Hiệp Khách Quậy Sự ấm lên toàn cầu có những hệ lụy sâu rộng, lâu dài và, trong nhiều trường hợp, hủy hoại hành tinh Trái đất. Xin mời đọc tiếp.
Sự ấm lên toàn cầu có những hệ lụy sâu rộng, lâu dài và, trong nhiều trường hợp, hủy hoại hành tinh Trái đất.
Trong những năm qua, sự ấm lên toàn cầu – sự nóng lên dần dần của bề mặt, các đại dương và khí quyển của Trái đất – đã là một vấn đề gây tranh cãi kịch liệt trong cộng đồng khoa học.
Nhưng ý kiến thống nhất chung của các nhà khoa học hiện nay là sự ấm lên toàn cầu là có thật và có nguyên nhân do hoạt động của con người, chủ yếu do việc đốt các nhiên liệu hóa thạch bơm carbon dioxide (CO2), methane và khí nhà kính khác vào khí quyển.
Thêm nữa, sự ấm lên toàn cầu có một tác động có thể đo được trên hành tinh ngay lúc này.
Diện tích phủ băng thường niên ở Greenland đang giảm dần
Tăng nhiệt độ trung bình
Một trong những tác động tức thời và rõ ràng nhất của sự ấm lên toàn cầu là sự tăng nhiệt độ trên khắp thế giới. Nhiệt độ toàn cầu trung bình đã tăng lên khoảng 0,8 độ C trong 100 năm qua, theo Cục Hải dương và Khí hậu Quốc gia Mĩ (NOAA).
Kể từ năm 1895, năm nóng nhất kỉ lục ở 48 bang nước Mĩ là năm 2012. Trên thế giới, 2012 cũng là năm nóng kỉ lục thứ 10, theo NOAA. Và 9 trong năm còn lại đều được ghi nhận kể từ sau năm 2000.
Những sự kiện thời tiết cực độ
Các nhà khoa học tìm thấy rằng số lượng và mức khốc liệt của những sự kiện thời tiết cực độ - nhiệt độ cao kỉ lục hoặc thấp kỉ lục, mưa lớn kéo dài hay những trận bão mạnh – là một số đo tác động của sự biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu.
Chỉ số Cực độ Khí hậu Mĩ (CEI) đã được xác lập vào năm 1996 để theo dõi những sự kiện này. Số lượng sự kiện thời tiết cực độ là cái thất thường nhất trong sử liệu, theo CEI, đã tăng lên trong bốn thập niên vừa qua, theo NOAA.
Các nhà khoa học cho rằng các sự kiện thời tiết cực độ, ví dụ như sóng nhiệt, hạn hán, bão tuyết và mưa bão sẽ tiếp tục xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn do sự ấm lên toàn cầu, theo Trung tâm Khí hậu.
Biến đổi kiểu khí hậu
Các mô hình khí hậu dự báo rằng sự ấm lên toàn cầu sẽ làm cho các kiểu khí hậu trên khắp thế giới biến đổi đáng kể. Những biến đổi này có khả năng sẽ là biến đổi kiểu gió, lượng mưa hằng năm và biến thiên nhiệt độ theo mùa.
Và do hàm lượng cao của các chất khí nhà kính trong khí quyển có khả năng vẫn ở mức cao trong nhiều năm, nên những biến đổi này sẽ kéo dài vài ba thập niên hoặc lâu hơn, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA).
Ví dụ, ở đông bắc nước Mĩ, biến đổi khí hậu có khả năng làm tăng lượng mưa hằng năm, trong khi ở tây bắc Thái Bình Dương thì lượng mưa rào mùa hè sẽ giảm.
Băng và tuyết
Kể từ năm 1970, diện tích phủ tuyết ở Mĩ đã giảm liên tục, theo EPA, và nhiệt độ trung bình của vùng đóng băng vĩnh cửu (đất tại đó ở dưới nhiệt độ đóng băng) đã ấm dần lên.
Một trong những hệ quả kịch tính nhất của sự biến đổi khí hậu là sự giảm lượng băng biển Bắc Cực: Trong năm 2012, các nhà khoa học đã chứng kiến lượng bao phủ băng nhỏ nhất ở Bắc Cực mà người ta từng ghi nhận. Đa số phân tích cho rằng, chỉ tính theo đơn vị năm, Bắc Băng Dương sẽ hoàn toàn không có băng vào những tháng mùa hè.
Băng hà lùi cũng là một tác động rõ rệt của sự ấm lên toàn cầu. Chỉ 25 sông băng lớn hơn 25 acrre hiện nay còn lại trong Vườn quốc gia Băng hà Montana ở Mĩ, nơi người ta từng tìm thấy có 150 sông băng, theo Cục Địa chất Mĩ. Một xu hướng tương tự cũng xảy ra với các khu vực đóng băng trên khắp thế giới.
