Nguyên tố Chlorine

Hiệp Khách Quậy Vào ngày 22 tháng 4 năm 1915, quân đội Đức cho xả khí chlorine tại Flanders ở Mặt trận phía Tây. Chất khí được gió nhẹ mang đi khắp các chiến hào của quân Đồng minh, gây ra cái chết đau đớn cho 5.000 quân và làm tê liệt hơn 15.000 quân khác. Sau này, người ta chuyển sang dùng các loại vũ khí hóa học... Xin mời đọc tiếp.

Số nguyên tử: 17
Trọng lượng nguyên tử: 35,453
Màu sắc: vàng-lục
Pha: khí
Phân loại: halogen
Điểm nóng chảy: – 102oC
Điểm sôi: – 34oC
Cấu trúc tinh thể: không rõ

Nguyên tố Chlorine

Vào ngày 22 tháng 4 năm 1915, quân đội Đức cho xả khí chlorine tại Flanders ở Mặt trận phía Tây. Chất khí được gió nhẹ mang đi khắp các chiến hào của quân Đồng minh, gây ra cái chết đau đớn cho 5.000 quân và làm tê liệt hơn 15.000 quân khác. Sau này, người ta chuyển sang dùng các loại vũ khí hóa học khác, ví dụ như khí mù tạc – một chất gây ung thư thấm xuyên qua da và gây ra tình trạng đốt cháy hóa học. Mặc dù chlorine có bản chất chết chóc, nhưng điều hết sức nên lưu ý là trong 100 năm qua nó đã cứu sống nhiều sinh mạng hơn là gây hại.

Sodium chloride, hợp chất phổ biến nhất của chlorine, đã được loài người sử dụng từ thời cổ đại, nhưng nguyên tố khí chlorine thì mãi đến năm 1774 mới được điều chế bởi nhà hóa học người Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele (xem phần Oxygen). Scheele đã đun nóng acid hydrochloric với một bột khoáng chứa manganese dioxide, tạo ra một chất khí màu vàng hơi lục có mùi hắc. Scheele đã quan sát thấy một số đặc điểm then chốt: chất khí đó hòa tan trong nước cho một dung dịch acid; nó làm tẩy trắng giấy quỳ; và nó phản ứng với đa số kim loại để tiếp xúc với nó.

Vào năm 1785, một viên đốc công xưởng nhuộm người Pháp, Claude-Louis Berthollett, đã phát triển một chất tẩy gốc chlorine hết sức hiệu nghiệm và đây chính là loại dung dịch ngày nay được sử dụng trong nhà và ở các hồ bơi, với mùi ngửi quen thuộc. Chất tẩy làm từ chlorine lần đầu tiên được dùng để khử trùng nước uống vào năm 1897 trong một trận dịch thương hàn ở Maidstone, nước Anh, nhờ đó mà kiểm soát được dịch bệnh. Từ đây dẫn tới quá trình khử trùng nước uống bằng chlorine trên khắp thế giới phát triển, và chlorine đã giúp diệt trừ tận gốc các chứng bệnh nguy hiểm lây lan qua đường nước như thương hàn và bệnh tả.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc khử trùng nước bằng chlorine giữ một vai trò thiết yếu trong việc kéo dài tuổi thọ ở nước Mĩ từ 45 tuổi vào đầu thế kỉ 20 lên 77 tuổi vào năm 2012. Tuy nhiên, trên thế giới, 900 triệu con người vẫn chưa được tiếp cận nước sạch và 2,5 tỉ người còn thiếu các hệ thống vệ sinh hiệu quả.

Là một trong những nguyên tố hoạt tính mạnh nhất, chlorine luôn dễ dàng kết hợp với các chất khác. Các chất tẩy rửa chứa các hợp chất chlorine có thể trao đổi nguyên tử với các hợp chất khác, ví dụ như các enzyme trong vi khuẩn và trong các tế bào khác. Khi các enzyme tiếp xúc với chlorine, hydrogen trong enzyme bị thay thế bởi chlorine, làm cho nó thay đổi hình dạng hoặc vỡ vụn. Nếu các enzyme không hoạt động đúng chức năng, thì tế bào hoặc vi khuẩn sẽ chết.

Nguyên tố Chlorine

Các viên chlorine dùng để khử trùng nước uống. Các viên này thường chứa sodium dichloroisocyanurate (NaDCC), chất khi pha vào nước làm giải phóng chlorine hàm lượng thấp ở tốc độ đều. Thành ra nó có tác dụng giống như chất tẩy trắng.

Những công dụng chủ yếu khác của chlorine bao gồm các hóa chất dùng trong công nghiệp, sản xuất polyvinyl chloride (PVC), và trong các dung môi. Phần lớn khí chlorine được sản xuất qua quá trình điện phân nước biển.

Vào thập niên 1980, chlorine lại mang tiếng xấu, do tác động phá hủy của các chlorofluorocarbon (CFC) đối với tầng ozone, và vào năm 1987, Hiệp định Montreal cấm sử dụng các chất CFC đã được kí kết bởi các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới. Vào năm 2011, NASA báo cáo rằng hàm lượng ozone toàn cầu vẫn giữ nguyên trong 9 năm trước đó, sau một pha suy giảm được chú ý thấy lần đầu tiên hồi thập niên 1980.

Trích The Periodic Table – Paul Parsons & Gail Dixson

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm