250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí (Phần 96)

Hiệp Khách Quậy “Bài toán lần theo các hành tinh với độ chính xác cao nhất là một bài toán vô cùng phức tạp,” nhà thiên văn James Kaler viết. “Với hai vật thể, chúng ta có một bộ quy tắc đơn giản đến đẹp mắt. Nhưng chỉ cần với ba vật thể hút lẫn nhau thôi, thì toán học đã chứng tỏ rành rành rằng không tồn tại các quy... Xin mời đọc tiếp.

Khám phá Hải Vương tinh

1846

John Couch Adams (1819–1892), Urbain Jean Joseph Le Verrier (1811–1877), Johann Gottfried Galle (1812–1910)


“Bài toán lần theo các hành tinh với độ chính xác cao nhất là một bài toán vô cùng phức tạp,” nhà thiên văn James Kaler viết. “Với hai vật thể, chúng ta có một bộ quy tắc đơn giản đến đẹp mắt. Nhưng chỉ cần với ba vật thể hút lẫn nhau thôi, thì toán học đã chứng tỏ rành rành rằng không tồn tại các quy tắc như thế nữa… Thành tựu của nền khoa học tính toán này [gọi là lí thuyết nhiễu loạn] và thật ra là của chính nền cơ học Newton, nằm ở khám phá Hải Vương tinh.”

Hải Vương tinh là hành tinh duy nhất trong Hệ Mặt Trời có sự tồn tại và vị trí được dự đoán bằng toán học trước khi hành tinh thật sự được quan trắc. Các nhà thiên văn để ý thấy Thiên Vương tinh, được khám phá vào năm 1781, biểu hiện những dị thường nhất định trong quỹ đạo của nó xung quanh Mặt Trời. Các nhà thiên văn tự hỏi phải chăng điều này có nghĩa là Các định luật Newton không áp dụng được cho phía ngoài Hệ Mặt Trời, hoặc có lẽ có một vật thể lớn chưa nhìn thấy đang gây nhiễu quỹ đạo của Thiên Vương tinh.

Nhà thiên văn Pháp Urbain Le Verrier và nhà thiên văn Anh John Couch Adams đều thực hiện các phép tính nhằm định vị một hành tinh khả dĩ mới. Vào năm 1846, Le Verrier chỉ cho nhà thiên văn Đức Johann Galle nơi hướng ống kính thiên văn của Galle dựa trên tính toán của Le Verrier, và trong khoảng nửa giờ đồng hồ Galle đã tìm thấy Hải Vương tinh trong vùng lệch một độ so với vị trí đã dự đoán – một sự xác thực ngoạn mục của Định luật Vạn vật Hấp dẫn của Newton. Galle viết cho Le Verrier vào ngày 25 tháng Chín, “Monsieur, hành tinh mà ông chỉ chỗ thật sự tồn tại.” Le Verrier hồi âm, “Cám ơn ông đã sốt sắng thực hiện chỉ dẫn của tôi. Thế là, nhờ ông, chắc chắn chúng ta có quyền sở hữu một thế giới mới.”

Các nhà khoa học Anh cãi rằng Adams cũng đã tìm thấy Hải Vương tinh đồng thời gian trên, và một cuộc tranh cãi nổ ra xem ai là người khám phá thật sự của hành tinh mới. Điều thú vị là trong hàng thế kỉ một số nhà thiên văn trước Adams và Le Verrier đã quan sát Hải Vương tinh nhưng họ nghĩ nó chỉ là một ngôi sao chứ không phải một hành tinh.

Bạn không nhìn thấy Hải Vương tinh bằng mắt trần. Nó quay xung quanh Mặt trời mỗi vòng 164,7 năm và có gió thổi nhanh nhất so với bất kì hành tinh nào khác trong hệ mặt trời của chúng ta.

XEM THÊM. Kính thiên văn (1608), Đo Hệ Mặt trời (1672), Các định luật Newton về Chuyển động và Lực hấp dẫn (1687), Định luật Bode về Khoảng cách Hành tinh (1766), Kính thiên văn Hubble (1990).

Hải Vương tinh

Hải Vương tinh, hành tinh thứ tám tính từ Mặt trời, và vệ tinh Proteus của nó. Hải Vương tinh có 13 vệ tinh đã biết, và bán kính xích đạo của nó chừng gấp bốn lần của Trái đất.

250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí
Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm