Vật lí học và chiến tranh - Từ mũi tên đồng đến bom nguyên tử (Phần 23)

Hiệp Khách Quậy Súng cầm tay nhanh chóng lan tỏa khắp châu Âu, và chẳng bao lâu thì cung dài và nỏ chữ thập không còn được sử dụng. Súng trường là vũ khí chính, và hiệu quả của nó có xu hướng làm tăng tốc chiến tranh trong một khu vực có nhiều xung đột. Và trong khi mọi chuyện đang tăng tốc trên đất liền, thì các phát... Xin mời đọc tiếp.

CHIẾN TRANH TRÊN BIỂN

Súng cầm tay nhanh chóng lan tỏa khắp châu Âu, và chẳng bao lâu thì cung dài và nỏ chữ thập không còn được sử dụng. Súng trường là vũ khí chính, và hiệu quả của nó có xu hướng làm tăng tốc chiến tranh trong một khu vực có nhiều xung đột. Và trong khi mọi chuyện đang tăng tốc trên đất liền, thì các phát triển được triển khai trên biển. Tuy nhiên, nói chung, ở đây tiến độ diễn ra chậm hơn, và có nhiều vấn đề hơn. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc gắn những khẩu đại bác lớn trên boong tàu. Chúng nặng nề quá, và nếu gắn quá nhiều đại bác thì chúng khiến con tàu mất cân bằng.

Thế nhưng đây chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Đi biển là một quá trình trúng-hay-trật, đặc biệt là giữa trùng khơi mênh mông. Bởi vậy, đa số các thuyền trưởng đều nghiêng về hướng giữ đất liền trong tầm nhìn. Song họ chỉ có thể làm như vậy trong chừng mực nào đó. Không bao lâu thì người ta biết rằng vùng đất bên kia biển cả mênh mông thật giàu có châu báu. Không những có vàng, mà còn có đường, trà, và gia vị có thể bán với lợi nhuận vô khối. Tuy nhiên, biển cả nay ẩn trong nó một hiểm họa khác: hải tặc. Những con thuyền nhỏ, chạy nhanh đang chực chờ những con tàu lớn chất đầy châu báu, và chúng đánh úp bất kì con tàu nào chúng bắt gặp.

Anh, Tây Ban Nha, Pháp, và Bồ Đào Nha là những thế lực chính lúc bấy giờ, và họ đều muốn xây dựng hải quân của mình, do bởi tình hình mậu dịch sinh lợi với châu Á và các vùng đất khác, đồng thời vì họ cần một lực lượng quân đội mạnh trên biển. Một trong những người đầu tiên nhận thấy một đội hải quân mạnh là yếu tố sống còn là Hoàng tử Henry của Bồ Đào Nha. Ông sinh năm 1394, là con trai thứ ba của Vua John I. Ở tuổi hai mươi mốt, ông đã thống lĩnh một đội quân tấn công và chiếm được tiền đồn quân sự của Ceota, ở Eo biển Gibralta.5

Bởi thắng lợi ấy khiến vua cha ấn tượng, nên Henry được phép thiết lập một viện hải quân ở tây nam Bồ Đào Nha tại Sagres. Nhà hàng hải Henry, như sau này ông nổi danh như thế, biết rằng một hải đội mạnh là thiết yếu cho sự thành công của một quốc gia, và ông đã lên kế hoạch xây dựng hải quân tốt nhất trên thế giới. Hải quân cũng là chìa khóa dẫn tới những kho báu không thể tin nổi ở bên kia đại dương.

Bước khởi đầu, Henry bắt đầu tìm kiếm các nhà toán học, nhà thiên văn học, nhà bản đồ học, và nhà địa lí giỏi nhất ở châu Âu. Và vào năm 1418 ông tập hợp toàn bộ họ lại tại viện hải quân của ông. Ông đặt ra một vài mục tiêu cho viện. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phát triển kĩ thuật dẫn đường tốt hơn, ngoài ra ông còn muốn thiết kế những con tàu chạy nhanh hơn và tốt hơn. Về cơ bản, học viện của ông là một cơ sở nghiên cứu và phát triển, trong đó có một trong những thư viện tốt nhất trên thế giới.

