Hiệp Khách Quậy Xin mời đọc tiếp.
Định luật chất khí Henry
1803
William Henry (1775-1836)
Đôi khi một định luật vật lí được tìm thấy với việc bẻ khớp đốt tay. Định luật Henry, mang tên nhà hóa học Anh William Henry, nói rằng lượng chất khí hòa tan trong một chất lỏng tỉ lệ thuận với áp suất chất khí phía trên dung dịch. Giả thiết là hệ đang nghiên cứu đạt tới trạng thái cân bằng và chất khí không phản ứng hóa học với chất lỏng. Một công thức phổ biến được sử dụng ngày nay cho Định luật Henry là P = kC, trong đó P là áp suất riêng phần của chất khí phía trên dung dịch, C là nồng độ của chất khí hòa tan, và k là hằng số Định luật Henry.
Chúng ta có thể hình dung một diện mạo của Định luật Henry bằng cách xét một kịch bản trong đó áp suất riêng phần của chất khí phía trên chất lỏng tăng lên hai lần. Như thế, tính trung bình, sẽ có gấp đôi số phân tử va chạm với bề mặt chất lỏng trong một khoảng thời gian cho trước, và, do đó, sẽ tăng gấp đôi số phân tử có thể đi vào dung dịch. Lưu ý rằng các chất khí khác nhau có khả năng hòa tan khác nhau, và những khác biệt này cũng ảnh hưởng đến quá trình cùng với giá trị của hằng số Henry.
Định luật Henry được các nhà nghiên cứu sử dụng để hiểu rõ hơn tiếng kêu đi kèm với việc “bẻ” khớp đốt tay. Các chất khí hòa tan trong dịch nhầy của các khớp nhanh chóng đi ra khỏi dung dịch khi khớp bị kéo dãn và áp suất giảm. Sự sủi bọt này, ý nói sự hình thành và vỡ đột ngột của các bọt bóng áp suất thấp trong chất lỏng do lực cơ tác dụng, tạo ra một tiếng kêu đặc trưng.
Đối với thợ lặn bình khí nén, áp suất không khí thở đại khái bằng với áp suất nước xung quanh. Lặn càng sâu thì áp suất không khí thở càng lớn, và càng có nhiều không khí hòa tan trong máu. Khi người thợ lặn trồi lên đột ngột, không khí hòa tan có thể thoát khỏi dung dịch quá nhanh trong máu, và các bọt bóng trong máu có thể gây đau đớn và một chứng rối loạn nguy hiểm gọi là bệnh giảm sức ép.
Cola trong cốc. Khi bạn khui một lon soda, áp suất giảm làm cho chất khí hòa tan thoát ra khỏi dung dịch theo Định luật Henry. Carbon dioxide tuôn ra từ soda thành các bọt bóng.
XEM THÊM. Định luật Chất khí Boyle (1662), Định luật Chất khí Charles (1787), Định luật Chất khí Avogadro (1811), Thuyết Động học (1859), Chim uống nước (1945).
250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí
Clifford A. Pickover
Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>