Loading [MathJax]/jax/output/HTML-CSS/jax.js

9 vị anh hùng vũ trụ

Hiệp Khách Quậy Ngày 12 tháng 4 năm 1961, nhà du hành Liên Xô Yuri Gagarin trở thành con người đầu tiên bay vào vũ trụ khi phi thuyền Vostok của ông hoàn tất một quỹ đạo quanh Trái đất. Kể từ Gagarin, 520 người đàn ông và phụ nữ từ 38 quốc gia đã tiếp bước theo ông. Dưới đây, chúng ta hãy điểm lại những kỉ lục đáng... Xin mời đọc tiếp.

Ngày 12 tháng 4 năm 1961, nhà du hành Liên Xô Yuri Gagarin trở thành con người đầu tiên bay vào vũ trụ khi phi thuyền Vostok của ông hoàn tất một quỹ đạo quanh Trái đất. Kể từ Gagarin, 520 người đàn ông và phụ nữ từ 38 quốc gia đã tiếp bước theo ông. Dưới đây, chúng ta hãy điểm lại những kỉ lục đáng nhớ nhất trong lịch sử bay vũ trụ của nhân loại.


Chú chó trong vũ trụ

Vâng, đó thật sự không phải là một kỉ lục trong lịch sử bay vũ trụ của con người, nhưng nó là một bước quan trọng trong tiến trình lịch sử ấy. Vào ngày 3 tháng 11 năm 1957, Laika, một chú chó đi lạc, đã trở thành sinh vật sống đầu tiên bay vào quỹ đạo, trên phi thuyền Xô Viết Sputnik 2. Đó là hành trình một đi không trở lại đối với Laika, tên của nó trong tiếng Nga có nghĩa là “chó sủa”. Không bao lâu sau khi phóng lên, nó đã chết trong vũ trụ đúng như người ta dự tính.

Chính quyền Xô Viết cho biết con chó đã chết một cách nhẹ nhàng sau một tuần ở trên quỹ đạo do thiếu oxygen. Tuy nhiên, tại Đại hội Vũ trụ Thế giới Lần thứ hai ở Houston, Texas, vào năm 2002, Dimitri Malashenkov thuộc Viện Các vấn đề Sinh học ở Moscow, Nga, báo cáo rằng Laika thật ra đã chết chỉ sau vài giờ phóng do hốt hoảng và quá nhiệt.

(Ảnh: ITAR-TASS/Rex Features)

Người phụ nữ đầu tiên

Ngày 16 tháng 6 năm 1963, cựu công nhân thợ dệt Valentina Tereshkova, 26 tuổi, người Liên Xô, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ.

Bà là nhà du hành thứ năm bay vào quỹ đạo trên phi thuyền Vostok 6, rời bệ phóng lúc 12:30 giờ Moscow. Các đài phát thanh gọi bà là “Chaika” – tiếng Nga có nghĩa là chim mòng biển.

Nikita Khrushchev, lãnh tụ Liên Xô khi đó, đã chúc mừng Tereshkova qua đường truyền vô tuyến.

Bức ảnh trên chụp Tereshkova đang tập luyện hai tuần trước khi phóng.

(Ảnh: Keystone-France/Gamma-Keystone/Getty)

Chuyến đi bộ vũ trụ đầu tiên

Nhà du hành Alexei Arkhipovich Leonov đã thực hiện chuyến đi bộ vũ trụ đầu tiên khi ông bước chân ra khỏi phi thuyền Xô Viết Voskhod 2 vào ngày 18 tháng 3 năm 1965. Ông ở bên ngoài phi thuyền trong thời gian chỉ hơn 12 phút, nối với phi thuyền qua một dây thắt 5,35 mét.

Leonov gặp chút xíu trục trặc khi đi trở vào phi thuyền do bộ đồ du hành vũ trụ của ông hơi bị phồng ra một chút trong chân không vũ trụ. Ông cố gắng đi vào bên trong bằng cách ép không khí ra khỏi bộ đồ du hành.

