Hiệp Khách Quậy Khoảng chừng 5 tỉ năm nữa, Dải Ngân hà sẽ va chạm với thiên hà Andromeda (Tiên Nữ). Để hình dung số phận tương lai của thiên hà của chúng ta, chúng ta hãy thử nhìn vào những thiên hà đang va chạm khác, mỗi thiên hà ở một giai đoạn phát triển khác nhau. Xin mời đọc tiếp.
Khoảng chừng 5 tỉ năm nữa, Dải Ngân hà sẽ va chạm với thiên hà Andromeda (Tiên Nữ). Để hình dung số phận tương lai của thiên hà của chúng ta, chúng ta hãy thử nhìn vào những thiên hà đang va chạm khác, mỗi thiên hà ở một giai đoạn phát triển khác nhau.
Trên hành trình va chạm
NGC 2207, thiên hà lớn hơn ở phía bên trái, cuối cùng sẽ hợp nhất với IC 2163, láng giềng nhỏ bé hơn của nó. Lực thủy triều do NGC 2207 gây ra đang làm biến dạng thiên hà nhỏ hơn trong cặp đôi này.
Hai thiên hà xoắn ốc trên đã đi vào hành trình va chạm cách đây 40 triệu năm trước. IC 2163 không có đủ năng lượng để thoát khỏi sức hút từ láng giềng lớn hơn của nó mãi mãi và, trong hàng tỉ năm tới, sẽ chỉ còn lại một thiên hà mà thôi.
(Ảnh: NASA/The Hubble Heritage Team/STScI)
Những giai đoạn sớm
Những thiên hà Antennae đang va chạm xuất hiện ở đây tại một giai đoạn tương đối sớm trong quá trình va chạm, chúng bắt đầu cách nay khoảng 500 triệu năm. Vụ va chạm đã kích thích sự hình thành của hàng triệu ngôi sao những đám mây bụi và chất khí. Thiên hà lớn nhất trong số chúng đã bùng nổ thành sao siêu mới.
(Ảnh: Tia X: NASA/CXC/SAO/J.DePasquale; IR: NASA/JPL-Caltech; Quang học: NASA/STScI)
Vẫn tiếp tục hành trình
Được chụp ảnh giữa quá trình hợp nhất, NGC 520 là sản phẩm của một vụ va chạm giữa hai đĩa thiên hà. Đã bắt đầu cách nay khoảng 300 triệu năm, vụ va chạm trên vẫn đang diễn ra: trong khi từng đĩa thiên hà đã hợp nhất, thì những lỗ đen của chúng vẫn chưa gặp nhau.
(Ảnh: NASA/ESA/The Hubble Heritage Team/STScI/AURA/B. Whitmore)
Thời khắc cuối cùng
Hai thiên hà đang va chạm này được chụp ảnh ngay trước khi chúng hợp nhất thành một thiên hà duy nhất, lớn hơn. Sự va chạm dai dẳng dẫn tới thời khắc này đã mang lại những lượng nhiệt lớn được giải phóng, biến nó thành một thiên hà hoạt động “phát xạ hồng ngoại”. Những ảnh chụp như ảnh của NGC 6240 ở đây là hiếm gặp, vì chúng chụp một pha ngắn ngủi trong sự hợp nhất của các thiên hà.
(Ảnh: NASA/JPL-Caltech/STScI-ESA)
Sau va chạm
MACSJ 0025 được hình thành khi hai đám thiên hà lớn va chạm nhau. Hai đám thiên hà ban đầu, đám này đã đi xuyên qua đám kia trong cú va chạm, hiện nay đã tách ra trở lại và thể hiện vật chất bình thường và vật chất tối tương tác với nhau như thế nào. Trong vụ va chạm, các thiên hà vẫn giữ được những đám mây vật chất tối của chúng (màu lam), nhưng những đám chất khí nóng của chúng (màu hồng) thì chuyển động chậm đi và cụm lại ở giữa.
(Ảnh: NASA/ESA/CXC/M. Bradac and S. Allen)
Va chạm vòng hai
NGC 6670 hầu như chắc chắn đã từng chịu ít nhất là một lần chạm trán gần. Nhưng với hai nhân của hai thiên hà đang chồng lấn này (NGC 6670E và NGC 6670W) cách nhau chừng 50.000 năm ánh sáng, NGC 6670 dường như đang bước vào những giai đoạn đầu của một cú va chạm lần thứ hai.
(Ảnh: NASA/ESA/The Hubble Heritage Team/STScI/AURA/A. Evans/NRAO/Đại học Stony Brook)
Nguồn: New Scientist