Mực nước biển dâng
Băng tan ở vùng Bắc Cực và Nam Cực, cùng với các thềm băng và sông băng tan ở Greenland, Bắc Mĩ, Nam Mĩ, châu Âu và châu Á, sẽ làm mực nước biển dâng lên đáng kể.
Mặc nước biển toàn cầu đã tăng lên khoảng 8 inch kể tư fnawm 1870, theo EPA, và tốc độ tăng còn tăng lên trong những năm sắp tới. Nếu xu hướng hiện nay tiếp diễn, thì nhiều khu vực duyên hải – nơi sinh sống của gần một nửa dân số toàn cầu – sẽ bị nhận chìm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng vào năm 2100, mực nước biển trung bình sẽ cao hơn hiện nay 2,3 ft ở thành phố New York, và 3,5 ft ở Galveston, Texas, Mĩ.
Acid hóa đại dương
Vì hàm lượng carbon dioxide (CO2) trong khí quyển tăng, nên các đại dương hấp thu một phần CO2 đó, làm tăng độ acid của nước biển. Kể từ Cách mạng Công nghiệp vào đầu thế kỉ 18, độ acid của các đại dương đã tăng lên thêm khoảng 25%, theo EPA.
Vì các acid hòa tan calcium carbonate, nên nước biển có độ acid cao hơn có tác động hủy hoại đối với các sinh vật có lớp vỏ làm bằng calcium carbonate, ví dụ như san hô, thân mềm, giáp xác và phiêu sinh vật.
Nếu độ acid đại dương hiện nay tiếp tục tăng, thì các rặng san hô sẽ ngày càng hiếm hoi ở những khu vực nơi hiện nay chúng phát triển đông đúc.
Tác động đến động thực vật
Tác động của sự ấm lên toàn cầu đối với các hệ sinh thái trên Trái đất là nổi cộm và lan rộng. Nhiều loài thực vật và động vật đã và đang chuyển dịch vùng cư trú của chúng lên hướng bắc hoặc lên cao độ lớn do nhiệt độ tăng lên, theo một báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Mĩ.
Ngoài ra, chim di trú và côn trùng hiện đang tới nơi làm tổ và kiếm ăn mùa hè của chúng sớm hơn vài ngày hoặc vài tuần so với hồi thế kỉ 20, theo EPA.
Nhiệt độ ấm hơn lên cũng sẽ làm mở rộng vùng phân bố của những mầm bệnh đã từng hạn chế trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, làm chết các loài thực vật và động vật trước đây được bảo vệ an toàn.
Những tác động này và khác của sự ấm lên toàn cầu, nếu không được kiểm soát, có khả năng sẽ góp phần làm biến mất tới một nửa thực vật và một phần ba động vật trên Trái đất khỏi nơi cư trú hiện nay của chúng vào năm 2080, theo một báo cáo năm 2013 trên tạp chí Nature Climate Change.
Hạn hán kéo dài hơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp
Các tác động xã hội
Ngoài những tác động kịch tính đối với thế giới tự nhiên, biến đổi khí hậu còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống và sự tồn vong của nhân loại.
Hệ thống sản xuất nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề: Mùa ở số nơi sẽ kéo dài, kết hợp với hạn hán, thời tiết khắc nghiệt, thiếu tuyết tan, số lượng và số loại sâu hại gia tăng, hạ thấp mực nước ngầm và thiếu đất canh tác có thể khiến mùa màng thất bát và thiếu vật nuôi trên toàn thế giới.
Thiếu an ninh lương thực có thể gây náo loạn thị trường lương thực thế giới và có thể gây ra nạn đói, tranh chấp lương thực, mất ổn định chính trị và náo động cuộc sống trên phạm vi toàn cầu, theo một số phân tích của Bộ Quốc phòng Mĩ.
Tác động của sự ấm lên toàn cầu đối với sức khỏe con người cũng là nghiêm trọng: Hiệp hội Y khoa Mĩ đã báo cáo hiện tượng tăng các bệnh do muỗi đốt như sốt rét và sốt xuất huyết, song song đó là sự tăng các bệnh mãn tính như hen suyễn, có khả năng nhất là do sự ấm lên toàn cầu.
Nhiều hệ lụy đã nói ở trên là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và các mô hình khí hậu, và thực tế phần lớn tác động đó đã được chứng kiến làm tăng thêm sự tin cậy đối với các dự đoán về tác động của sự ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Nguồn: LiveScience