Hiệp Khách Quậy Được khám phá lần đầu tiên ở gần thị trấn Ytterby tại Thụy Điển vào năm 1787, họ lanthanoid (tức các lanthanide) là một dải gồm 15 kim loại có các tính chất giống nhau đến ấn tượng. Chúng được nhận ra lần đầu tiên bởi nhà hóa học Thụy Điển Johan Gadolin (1760–1852) trong khoáng chất ytterbite (về sau... Xin mời đọc tiếp.
Họ Lanthanoid
Được khám phá lần đầu tiên ở gần thị trấn Ytterby tại Thụy Điển vào năm 1787, họ lanthanoid (tức các lanthanide) là một dải gồm 15 kim loại có các tính chất giống nhau đến ấn tượng. Chúng được nhận ra lần đầu tiên bởi nhà hóa học Thụy Điển Johan Gadolin (1760–1852) trong khoáng chất ytterbite (về sau được đặt tên lại là gadolinite). Đầy đủ tám nguyên tố đều có tên gọi liên quan đến Ytterby, Gadolin hay Scandinavia nói chung – yttrium, ytterbium, terbium, erbium, gadolinium, scandium, holmium và thulium.
Họ lanthanoid nằm trong chu kì 6 trên bảng tuần hoàn, nhưng lại là một trong hai hàng bổ sung thường thể hiện bên dưới bảng chính – nếu bảng tuần hoàn ‘dãn’ cho đủ chiều dài của họ lanthanoid xếp cho đúng chỗ thì nó sẽ trông quá luộm thuộm đối với đa số công dụng. Chúng được gọi là các nguyên tố block f vì các electron hóa trị của chúng lấp đầy orbital f ở ngoài cùng. Khi cắt ra, chúng có ánh bạc, nhưng nhanh chóng bị xỉn đục trong không khí ẩm. Các nguyên tố đất hiếm là một nhóm kim loại quan trọng về mặt kinh tế bao gồm họ lanthanoid, scandium và yttrium – các hợp kim của chúng làm ra các nam châm vĩnh cửu mạnh dùng trong tuabin gió, máy MRI, điện thoại di động và máy vi tính.
Mỏ đá bị bỏ hoang tại Ytterby, Thụy Điển, ngày nay được công nhận là một bước ngoặc lịch sử.
Các kim loại hậu chuyển tiếp
Kim loại hậu chuyển tiếp là các nguyên tố không có orbital d chưa lấp đầy của kim loại chuyển tiếp, nhưng lại có một số tính chất giống nhau. Chúng nằm trên bảng tuần hoàn giữa các kim loại chuyển tiếp và á kim, phía bên phải của block d. Không có định nghĩa đơn lẻ nào được chấp nhận cho một kim loại hậu chuyển tiếp, thế nên các nguyên tố ‘ranh giới’ này có phần phụ thuộc vào nơi vạch ra đường phân chia giữa kim loại chuyển tiếp và á kim. Các kim loại hậu chuyển tiếp theo thông lệ là gallium, indium, thallium, thiếc, chì và bismuth, song tập hợp ấy có thể được mở rộng để bao gồm các nguyên tố nhóm 12, kẽm, cadmium và thủy ngân, cùng với nhôm, germanium, antimony và polonium. Hóa tính của các nguyên tố phóng xạ chu kì 7 (copernicium, ununtrium, flerovium, ununpentium, livermorium, ununseptium và astatine) cũng có thể là ‘hậu chuyển tiếp’. Mặc dù các nguyên tố hậu chuyển tiếp có tính kim loại, song chúng có khuynh hướng mềm hơn, kém bền hơn, tỉ trọng thấp hơn và dẫn nhiệt và dẫn điện kém hơn. Chúng cũng có điểm nóng chảy và điểm sôi thấp hơn.
Bismuth là một kim loại tỉ trọng cao có điểm nóng chảy thấp và có xu hướng tạo thành những tinh thể xếp bậc lộng lẫy.
Bảng tuần hoàn hóa học tốc hành | Dan Green
Bản dịch của Thuvienvatly.com