(Ảnh: Central Press/Getty)

Bước chân đầu tiên trên mặt trăng

Ngày 21 tháng 7 năm 1969, nhà du hành người Mĩ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.

Bức ảnh này, được chụp bởi Edwin "Buzz" Aldrin, người tiếp theo Armstrong bước chân lên mặt trăng, cho thấy Armstrong bên cạnh Mô-đun Mặt trăng của phi thuyền Apollo.

Nhà du hành thứ ba, Michael Collins, đi cùng với Armstrong và Aldrin trong sứ mệnh trên, nhưng vẫn ở lại Mô-đun Chỉ huy bay trên quỹ đạo trong khi các bạn du hành của ông đáp xuống bề mặt chị Hằng.

Năm sứ mệnh Apollo nữa đã hạ cánh lên mặt trăng từ năm 1969 đến 1972.

(Ảnh: Johnson Space Centre/NASA)

Đi xa Trái đất nhất

Rời bệ phóng vào ngày 11 tháng 4 năm 1970, phi thuyền NASA Apollo 13 đã lập kỉ lục phi thuyền có người lái đi xa Trái đất nhất: 400.171 km.

Tuy nhiên, sứ mệnh trên chưa bao giờ đi tới bề mặt chị Hằng: việc hạ cánh đã bị hủy bỏ sau khi bình oxygen bị nứt. Trong bức ảnh trên là nhà du hành James Lovell trong Mô-đun Mặt trăng của phi thuyền Apollo 13.

(Ảnh: NASA)

Một mình ở trong vũ trụ lâu nhất

Nhà du hành Valeri Polyakov giữ kỉ lục người ở liên tục trên vũ trụ lâu nhất. Ông đã ở trên trạm vũ trụ Mir Xô Viết trong 14 tháng trời (437 ngày 18 giờ).

Đó là chuyến đi thứ hai của ông, bay trên phi thuyền Soyuz TM-18 vào hôm 8 tháng 1 năm 1994 và trở về Trái đất hôm 22 tháng 3 năm sau trên phi thuyền TM-20.

(Ảnh: NASA)

Nhà du hành lớn tuổi nhất

Ngày 29 tháng 10 năm 1998, thượng nghị sĩ Mĩ John Glenn đã lập kỉ lục là người lớn tuổi nhất ở trong vũ trụ. Ở tuổi 77, ông đã đến thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế trên phi thuyền con thoi Discovery. Hồi năm 1962, ông là công dân Mĩ đầu tiên bay vòng quanh Trái đất.

(Ảnh: NASA)

Lưu ý: Khách du lịch ở trên tàu!

Ngày 28 tháng 4 năm 2001, doanh nhân người Mĩ Dennis Tito đã trở thành vị khách du lịch vũ trụ đầu tiên, đi trên phi thuyền Soyuz TM-32 của Nga, cập bến Trạm Vũ trụ Quốc tế hai ngày sau đó.

Tito trải qua 7 ngày, 22 giờ, 4 phút ở trong không gian, quay quanh Trái đất 128 vòng. Được biết, ông đã chi 20 triệu đô la cho chuyến đi đó.

(Ảnh: Rex Features)

Sự hiện diện liên tục lâu nhất

Trạm Vũ trụ Quốc tế giữ kỉ lục sự hiện diện liên tục lâu nhất của con người trong vũ trụ.

Nó đã vượt qua mốc kỉ niệm 10 năm vào hôm 2 tháng 11 năm ngoái. Khi đó, nó đã được đón tiếp 196 cá nhân đến từ 8 quốc gia khác nhau. Tính đến ngày hôm đó, đã có 103 chuyến bay lên trạm không gian: 67 phi thuyền Nga, 34 tàu con thoi vũ trụ Mĩ, cùng với một phi thuyền châu Âu và một phi thuyền Nhật Bản.

(Ảnh: NASA/Rex Features)

Nguồn: New Scientist

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm