiệt độ khoảng ba nghìn độ Fahrenheit. Không khí bị đốt nóng đó tác dụng một lực lớn theo mọi hướng, nhưng nó chỉ thoát ra ở phía sau động cơ, và điều này đem lại một lực đẩy mạnh về phía trước. Như khi chuyển động rời khỏi động cơ, nó đi qua một loạt cánh quạt tạo nên tuabin, làm quay trục tuabin. Đến lượt nó, trục tuabin làm quay bộ nén làm nạp thêm một lượng không khí mới. Sức đẩy có thể tăng lên bằng cách sử dụng cái gọi là thùng chất đốt phụ, trong đó nhiên liệu tiếp tục được phun vào chất khí đang thoát ra, đốt cháy nó để tăng thêm sức đẩy.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

TẢI XUỐNG EBOOK

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm