Phi thuyền New Horizons đã vượt nửa chặng đường đến với Pluto

Hiệp Khách Quậy Lao vút trong không gian vũ trụ ở tốc độ gần một triệu dặm mỗi ngày, phi thuyền thám hiểm New Horizons (Những chân trời mới) của NASA đã đi được nửa hành trình đến Pluto (Diêm vương tinh) và vừa tỉnh giấc lần đầu tiên sau hàng tháng trời đắm mình trong “lãnh thổ kì lạ”. Xin mời đọc tiếp.

Lao vút trong không gian vũ trụ ở tốc độ gần một triệu dặm mỗi ngày, phi thuyền thám hiểm New Horizons (Những chân trời mới) của NASA đã đi được nửa hành trình đến Pluto (Diêm vương tinh) và vừa tỉnh giấc lần đầu tiên sau hàng tháng trời đắm mình trong “lãnh thổ kì lạ”.

alt

Ảnh minh họa phi thuyền New Horizons.

“Phi thuyền của chúng ta đã ra khỏi vùng lãnh thổ kì lạ, ở giữa của hư vô”, theo Hal Weaver, nhà khoa học dự án New Horizons tại Đại học Johns Hopkins. “Và chúng tôi có nhiều thứ để làm”.

Đó là cơ hội hoàn hảo để kiểm tra các thiết bị của New Horizon trước khi phi thuyền đi tới Pluto vào năm 2015. “Chúng tôi không muốn bỏ lỡ một thời khắc hấp dẫn nào trong lúc chạm trán Pluto”, ông nói. “Cho nên, chúng tôi đang kiểm tra mọi thứ từ bây giờ để đảm bảo phi thuyền hoạt động tốt và sẵn sàng thẳng tiến đến mục tiêu”.

Chín tuần lễ kiểm tra đã bắt đầu hôm 25 tháng 5. Các nhà điều hành sứ mệnh lên một kế hoạch kiểm tra toàn diện và hiệu chuẩn lại toàn bộ bảy thiết bị khoa học trên tàu.

Trước tiên là LORRI, Máy ảnh Do thám Tầm xa, một trong những chiếc kính thiên văn liên hành tinh lớn nhất từng bay vào vũ trụ.

“Hôm 14 tháng 7, 2015, ngày bay tiếp cận gần nhất, chúng ta sẽ có thể phân biệt các vật thể trên Pluto nhỏ cỡ bằng một sân bóng đá”, Weaver nói. “Độ phân giải đó tốt hơn khoảng 300 lần so với bất cứ phương tiện nào chúng ta có trong tay hiện nay”.

LORRI sẽ làm việc cùng với “Ralph”, một quang phổ kế được thiết kế để khảo sát bề mặt của Pluto ở những bước sóng khả kiến và hồng ngoại. Ralph sẽ tiết lộ nhiệt độ, màu sắc, và thành phần hóa học của Pluto.

“Trong các phép kiểm tra hiện nay, chúng tôi sẽ hướng LORRI và Ralph vào một cái gì đó trên bầu trời để đảm bảo chúng có thể hoạt động cùng nhau với độ nhạy trọn vẹn. Vì New Horizons ở xa bất kì vật thể lớn nào hiện nay, nên chúng tôi sẽ hướng camera vào một vùng sao để kiểm tra chúng”.

alt

Ảnh minh họa của Ron Miller mô tả các mạch nước phun và mặt trời giả trên Pluto.

Ngay sau khi New Horizons đi qua Pluto vào năm 2015, Pluto sẽ xuất hiện ở dạng mặt trăng lưỡi liềm khuyết khi phi thuyền nhìn ngược về nó. Weaver cho rằng trong pha này LORRI sẽ có thể phát hiện ra sương mù ở cao trong khí quyển Pluto hoặc có lẽ là bằng chứng cho cơ chế núi lửa lạnh (tức là các núi lửa phun ra băng lạnh thay vì magma nóng) trên bề mặt Pluto.

“Trong một chuyến bay gần qua Hải vương tinh hồi năm 1989, phi thuyền Voyager 2 đã phát hiện ra các vệt tối trên vệ tinh Triton của Hải vương tinh dường như được tạo ra bởi những mạch nước phun ra các hạt nitrogen bẩn, đông lạnh. Chúng ta có thể trông thấy cái gì đó tương tự ở trên Pluto”.

Khi New Horizons đi vào vùng bóng của Pluto vào năm 2015, một quang phổ kế ghi ảnh tử ngoại tên là “Alice” sẽ trông ngược về phía mặt trời qua bầu khí quyển của Pluto. Thiết bị này sẽ cho biết các phân tử trong khí quyển Pluto hấp thụ ánh sáng như thế nào, và từ đó cho biết bầu khí quyển gồm những thành phần gì.

“Chúng tôi biết độ sáng chói lóa của mặt trời có thể làm cho những hoạt động này thật khó đối với các thiết bị của chúng ta. Cho nên, chúng tôi sẽ thiết lập các góc bằng như vậy trong kiểm tra hiện nay để xác định xem chúng tôi sẽ có thể thấy những gì và những loại thông tin nào có thể khai thác ra được”.

Các camera và quang phổ kế không phải là những thiết bị duy nhất bận rộn. REX, Thí nghiệm Khoa học Vô tuyến của New Horizon, sẽ phát hiện và quan sát các tín hiệu vô tuyến đến từ Mạng Vũ trụ Sâu của NASA trên Trái đất.

alt

Sơ đồ phi thuyền New Horizons. Ảnh: Boeing Company.

“Cách thức những tín hiệu đó uốn cong khi chúng đi qua khí quyển của Pluto sẽ cho chúng ta biết nhiều điều về áp suất và bề dày của khí quyển”.

Đội khoa học cho biết các kết quả kiểm tra là “toàn bộ hệ thống đã sẵn sàng”. Nếu mọi thứ đã ổn hết, thì có rất nhiều thứ để chúng ta trông đợi.

“Chúng tôi có niềm hi vọng lớn đối với sứ mệnh này”, Weaver kết luận. “Pluto hãy đợi đấy. Điều thú vị nhất mà chúng ta không biết là chúng ta sắp trông thấy những gì khi [phi thuyền của] chúng ta đến đó”.

Hãy chờ đến năm 2015 vậy.

  • Trọng Khương (theo PhysOrg.com)
Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm