Hiệp Khách Quậy Xác suất chúng ta sẽ chạm trán một dạng sống ngoài hành tinh nào đó khi chúng ta khám phá thiên hà là bao nhiêu? Nếu lập luận về thang thời gian cho sự sống xuất hiện trên Trái Đất là đúng, thì phải có nhiều ngôi sao khác có các hành tinh có sự sống trên chúng. Một số hệ sao này có thể đã hình thành... Xin mời đọc tiếp.
Xác suất chúng ta sẽ chạm trán một dạng sống ngoài hành tinh nào đó khi chúng ta khám phá thiên hà là bao nhiêu? Nếu lập luận về thang thời gian cho sự sống xuất hiện trên Trái Đất là đúng, thì phải có nhiều ngôi sao khác có các hành tinh có sự sống trên chúng. Một số hệ sao này có thể đã hình thành trước Trái Đất năm tỉ năm, vậy tại sao thiên hà không nhung nhúc các dạng sống cơ giới hay sinh học tự thiết kế chứ? Tại sao Trái Đất chưa từng được thăm viếng hay bị chiếm cứ? Tiện thể, tôi chẳng quan tâm đến các đề xuất rằng UFO chứa các sinh vật đến từ không gian bên ngoài, vì tôi nghĩ bất kì chuyến viếng thăm nào của người ngoài hành tinh cũng sẽ rõ ràng hơn nhiều – và có lẽ cũng gay gắt hơn nhiều nữa.
Vậy tại sao chúng ta chưa từng được thăm viếng? Có lẽ xác suất để sự sống tự phát xuất hiện là thấp đến mức Trái Đất là hành tinh duy nhất trong thiên hà – hay trong vũ trụ quan sát được – trên đó nó xuất hiện. Một khả năng nữa là có một xác suất hợp lí để hình thành các hệ thống tự sao chép, ví dụ như các tế bào, nhưng phần lớn các dạng sống này đã không tiến hóa thành trí thông minh. Chúng ta quen nghĩ rằng sự sống thông minh là một hệ quả không thể tránh khỏi của tiến hóa, nhưng nếu nó không phải thì sao? Nguyên lí Vị nhân sinh cảnh báo chúng ta nên thận trọng trước những lập luận như thế. Có khả năng hơn là sự tiến hóa là một quá trình ngẫu nhiên, với trí thông minh chỉ là một trong số lượng lớn các kết cục khả dĩ.
Cũng chẳng rõ rằng trí thông minh có bất kì giá trị tồn vong lâu dài nào không. Vi khuẩn, cùng các sinh vật đơn bào khác, có thể sinh sôi nếu mọi sinh vật khác trên Trái Đất bị quét sạch bởi các hoạt động của chúng ta. Có lẽ trí thông minh là một phát triển chẳng hứa hẹn gì cho sự sống trên Trái Đất, từ niên đại tiến hóa, vì cần thời gian rất dài – khoảng hai tỉ rưỡi năm – để đi từ sinh vật đơn bào đến đa bào, đó là một tiền thân thiết yếu cho trí thông minh. Đây là một tỉ lệ đẹp của tổng thời gian sẵn có trước khi Mặt Trời phồng to, vì thế nó phù hợp với giả thuyết rằng xác suất cho sự sống phát triển trí thông minh là thấp. Trong trường hợp này, chúng ta có thể kì vọng tìm thấy nhiều dạng sống khác trong thiên hà, nhưng chúng ta khó mà tìm thấy sự sống thông minh.
Một cách khác trong đó sự sống có thể không phát triển được sang giai đoạn thông minh đó là nếu một tiểu hành tinh hay sao chổi va chạm với hành tinh. Năm 1994, chúng ta đã quan sát một vụ va chạm của sao chổi, Shoemaker-Levy, với Mộc tinh. Nó tạo ra một loạt cầu lửa khổng lồ. Người ta cho rằng sự va chạm của một vật thể hơi nhỏ hơn thế với Trái Đất, cách nay khoảng sáu mươi sáu triệu năm, là nguyên nhân gây tuyệt chủng loài khủng long. Một vài loài thú nhỏ xa xưa đã sống sót, song bất kì loài nào kích cỡ lớn chừng bằng con người sẽ hầu như chắc chắn bị quét sạch. Khó mà nói được những va chạm như thế xảy ra bao lâu một lần, nhưng một dự đoán hợp lí sẽ là trung bình mỗi hai mươi triệu năm một lần. Nếu con số này đúng, thì nó có nghĩa là sự sống thông minh trên Trái Đất phát triển được chỉ bởi sự may mắn tình cờ là chẳng có vụ va chạm lớn nào trong sáu mươi sáu triệu năm qua. Các hành tinh khác trong thiên hà, trên đó sự sống đã phát triển, có lẽ không có được khoảng thời gian không-va chạm đủ lâu để tiến hóa các sinh vật thông minh.
Một khả năng thứ ba là có một xác suất hợp lí cho sự sống hình thành và tiến hóa thành sinh vật thông minh, nhưng hệ thống trở nên bất ổn và sự sống thông minh tự hủy diệt. Đây sẽ là một kết luận rất bi quan và tôi rất hi vọng rằng nó không đúng.
Tôi ngả về một khả năng thứ tư: rằng có những dạng khác của sự sống thông minh ở ngoài kia, nhưng chúng ta không nhận thấy. Vào năm 2015, tôi có tham dự buổi khai trương Các Sáng kiến Lắng nghe Đột phá. Lắng nghe Đột phá sử dụng các quan sát vô tuyến để tìm kiếm sự sống thông minh ngoài địa cầu, và có trang thiết bị tiên tiến, ngân quỹ dồi dào và hàng nghìn giờ làm việc của kính thiên văn vô tuyến dành riêng. Nó là sáng kiến lớn nhất trong các chương trình nghiên cứu khoa học nhắm vào tìm kiếm bằng chứng của các nền văn minh vượt ngoài Trái Đất. Thông điệp Đột phá là một cuộc thi quốc tế nhằm sáng tạo những thông điệp có thể được đọc bởi một nền văn minh tiên tiến. Thế nhưng chúng ta nên thận trọng ngoái về phía sau trước khi dấn thêm bước nào về phía trước. Gặp gỡ một nền văn minh tiên tiến hơn, ở giai đoạn hiện nay của chúng ta, có thể na ná như các cư dân bản địa của châu Mĩ gặp gỡ Columbus – và tôi chẳng nghĩ đó là một kết thúc có hậu.
Nếu sự sống thông minh tồn tại ở đâu đó khác ngoài Trái Đất, thì nó có giống với các dạng sống mà chúng ta biết hay không?
Có sự sống thông minh trên Trái Đất không? Nhưng nghiêm túc mà nói, nếu có sự sống thông minh ở đâu đó khác, thì nó phải ở rất xa, còn không nó đã đến thăm Trái Đất vào lúc này rồi. Và tôi nghĩ chúng ta chẳng hề hay biết nếu chúng ta từng được thăm viếng; tình hình na ná như trong bộ phim Ngày Độc Lập.
Giải đáp nhanh những câu hỏi lớn | Stephen Hawking