Hiệp Khách Quậy “Các vành sao Thổ trông hầu như chẳng thay đổi,” phóng viên khoa học Rachel Courtland viết. “Những món trang sức hành tinh này, được chạm trổ bởi các vệ tinh nhỏ và được định hình bởi lực hấp dẫn, có thể trông y hệt như chúng vẫn trông như thế hồi hàng tỉ năm trước – chỉ có điều là nhìn từ xa.” Vào thập... Xin mời đọc tiếp.
Khám phá vành sao Thổ
1610
Galileo Galilei (1564–1642), Giovanni Domenico Cassini (1625–1712), Christiaan Huygens (1629–1695)
“Các vành sao Thổ trông hầu như chẳng thay đổi,” phóng viên khoa học Rachel Courtland viết. “Những món trang sức hành tinh này, được chạm trổ bởi các vệ tinh nhỏ và được định hình bởi lực hấp dẫn, có thể trông y hệt như chúng vẫn trông như thế hồi hàng tỉ năm trước – chỉ có điều là nhìn từ xa.” Vào thập niên 1980, một sự kiện bí ẩn xảy ra đã bất ngờ làm cong các vành trong cùng của hành tinh thành một kiểu xoắn ốc nhấp nhô, “giống như các đường khía trên đĩa vinyl”. Các nhà khoa học giả định rằng sự uốn lượn xoắn ốc ấy là do một vật thể rất lớn giống tiểu hành tinh hay một chuyển biến rất lớn về thời tiết.
Vào năm 1610, Galileo Galilei đã trở thành người đầu tiên quan sát vành sao Thổ; tuy nhiên, ông mô tả chúng là “tai”. Mãi cho đến năm 1655 thì Christiaan Huygens mới có thể sử dụng chiếc kính thiên văn chất lượng cao hơn của ông và trở thành người đầu tiên mô tả chi tiết ấy là một cái vành thực sự bao xung quanh sao Thổ. Cuối cùng, vào năm 1675, Giovanni Cassini xác định được rằng “vành” sao Thổ thật ra gồm những cái vành con cùng với những khoảng trống ở giữa chúng. Hai khoảng trống như thế được khoét bởi các vệ tinh nhỏ quay xung quanh, còn những khoảng trống khác thì vẫn chưa được giải thích. Các cộng hưởng quỹ đạo, do các tác động hấp dẫn tuần hoàn của các vệ tinh sao Thổ, còn ảnh hưởng đến sự ổn định của các vành. Mỗi vành con quay ở một tốc độ khác nhau xung quanh hành tinh.
Ngày nay, chúng ta biết rằng các vành ấy gồm những hạt nhỏ, được làm hầu như hoàn toàn bởi nước đóng băng, đá, và bụi. Nhà thiên văn Carl Sagan đã gọi các vành ấy là “bè lũ đông đúc gồm những thế giới băng tí hon, mỗi thế giới đang chuyển động trong quỹ đạo tách biệt của nó, mỗi thế giới liên kết với Thổ tinh bằng lực hấp dẫn của hành tinh khổng lồ này.” Các hạt ấy có kích cỡ đa dạng từ bằng một hạt cát cho đến cỡ một căn nhà. Các cấu trúc vành còn có một khí quyển mỏng làm bằng khí oxygen. Các vành ấy có thể đã ra đời bởi các mảnh vụn từ sự phá vỡ của một vệ tinh, một sao chổi, hay một tiểu hành tinh nào đó lúc xa xưa.
Vào năm 2009, các nhà khoa học tại NASA đã tìm thấy một cái vành gần như vô hình xung quanh Thổ tinh, nó lớn đến mức sẽ cần một tỉ Trái Đất mới lấp đầy nó (hay khoảng 300 Thổ tinh sắp liền cạnh nhau).
Ảnh sao Thổ cùng với các vành của nó được ghép từ 165 bức ảnh do camera góc rộng trên phi thuyền Cassini chụp. Màu sắc trong ảnh được tạo ra bằng cách sử dụng tia tử ngoại, tia hồng ngoại, và các kiểu chụp ảnh bức xạ khác.
XEM THÊM. Kính thiên văn (1608), Đo Hệ Mặt Trời (1672), Khám phá Hải Vương tinh (1846).
250 Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Vật Lí | Clifford A. Pickover
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>