Siêu trăng – hiện tượng kì thú

Hiệp Khách Quậy Khoảng mỗi năm một lần, khi mặt trăng tròn trịa nhất và ở gần Trái đất nhất, nó được gọi là siêu trăng. Trên thế giới có nhiều câu chuyện đồn đại về siêu trăng, nhưng liệu những câu chuyện đỏ máu ấy có cơ sở thật sự hay không? Xin mời đọc tiếp.

Khoảng mỗi năm một lần, khi mặt trăng tròn trịa nhất và ở gần Trái đất nhất, nó được gọi là siêu trăng. Trên thế giới có nhiều câu chuyện đồn đại về siêu trăng, nhưng liệu những câu chuyện đỏ máu ấy có cơ sở thật sự hay không?

Dưới đây là một số sự thật mà có lẽ bạn chưa biết về siêu trăng.

Siêu trăng

Trăng treo trên khu Manhattan. Ảnh: Gary Hershorn/Reuters

Siêu trăng không phá hủy Trái đất

Bất chấp khẳng định của một số người trên khắp thế giới, siêu trăng sẽ không phá hủy Trái đất.

Siêu trăng xuất hiện khi nó ở vị trí cận điểm – điểm trên quỹ đạo mang nó đến gần Trái đất nhất – và ở trong pha tròn nhất của nó.

Siêu trăng là hiện tượng bình thường vì mặt trăng chuyển động trong một quỹ đạo elip, và nó sẽ không ảnh hưởng gì đến quỹ đạo của Trái đất.

Siêu trăng

Siêu trăng và một quả cầu lửa trên bầu trời Costa Adeje, Tenerife, ngày 05/5/2012. Ảnh: Roberto Porto

Siêu trăng không làm bạn hóa điên

Không gì phải sợ: Siêu trăng sẽ không biến bạn thành người điên đâu.

Các nghiên cứu cho biết mặt trăng tròn thuộc mọi loại thức không ảnh hưởng đến hành vi con người. Mặt trăng tròn và siêu trăng không gây ra rối loạn tâm thần, rối loạn tâm lí, động cơ giết người hay bất kì tội phạm nào khác.

Siêu trăng

Đĩa trăng vàng trên khu dân cư nghèo ở Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: Victor R. Caivano/AP

Không phải siêu trăng nào cũng giống nhau

Cận điểm giữa Trái đất và mặt trăng có thể biến thiên một khoảng bằng đường kính của Trái đất trong một tháng bất kì nào đó. Mặc dù nghe có vẻ là một con số lớn, nhưng tính trung bình, mặt trăng ở cách hành tinh chúng ta khoảng 30 lần đường kính Trái đất.

Lực hấp dẫn của mặt trời là nguyên nhân gây ra sự biến thiên quỹ đạo như trên.

Siêu trăng

Trăng treo ở San Francisco, ngày 05/5/2012. Ảnh: Mike Wall/Space.com

Siêu trăng mùa đông trông to hơn

Phải chăng mặt trăng trông to hơn vào mùa đông? Đúng thế. Trái đất ở gần mặt trời nhất vào tháng 12 mỗi năm, đồng nghĩa là lực hấp dẫn của mặt trời hút mặt trăng đến gần hành tinh chúng ta hơn. Do hiệu ứng này mà những siêu trăng lớn nhất luôn xuất hiện vào mùa đông.

Siêu trăng

Ảnh chụp siêu trăng vào tháng 3/2011. Lúc ấy, mặt trăng ở cách Trái đất 356.575 km. Ảnh: Quynh Ton/National Geographic Your Shot

Siêu trăng làm biến đổi thủy triều, nhưng không nhiều lắm

Siêu trăng có thể ảnh hưởng ít nhiều đối với thủy triều, nhưng nó chắc chắn không gây ra những thảm họa thiên nhiên.

Mặt trăng tròn làm thủy triều dâng cao hơn chút ít so với những ngày khác. Siêu trăng làm thủy triều dâng lên cao thêm khoảng chưa tới 1 inch.

Siêu trăng

Trăng treo trên tòa nhà Costa Adeje ở Tenerife, Tây Ban Nha, ngày 05/5/2012. Ảnh: Roberto Porto

Siêu trăng trong tương lai sẽ nhỏ hơn

Vì mặt trăng đang từ từ tiến ra xa Trái đất với tốc độ khoảng 3,8 cm mỗi năm, nên các siêu trăng trong tương lai sẽ trông nhỏ hơn bây giờ.

Các nhà khoa học cho rằng lúc mới hình thành, mặt trăng ở cách Trái đất chúng ta khoảng 22.530 km, nhưng ngày nay nó ở cách chúng ta trung bình khoảng 384.402 km.

Siêu trăng

Siêu trăng ngày 05/5/2012 ở Woburn, Massachusetts, Mĩ. Ảnh: Imelda Joson và Edwin Aguirre

Siêu trăng xảy ra mỗi năm một lần

Siêu trăng xuất hiện khoảng một lần mỗi năm và có thể nhìn thấy ở cả hai bán cầu bắc và nam. Siêu trăng năm nay xảy ra vào ngày mai, 23/6/2013. Nếu bỏ lỡ cơ hội vào đêm chủ nhật này, bạn phải chờ đến tháng 8/2014 mới có dịp ngắm siêu trăng lần nữa.

Siêu trăng

Siêu trăng ngày 05/5/2012 trên bãi biển Juhu ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Jatin Raval

Siêu trăng

Theo Space.com

Bài trước | Bài kế tiếp

Mời đọc thêm