Henry sớm có hai mục tiêu chính: xác định lộ trình hàng hải tốt nhất đến những khu vực mậu dịch chính của châu Á, và thám hiểm bờ biển phía tây châu Phi. Lục địa châu Phi lúc ấy vẫn chưa được biết đến nhiều, song có rất nhiều suy đoán cho rằng có thể tìm thấy châu báu ở đó.

 

Một khẩu đại bác cầm tay của người Trung Hoa xưa

 

Một khẩu đại bác cầm tay của người Trung Hoa xưa

Một trong những điều đầu tiên Henry làm được là phát triển và đóng một loại tàu mới, nó nhanh hơn và cơ động hơn đa số tàu thuyền trên biển. Nó được gọi là caravel. Và ông nhanh chóng phái những chiếc caravel đầu tiên đi thám hiểm bờ biển phía tây châu Phi. Đặc biệt, ông muốn thám hiểm càng xa về phương nam càng tốt. (Mặc dù ông phái đi nhiều đoán thám hiểm, song bản thân ông không tham gia đoàn nào.) Nhưng có những trục trặc. Một trong số chúng là các nhà hàng hải cần Polaris (sao Bắc Cực) để định hướng, và trước sự bất ngờ và thất vọng của họ, sao Bắc Cực biến mất trên đường chân trời khi họ đi quá xa xuống phía nam. Hơn nữa, có nhiều chuyện kể về các thủy quái, các vùng nước hoang dã, sâu biển, và vân vân, ở trong vùng, cho nên các thủy thủ rất cảnh giác không dám đi quá xa.

Các nhà hàng hải có la bàn giúp dẫn đường cho họ. Dụng cụ gồm một miếng hoặc kim magnetite nằm cân bằng sao cho nó có thể quay tự do, nó vốn được người Trung Hoa phát triển từ nhiều năm về trước. Họ còn có các biểu đồ căng buồm, song chúng không chính xác, chúng cho biết rất ít thông tin về vùng đất bên kia đại dương.

Thật bất ngờ, lẽ ra Henry đã có thể thực hiện một khám phá về hàng hải trên biển cả mênh mông, song ông đã để nó tuột khỏi tay mình. Một nhà vẽ bản đồ và nhà toán học, Toscanelli, đang nghiên cứu về các biểu đồ mới của thế giới, như lúc ấy người ta gọi thế. Sinh ra ở Florence, Toscanelli được đào tạo toán học tại Đại học Padua vào năm 1424. Niềm đam mê chính lúc đầu của ông là thiên văn học, và ông đã thực hiện vô số quan sát về các sao chổi, nhưng cuối cùng ông chuyển sang yêu thích lập bản đồ vũ trụ nghiên cứu tổng thể Trái Đất, như nó được biết. Trái Đất tổng thể trông như thế nào? Ông vốn thông thạo bản đồ của các nhà địa lí Hi Lạp ngày xưa, và ông có kiến thức về công trình của Ptolemy và các chuyến đi của Marco Polo đến châu Á. Sử dụng các nguồn thông tin này, ông thiết lập một bản đồ biểu diễn châu Âu và châu Á; ông bị thuyết phục rằng vùng đất mênh mông của chúng bao phủ gần hai phần ba diện tích bề mặt của Trái Đất. Ông chồng một mạng lưới lên bản đồ của mình (các hình vuông có kích cỡ nhất định bao phủ toàn bộ bản đồ). Không những chúng bao phủ các khu vực đất liền, mà chúng còn bao phủ biển cả mênh mông. Hứng khởi trước những bản đồ mới của mình, ông đem chúng đến viện hải quân của Henry, đoan chắc rằng các học giả của ông ta cũng sẽ hứng khởi với chúng. Trước sự thất vọng của ông, họ biểu hiện chẳng mấy quan tâm.6

Không nản lòng, Toscanelli đem các bản đồ của ông sang Tây Ban Nha, ở đó chúng được chào đón nồng nhiệt. Thật vậy, đó chính là trước khi Columbus bắt đầu chuyến hải hành nổi tiếng của ông vượt đại dương năm 1492, kết quả đem lại sự khám phá châu Mĩ. Columbus đã phấn khởi trước những bản đồ mới ấy và người ta nói ông đã sử dụng chúng trong chuyến đi của mình.

Vật lí học và chiến tranh
Barry Parker - Bản dịch của Thuvienvatly.com
<< Phần trước | Phần tiếp theo >>

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm